Muốn làm Kiểm toán viên, người học phải am hiểu công nghệ và giỏi ngoại ngữ

23/02/2025 06:28
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngành Kiểm toán mang lại cơ hội việc làm ổn định, nhưng cũng đòi hỏi sinh viên phải biết trau dồi nhiều kỹ năng.

Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển và hội nhập, tính minh bạch và chính xác trong báo cáo tài chính ngày càng được coi trọng. Điều này khiến ngành Kiểm toán trở thành một lĩnh vực quan trọng, góp phần đảm bảo tính trung thực và khách quan trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Với nhu cầu nhân lực ngày càng cao, Kiểm toán không chỉ mang lại cơ hội nghề nghiệp ổn định mà còn mở ra nhiều hướng phát triển chuyên sâu.

Hé lộ những xu hướng mới trong ngành Kiểm toán

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Kiểm toán hiện nay rất lớn do thị trường đang thiếu cả kiểm toán viên lành nghề lẫn trợ lý kiểm toán.

Bên cạnh đó, các dịch vụ khác trong các công ty kiểm toán ngày càng phát triển đa dạng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng doanh thu, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng cũng tăng lên.

Theo số liệu của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), tính đến tháng 5/2024, tổng số người được Bộ Tài chính cấp chứng chỉ kiểm toán viên tại Việt Nam vào khoảng 6.400 người, trong đó chỉ khoảng 2.400 người đăng ký hành nghề tại các công ty kiểm toán.

So với số lượng doanh nghiệp có nhu cầu kiểm toán cũng như nhu cầu cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính, thị trường lao động trong lĩnh vực này vẫn cần bổ sung một lực lượng nhân sự đáng kể”.

thay-khang-2200.jpg
Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Theo thầy Khang, các công ty kiểm toán cung cấp rất nhiều loại dịch vụ khác nhau như tư vấn đầu tư, mua bán - sáp nhập doanh nghiệp, định giá tài sản, tư vấn thuế, thiết lập hệ thống kế toán…

Vì vậy, khi nhắc đến ngành Kiểm toán, nhiều người thường nghĩ ngay đến kiểm toán báo cáo tài chính. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dịch vụ tư vấn mới là lĩnh vực mang lại doanh thu lớn nhất. Kiểm toán báo cáo tài chính vẫn được xem là dịch vụ truyền thống, nhưng các công ty kiểm toán đang mở rộng mạnh mẽ sang các mảng tư vấn tài chính và quản lý doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn đều sử dụng phần mềm kế toán, lưu trữ dữ liệu theo hệ thống và áp dụng nhiều công nghệ hỗ trợ trong quản lý tài chính. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm toán đều là những công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, hai kỹ năng quan trọng mà một kiểm toán viên cần có là công nghệ thông tin và ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất trong ngành.

Ngoài ra, kỹ năng phân tích và tổng hợp số liệu cũng rất quan trọng đối với kiểm toán viên. Đặc biệt, khả năng thành thạo phân tích dữ liệu bằng Excel là một lợi thế lớn trong quá trình thực hiện kiểm toán.

“Điều quan trọng mà tôi muốn nhắn nhủ đến các sinh viên theo học ngành Kiểm toán là công việc sau khi tốt nghiệp không chỉ giới hạn ở kiểm toán báo cáo tài chính. Hiện nay, dịch vụ tư vấn mới là lĩnh vực mang lại doanh thu cao nhất cho các công ty kế toán – kiểm toán chuyên nghiệp.

Do đó, sinh viên cần tìm hiểu kỹ về xu hướng phát triển của ngành để chọn chương trình đào tạo phù hợp, đồng thời có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự nghiệp trong tương lai” – thầy Khang cho hay.

Cùng trao đổi về chủ đề này, Tiến sĩ Lê Anh Đức, Trưởng phòng Phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ, nhà trường đào tạo cử nhân chuyên ngành Kiểm toán (nay là ngành Kiểm toán) từ năm 1995 đến nay và luôn được các cơ quan hữu quan như Bộ Tài Chính, Kiểm toán Nhà nước, các công ty kiểm toán độc lập, các đơn vị có bộ phận kiểm toán nội bộ, đánh giá cao về sản phẩm đào tạo.

Cử nhân sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm tại các cơ quan kiểm toán nhà nước, công ty kiểm toán độc lập, ngân hàng, tập đoàn kinh tế và đơn vị hành chính sự nghiệp.

Các em có thể làm kiểm toán viên, cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn thuế, tư vấn phần mềm kế toán, hoặc giảng viên, nghiên cứu viên trong lĩnh vực kiểm toán. Ngoài ra, khi có chứng chỉ nghề nghiệp, các em có thể thành lập công ty kiểm toán riêng.

Chuẩn đầu ra quy định, sinh viên cần biết áp dụng kiến thức pháp luật, kinh tế, quản trị để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội; sử dụng công nghệ thông tin và phân tích định lượng trong quá trình chuyển đổi số; tổ chức và thực hiện công tác kế toán, kiểm toán, kiểm soát tài chính, đồng thời phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tối ưu.

Về kỹ năng, sinh viên cần thành thạo 1 trong 3 chứng chỉ Tin học bao gồm IC3, MOS, ICDL; sử dụng tiếng Anh ở mức IELTS 5.5 hoặc tương đương, có khả năng phản biện, phân tích trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, cũng như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm và làm việc độc lập hiệu quả.

DSC_2704 (Copy).jpg
Tiến sĩ Lê Anh Đức, Trưởng phòng Phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Website nhà trường.

