Cẩn thận "tiền mất, danh mất" từ chào mời nhận "sắc phong" GS, TS danh dự

07/06/2024 06:38
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lãnh đạo doanh nghiệp thông tin cho Tạp chí về chi phí 1 cá nhân tham dự sự kiện "sắc phong" viện sĩ, GS, TS danh dự vào tháng 6/2024 tại Mỹ lên đến 19.500 USD.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết đề cập về các buổi lễ "sắc phong" danh hiệu viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học ở nước ngoài được thực hiện thông qua sự kiện của của tổ chức có tên Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ.

Độc giả có thể theo dõi lại các bài viết qua link dưới đây:

- Lãnh đạo doanh nghiệp rầm rộ nhận "sắc phong" GS, TS danh dự từ ĐH nước ngoài

- Dự "sắc phong" GS, TS danh dự: Doanh nhân tiết lộ chi phí, ngộ ra chỉ là tờ giấy

Theo trả lời của Công ty Cổ phần Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ, Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTCI) có trụ sở tại Laxmi Nagar S.O, Laxmi Nagar, East Delhi, Delhi, India là tổ chức có pháp nhân thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Ấn Độ, có thành viên trên toàn cầu. Còn tại Việt Nam tổ chức GTTCI có pháp nhân chính thức là Công ty Cổ phần Hội đồng Thương mại & Công nghệ toàn cầu Ấn Độ.

Sau các bài viết, đã có thêm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong nước gửi thư, liên lạc về tòa soạn cung cấp thêm thông tin. Theo đó, lãnh đạo này cho biết, doanh nghiệp của họ cũng được chào mời giống như lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn tại miền Nam được Tạp chí chia sẻ trong bài viết "Dự "sắc phong" GS, TS danh dự: Doanh nhân tiết lộ chi phí, ngộ ra chỉ là tờ giấy".

Chi phí dự sự kiện và nhận "sắc phong hàm TS" danh dự gần nửa tỷ đồng

Cụ thể, vị lãnh đạo cho biết, doanh nghiệp này cũng nhận được tin nhắn chào mời tham gia sự kiện vào tháng 6/2024 tại Mỹ. Tuy nhiên, người này cho hay, vì "không có nhu cầu" cần đến các tấm bằng danh dự đó nên không tham gia.

Vị lãnh đạo này chia sẻ thêm, hiện có một số lãnh đạo doanh nghiệp tại địa phương sau khi có bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự từ các đợt "sắc phong" trước đó đã dùng "mác" giáo sư, tiến sĩ danh dự này để cho vào chữ ký trong các văn bản được doanh nghiệp đó gửi đi.

GDVN_sk tai my.jpg
Thông tin sự kiện sẽ diễn ra tại Mỹ vào tháng 6/2024. Ảnh: Lãnh đạo doanh nghiệp cung cấp

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, việc một số cá nhân cố tình tạo ra sự mập mờ danh hiệu giáo sư, tiến sĩ danh dự có được khi chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí mà không cần thông qua quá trình học tập, đào tạo đang gây nhầm lẫn cho nhiều người và gây dư luận xấu về học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ đúng nghĩa.

Theo thông tin được cung cấp cho thấy, các thông tin chào mời, báo giá được gửi qua tin nhắn zalo của chính vị lãnh đạo doanh nghiệp này.

Trong đó, tổng chi phí chào mời được nêu cụ thể với 1 cá nhân đề cử nhận sắc phong "hàm tiến sĩ danh dự" là 19.500 USD (tính theo tỷ giá USD thời điểm hiện tại, 1 USD tương với khoảng 23,978 VND thì một cá nhân tham gia phải bỏ ra chi phí là hơn 467 triệu đồng).

Ngoài ra, nội dung tin nhắn chào mời còn nhấn mạnh, thời gian bình xét từ 5 đến 7 ngày làm việc. Sau khi ủy ban cấp bằng danh dự nhận được hồ sơ và thư đề cử sẽ tiến hành xem xét. Sau đó sẽ gửi danh sách các cá nhân đạt tiêu chí lên chủ tịch trường và sẽ có thông báo chính thức lại cho cá nhân được thông qua.

