Giáo viên viết sáng kiến chủ yếu để xét thi đua nên còn nhiều hạn chế

23/02/2025 08:07
Nguyễn Ninh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Để đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, ngoài những tiêu chí khác thì giáo viên phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận.

Viết sáng kiến là một hoạt động thường niên của giáo viên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, đồng thời có cơ hội được xét tặng các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng.

Tuy nhiên, theo trải nghiệm và quan sát của người viết - một giáo viên trung học phổ thông, nhìn chung, giáo viên viết sáng kiến chủ yếu để xét các danh hiệu thi đua và sáng kiến được công nhận cũng chưa được công bố, phổ biến rộng rãi để đồng nghiệp áp dụng vào thực tế nên có không ít sáng kiến không có giá trị chuyên môn.

Dự báo số lượng sáng kiến tăng vọt trong năm học này

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, tại Điều 3 có giải thích: “Sáng kiến là giải pháp có tính mới về kỹ thuật, quản lý, tác nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực đã được áp dụng tại cơ sở, có khả năng nhân rộng và được cấp có thẩm quyền công nhận”.

Như vậy, trong Luật không có khái niệm “sáng kiến kinh nghiệm” mà chỉ có “sáng kiến”. Tuy sáng kiến và sáng kiến kinh nghiệm có mối quan hệ chặt chẽ nhưng không hoàn toàn đồng nhất nhau.

Hiểu cơ bản, sáng kiến có thể xuất phát từ lý thuyết hoặc ý tưởng mới còn sáng kiến kinh nghiệm là một dạng đặc biệt của sáng kiến, được hình thành và kiểm chứng thông qua kinh nghiệm thực tiễn.

Sáng kiến kinh nghiệm thường được dùng trong môi trường giáo dục, để giáo viên có thể chia sẻ các phương pháp giảng dạy hiệu quả.

Trong Luật Thi đua, khen thưởng, sáng kiến là một tiêu chí trong nhiều tiêu chí bắt buộc để xét các danh hiệu thi đua của giáo viên. Chẳng hạn, danh hiệu Chiến sĩ năm học thi đua toàn quốc (Điều 21); danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 22).

thi-dua-khen-thuong-minh-hoa-1610.jpg
(Ảnh minh hoạ trên http://moit.gov.vn)

Đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, một trong nhiều tiêu chí để xét là : “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận” (Khoản 2, Điều 23).

Theo đó, để đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, ngoài những tiêu chí khác thì giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận là có thể đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, theo Nghị định 48/2023/NĐCP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, tỷ lệ viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuối năm không quá 20% viên chức hoàn thành nhiệm vụ.

Vì thế, để đạt viên chức xuất sắc thì rất khó nên giáo viên chọn cách viết sáng kiến để xét thi đua có khả năng cao hơn.

Dựa trên những thay đổi trong quy định về xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, dự báo trong năm học này, số lượng sáng kiến có thể sẽ tăng cao.

Sáng kiến chủ yếu để xét thi đua nên còn nhiều hạn chế

Viết sáng kiến là một hoạt động quan trọng trong quá trình phát triển năng lực chuyên môn của giáo viên, bởi mỗi sáng kiến là một quá trình nghiên cứu, sáng tạo và thể hiện tinh thần học hỏi của giáo viên.

Vì mục đích tốt đẹp đó nên các nhà quản lý giáo dục khuyến khích, vận động giáo viên viết sáng kiến để phục vụ cho việc dạy học hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế không phải sáng kiến nào cũng đạt chất lượng dù được cơ sở công nhận.

Từ kinh nghiệm trực tiếp tham gia chấm sáng kiến, người viết nhận thấy một số điểm hạn chế trong việc viết sáng kiến hiện nay.

Thứ nhất, hạn chế nhất là sáng kiến không có tính mới và tính sáng tạo. Bởi viết sáng kiến mới có cơ hội xét danh hiệu thi đua nên có giáo viên năm nào cũng viết sáng kiến.

Vì thế, hệ quả là có sáng kiến chỉ đơn thuần mô tả lại những phương pháp giảng dạy truyền thống, cũng có sáng kiến sao chép từ các nguồn khác để đối phó.

Chẳng hạn, sáng kiến “Thiết kế bộ phiếu học tập đẹp mắt để tăng hứng thú học tập cho học sinh”.

Đề tài này không có tính mới mẻ vì thiết kế phiếu học tập đẹp là cần thiết nhưng nếu nội dung không có gì mới thì sáng kiến đó cũng không có giá trị.

Trong giáo dục, sự sáng tạo cần đến từ phương pháp giảng dạy, cách thức truyền đạt kiến thức chứ không phải là hình thức.

Hoặc sáng kiến “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh qua bộ môn Ngữ văn”. Đề tài sáng kiến nêu ra mục tiêu chung chứ không phải là sáng kiến cụ thể. Cái quan trọng nhất là sáng kiến có đưa ra các giải pháp cụ thể, có tính khả thi để đạt được mục tiêu.