Cựu sinh viên chuyên ngành Kiểm toán của Đại học Kinh tế Quốc dân - anh Nguyễn Đức Thái cho biết, sau khi tốt nghiệp, anh có cơ hội làm việc trong lĩnh vực Kiểm toán, Tư vấn Quản trị Tài chính tại một doanh nghiệp thuộc nhóm 4 công ty kiểm toán và tư vấn tài chính lớn nhất thế giới.

Hiện tại, anh Thái đang là Giám đốc điều hành của SAPP Academy – Tổ chức giáo dục về các chứng chỉ quốc tế liên quan đến kế toán, kiểm toán, tài chính.

Anh Thái chia sẻ: “Ngành Kiểm toán vẫn luôn là một lĩnh vực quan trọng và có nhu cầu cao tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Các công ty kiểm toán lớn (Big4) và cả các công ty kiểm toán trong nước đều liên tục tuyển dụng nhân sự có chuyên môn cao.

Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, các nguồn vốn đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều thì yêu cầu về sự minh bạch hóa trong thông tin tài chính ngày càng cao. Mức độ của các nghiệp vụ gọi vốn, đầu tư, quản trị tài chính ngày càng phức tạp thì nhu cầu các lao động có khả năng tư duy và phản biện càng nhiều.

Tuy nhiên, xu hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực này không chỉ bị ảnh hưởng bởi tính chuyên môn mà còn bị ảnh hưởng bởi các xu hướng trong công nghệ. Tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (Big Data) đang tác động mạnh đến cách thức kiểm toán vận hành.

Điều đó đòi hỏi các kiểm toán viên tương lai không chỉ vững về chuyên môn mà còn cần linh hoạt thích nghi với công nghệ, nâng cao tư duy phân tích dữ liệu và hiểu biết sâu về doanh nghiệp để mang lại giá trị nhiều hơn cho khách hàng.

Việc đưa ra các lời khuyên tư vấn để tối ưu hiệu quả kinh doanh, nâng cao hiệu quả kiểm soát và phòng chống gian lận cũng trở nên khó khăn hơn và đòi hỏi Kiểm toán viên phải có những hiểu biết chuyên sâu hơn.

Về triển vọng, ngành Kiểm toán không chỉ giới hạn trong việc kiểm toán báo cáo tài chính mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như kiểm toán hoạt động, kiểm toán nội bộ, kiểm toán hệ thống thông tin. Điều này tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp ngành này”.

DSC09262 (1).jpg
Anh Nguyễn Đức Thái với vai trò là giảng viên của khóa đào tạo chuyên sâu về năng lực quản lý cho lãnh đạo, quản lý cấp trung của Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Cũng theo anh Thái, công nghệ đang thay đổi cách kiểm toán vận hành, vì vậy sinh viên cần làm quen với các phần mềm kiểm toán, ERP (như SAP, Oracle), và các công cụ phân tích dữ liệu (Excel nâng cao, Power BI, Python cơ bản).

Sở hữu các chứng chỉ quốc tế như ACCA, CPA, CMA sẽ giúp sinh viên có lợi thế cạnh tranh lớn khi tìm việc, đặc biệt là tại các công ty kiểm toán lớn và cả con đường sự nghiệp sau này.

Bên cạnh đó, sinh viên cần chủ động học hỏi, không chỉ trong trường lớp mà còn từ thực tế, thông qua các kỳ thực tập, case study và networking với những người trong ngành.

Tăng cường môn chuyên ngành dạy bằng tiếng Anh

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình đào tạo năm 2025 sẽ được nhà trường tăng cường các kiến thức chuyên ngành theo định hướng hội nhập quốc tế.

Điều này được thực hiện thông qua việc bổ sung hai môn học giảng dạy bằng tiếng Anh, thuộc chương trình của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế, đồng thời đưa thêm một môn học về ứng dụng công nghệ thông tin trong kế toán, nhằm nâng cao kỹ năng phân tích dữ liệu cho sinh viên.

Cụ thể, hai môn học chuyên ngành mới được giảng dạy bằng tiếng Anh là Báo cáo Tài chính và Quản trị Tài chính. Với sự bổ sung này, tổng số môn học chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh tăng lên 7 môn, tương đương 36 tín chỉ.

Ngoài ra, chương trình cũng bổ sung môn Phân tích Dữ liệu trong Kế toán, nâng tổng số môn học liên quan đến công nghệ thông tin lên 5 môn, tương đương 15 tín chỉ.

Bên cạnh 7 môn học chuyên ngành giảng dạy bằng tiếng Anh nêu trên, chương trình đào tạo ngành Kiểm toán năm 2025 của nhà trường còn bao gồm nhiều môn học cơ sở ngành, như Nguyên lý Kế toán và Kinh tế Đại cương, cũng được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Riêng sinh viên theo học chương trình chất lượng cao sẽ phải hoàn thành 11 học phần tiếng Anh với 33 tín chỉ, trong khi sinh viên theo học chương trình chuẩn cần hoàn thành 5 học phần.

Còn thầy Đức cho hay, hiện tại, Đại học Kinh tế Quốc dân chú trọng đào tạo tích hợp các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế vào chương trình cử nhân Kiểm toán. Từ năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân đã tuyển sinh và đào tạo cử nhân Kiểm toán chất lượng cao (tích hợp chứng chỉ ACCA), đồng thời tích hợp 9 môn học ở cấp độ “chứng chỉ nâng cao về kế toán và kinh doanh” trong văn bằng ACCA của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc vào chương trình đào tạo.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể nhận bằng cử nhân do Đại học Kinh tế Quốc dân cấp và chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế do tổ chức quốc tế cấp. Do đó sinh viên có thể tham gia ngay vào thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Trần Trang