Cụ thể các mức chi phí khi tham gia được nêu ra gồm: Phí tư vấn, xét duyệt hồ sơ, bằng cấp Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (IAU); Phí hợp pháp hóa lãnh sự quán cho bằng cấp; Phí lễ phục sắc phong; Quỹ Khuyến học của trường; Phí xúc tiến thương mại (kết nối liên minh doanh nhân quốc tế); Chi phí visa, vé máy bay; Chi phí lưu trú khách sạn 5 sao, nhà hàng tại Mỹ; Chi phí di chuyển, tham quan du lịch.

Chỉ bằng cấp có được thông qua quá trình đào tạo, nghiên cứu mới mang lại sự phát triển cho xã hội

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, việc "ồ ạt" trao bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự từ các trường đại học nước ngoài cho các cá nhân người Việt như hiện nay sẽ làm hỗn loạn học hàm, học vị trong nước nếu có người mập mờ khi công bố bằng cấp của mình.

Vị Phó Giáo sư này cũng cho rằng, việc có người bỏ tiền ra dự các sự kiện như trên để có được các tấm bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự nhằm mục đích "đánh bóng" tên tuổi không phải là không có. Vì thế theo vị này, người dân khi có nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp hoặc tổ chức có lãnh đạo tự giới thiệu mình là "viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ" nhưng không nói rõ là bằng danh dự thì cũng nên tìm hiểu kỹ để tránh nhầm lẫn.

"Xưa nay Nhà nước ta luôn chú trọng và đề cao việc "học thật, thi thật, bằng cấp thật". Vì thế, để một cá nhân nào đó đạt được học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ là điều rất khó khăn. Nó đòi hỏi người học phải đầu tư về trí óc để nghiên cứu, cần đầu tư thời gian và công sức để theo học.

Vì thế, chỉ có bằng cấp có được thông qua quá trình học tập, đào tạo nó mới mang lại sự phát triển không chỉ riêng với giáo dục mà với tất cả các lĩnh vực khác.

Nếu có cá nhân nào đó sử dụng bằng giáo sư, tiến sĩ như vậy thì cũng nên ghi rõ đó là "bằng danh dự" khi công bố với xã hội.

Điều này là để phân định rõ giá trị của các tấm bằng danh dự với học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ thực chất. Đồng thời đảm bảo sự công bằng giữa bằng cấp được đầu tư trí óc, sức lực, thời gian để có với bằng cấp có được bằng tiền", Phó Giáo sư Bùi Thị An nhấn mạnh.

cô an.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: VGP

Chuyên gia giáo dục bất ngờ vì hoạt động trao bằng danh dự

Chia sẻ thêm một số quan điểm về vấn đề trên, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô tỏ ra khá bất ngờ. Bởi lẽ, bằng danh dự là để trường đại học cảm ơn một cá nhân nào đó và việc xem xét cũng rất chặt chẽ chứ không có chuyện "ồ ạt".

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, đã gọi là bằng danh dự thì nó chỉ mang ý nghĩa danh dự, trường đại học trao tặng cho một cá nhân nào đó chỉ là để kỷ niệm chứ trên thực tế nó không có giá trị gì về mặt chuyên môn.

"Nói dễ hiểu là nếu người nào đó có bằng danh dự viện sĩ, giáo sư hay tiến sĩ thì cũng không thể nào dùng nó vào công việc giảng dạy được vì nó không phải là kết quả của quá trình học tập", Tiến sĩ Hiệp nhấn mạnh.

Đối với thông tin về trường đại học nước ngoài được các công ty quảng bá, theo vị Tiến sĩ này, với cá nhân là người Việt Nam nếu muốn tra cứu về độ "phổ biến" của trường đại học đó thì có thể tìm tên trường đó trên các bảng xếp hạng trường đại học quốc tế.