Thứ hai, hạn chế thường gặp là sáng kiến không có tính thực tiễn. Thực tế, có sáng kiến chỉ tập trung vào xây dựng lý thuyết suông mà không đưa ra được những biện pháp cụ thể, không chứng minh được sáng kiến có thể áp dụng vào thực tế giảng dạy.

Chẳng hạn như sáng kiến “Nâng cao tinh thần tự học của học sinh qua hệ thống câu hỏi mở” là một ví dụ. Tên sáng kiến cho biết mục tiêu chung mà chưa đề xuất được các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đó như tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hướng dẫn phương pháp tự học, tạo môi trường học tập tích cực,...

Thứ ba, sáng kiến không có cơ sở khoa học. Điều quan trọng là sáng kiến cần được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, có phương pháp nghiên cứu rõ ràng và kết quả đánh giá khách quan.

Tuy nhiên, nhiều sáng kiến còn thiếu tính khoa học, dẫn đến kết quả không đáng tin cậy.

Chẳng hạn như sáng kiến “Nâng cao chất lượng điểm số cho học sinh lớp X trường Y sau khi áp dụng phương pháp hoạt động nhóm”.

Sáng kiến không thuyết phục vì hoạt động nhóm chủ yếu hình thành kỹ năng cho học sinh như biết đặt ra mục tiêu, biết lắng nghe, biết hợp tác,… thì không thể giúp học sinh đạt điểm cao hơn.

Thứ tư, một số hình thức trình bày sáng kiến chưa chuẩn mực. Do thời gian không nhiều, do trình độ tin học hay do một số nguyên nhân khác mà một số ít sáng kiến trình bày không cẩn thận, mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp hoặc không tuân thủ các quy định về cấu trúc.

Có sáng kiến bố cục không rõ ràng, các phần nội dung không được sắp xếp theo trình tự logic, gây khó hiểu cho người đọc. Có sáng kiến thiếu sự liên kết giữa các phần, các đoạn văn.

Có thể nói, việc trình bày hình thức sáng kiến của giáo viên chưa chuẩn có thể gây ảnh hưởng đến việc đánh giá và công nhận sáng kiến đó, nhất là với môn Ngữ văn.

Giải pháp nâng cao chất lượng sáng kiến

Thứ nhất, cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của sáng kiến. Khi nào giáo viên nhận ra mục đích của viết sáng kiến không chỉ dùng để xét thi đua mà viết để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ thì giáo viên mới có động lực và trách nhiệm với sáng kiến của mình tạo ra.

Hiện nay, sáng kiến được công nhận chủ yếu cất trong kho, ít có đồng nghiệp nào biết đến thì làm sao áp dụng vào trong thực tiễn dạy học.

Thứ hai, cần bồi dưỡng về phương pháp nghiên cứu khoa học cho giáo viên.

Không phải giáo viên nào cũng biết phương pháp nghiên cứu và viết được sáng kiến. Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo nên mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục tập huấn cho giáo viên hoặc tổ chức hội thảo về phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp viết sáng kiến giúp giáo viên thực hiện một sáng kiến có chất lượng.

Sáng kiến được công nhận là sáng kiến có hiệu quả thực tế mà sáng kiến mang lại chứ không phải là hình thức.

Thứ ba, xây dựng quy trình đánh giá sáng kiến khách quan, minh bạch. Đây là khâu then chốt quyết định kết quả sáng kiến.

Khi thiết lập các tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính hiệu quả khách quan thì bước tiếp theo là chọn lựa đội ngũ đánh giá.

Người đánh giá sáng kiến nên là người được đào tạo chuyên sâu hoặc được bồi dưỡng, tập huấn trong lĩnh vực này mới có thể đánh giá công bằng, chính xác, khách quan về hiệu quả của nó.

Hơn nữa, theo Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, không còn giới hạn tỷ lệ phần trăm xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở như trước đây. Vì thế, nguy cơ du di trong đánh giá sáng kiến để đồng nghiệp được công nhận danh hiệu thi đua là rất cao.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc viết sáng kiến. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc sử dụng các phần mềm, các công cụ hỗ trợ để giáo viên dễ dàng tra cứu, tổng hợp thông tin, phân tích dữ liệu và trình bày sáng kiến một cách khoa học, chuyên nghiệp.

Cũng có thể trang bị các phần mềm để quét, kiểm tra tính chính danh của sáng kiến, chống hiện tượng sao chép sáng kiến tràn lan trên mạng.

Thứ năm, cần xây dựng ngân hàng sáng kiến chất lượng. Cấp sở, cấp trường chọn lọc và công bố những sáng kiến tiêu biểu, chất lượng để giáo viên tham khảo, học hỏi; thậm chí đồng nghiệp có thể áp dụng sáng kiến vào thực tiễn giảng dạy. Việc chia sẻ và phổ biến sáng kiến là rất quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Điều này sẽ góp phần tạo ra một cộng đồng giáo viên sáng tạo và chuyên nghiệp.

Tóm lại, sáng kiến cần được xem là một công trình nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ giáo viên nên cần được áp dụng rộng rãi vào trong thực tế giảng dạy, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đó mới thật sự là mục đích cuối cùng của sáng kiến.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Ninh