Cụ thể, khi tra cứu trên các bảng xếp hạng uy tín, nếu trường đại học đó có tên trong tốp 1.000 nghĩa là trường đó đã có danh tiếng, được đánh giá cao và ngược lại. Qua đó, vị này cho rằng, với những cá nhân được mời tham gia và muốn đề cử nhận bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự từ các trường đại học cũng nên làm thao tác kiểm tra để xem đó có đúng là trường đại học và nó có uy tín hay không.

gdvn-tsphamhiep2-4358.jpeg
Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô.

Bày tỏ quan điểm về thông tin, một số lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam đang phải bỏ chi phí khá lớn để dự sự kiện xúc tiến thương mại và nhận "sắc phong" giáo sư, tiến sĩ danh dự của trường đại học nước ngoài, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho biết: "Thường thì các trường đại học muốn trao bằng danh dự cho một cá nhân nào đó sẽ là không mất chi phí vì nó là kết quả của mối quan hệ qua lại có lợi cho đôi bên.

Thậm chí, có trường đại học còn đài thọ toàn bộ cho người nhận bằng danh dự về các chi phí ăn ở, đi lại.

Việc này chúng ta hiểu đơn giản là khi nhà trường trao bằng danh dự nghĩa là họ đang muốn cảm ơn và ghi nhận những đóng góp, cống hiến của cá nhân đó.

Hơn nữa tôi cũng thấy lạ, vì sao trong các lần trao bằng danh dự gần đây, trường đại học có trụ sở ở Mỹ hoặc Canada nhưng lại phải tổ chức lễ trao bằng danh dự đó ở Ấn Độ hoặc Dubai?"

Cũng theo vị này, thông thường bằng giáo sư hay tiến sĩ danh dự sẽ dùng để trao cho cá nhân có cống hiến hoặc có nhiều hoạt động hợp tác với một trường đại học nào đó. Việc trao các bằng danh dự này là khá dễ vì không thông qua quá trình đào tạo, kể cả một số trường đại học trong nước cũng có thể làm được.

Vì thế, vị Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô cho rằng: "Nếu những người được "sắc phong" giáo sư, tiến sĩ danh dự của các trường đại học nước ngoài, nếu muốn in danh thiếp để phô ra với người khác thì cũng nên ghi rõ các danh hiệu giáo sư, tiến sĩ đó chỉ là danh dự để tránh mọi người hiểu nhầm".

"Sính" bằng danh dự của trường đại học nước ngoài, cẩn thận "tiền mất, danh mất"

Cùng quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đông Phương (nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc cá nhân muốn tạo ra hình ảnh cho mình là điều dễ hiểu, nhưng nếu quá lạm dụng, mập mờ khi sử dụng danh xưng giáo sư, tiến sĩ danh dự để công bố với xã hội đó còn là hành vi lừa dối người khác.

Vị Tiến sĩ này cũng cho rằng, phải làm sao để người khác nhắc đến bản thân mình khi được ghi nhận ở những sự cống hiến nào đó đem lại giá trị đích thực chứ không phải vì những danh xưng "ảo" đó.

ts-le-dong-phuong-8361.jpg
Tiến sĩ Lê Đông Phương (nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: vnies.edu.vn

"Trước đây cũng đã từng có trường hợp của một vị Việt kiều tự xưng mình là "đại diện" cho một trường đại học ở Mỹ về Việt Nam để mở "chi nhánh". Trong tên của tổ chức đó cũng có chữ "đại học", tuy nhiên khi tra cứu thì đó chỉ là một trường trung tâm dạy nghề chứ không phải trường đại học.

Điều đó để thấy rằng, ở một số quốc gia trên thế giới, việc lập nên các tổ chức có tên gắn liền với chữ "đại học" là chuyện rất dễ và bình thường.

Vì thế, các cá nhân ở Việt Nam có nhu cầu nhận các tấm bằng danh dự như vậy cũng nên thận trọng kẻo vướng vào các tổ chức tự xưng "đại học" ở nước ngoài nếu không kiểm chứng được, tránh "tiền mất, tật mang", Tiến sĩ Lê Đông Phương bày tỏ.

lỗi 3-6.png
ngày 3-6.png
Thông tin tra cứu về Trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (IAU) bị lỗi khiến không ít người băn khoăn. Ảnh chụp màn hình ngày 3/6.
Trung Dũng