Cần tính toán cách tổ chức Hội thi KHKT để đừng trở thành cuộc đua thành tích

27/11/2023 06:26
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị cho rằng cần phải quan tâm đến cách thức tổ chức sao cho Hội thi không bị sa đà, trở thành cuộc chạy đua thành tích.

Nhằm mục tiêu lớn nhất để khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được tổ chức trong hơn 10 năm nay đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội.

Nhưng những năm gần đây, cuộc thi này lại nhận được nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến các vấn đề như đề tài dự thi vượt sức, không phù hợp với lứa tuổi học sinh cấp trung học…

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông nhằm thay thế Thông tư hiện hành.

Đưa Hội thi về đúng tầm với lứa tuổi học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Huy Phương - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị nhận định: Dự thảo Thông tư này đã có nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình hiện tại. Trong đó, đặc biệt là thay đổi liên quan đến nội dung và số lượng lĩnh vực thi sẽ giúp hạn chế được những bất cập hiện có của cuộc thi.

Ông Mai Huy Phương - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị

Ông Mai Huy Phương - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị

Cụ thể, việc nội dung nghiên cứu phải thiết thực, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh điều chỉnh mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Việc giảm tải từ 22 xuống còn 08 lĩnh vực dự thi (tức lược bớt 14 lĩnh vực), sẽ giúp giảm thiểu được nhiều đề tài vĩ mô, có tính “cồng kềnh”. Những lĩnh vực bị loại bỏ như Y Sinh và Khoa học Sức khỏe; Kỹ thuật Y Sinh; Sinh học tế bào và phân tử... đều là những lĩnh vực hàn lâm, chuyên sâu, khó thực hiện ở bậc trung học.

08 lĩnh vực được giữ lại bao gồm Toán, Vật lí và Thiên văn, Hoá học, Sinh học, Tin học, Kĩ thuật và Công nghệ, Khoa học Trái Đất và Môi trường, Khoa học xã hội. Đây đều là những lĩnh vực có điểm tương đồng với các môn học ở bậc trung học.

“Việc giảm các lĩnh vực dự thi khi một số lĩnh vực chưa thực sự phù hợp với lứa tuổi học sinh trung học là hợp lí. Bởi những đề tài như vậy mà lại do đối tượng là học sinh nghiên cứu sẽ phải bỏ ra rất nhiều công sức, vật lực, nếu không có sự hỗ trợ từ phía các nhà nghiên cứu, chuyên gia thì làm sao các em có được sự hiểu biết và khối kiến thức đủ rộng để triển khai hết được đề tài”, ông Mai Huy Phương bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm đó, thầy Nguyễn Duy Khánh (giáo viên từng hướng dẫn nhiều đề tài tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật) cho biết: “Với những tiêu chí này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh để các đối tượng dự thi xác định rõ về quy mô, tính chất của cuộc thi cũng như của đề tài nghiên cứu.

Hiện nay, qua mỗi năm, số lượng và chất lượng đề tài tham gia cuộc thi được đẩy mạnh lên rất nhiều. Ngày càng nhiều đề tài có quy mô lớn, được đầu tư nhiều chất xám và hàm lượng khoa học, thời gian nghiên cứu và kinh phí thực hiện đề tài cũng lớn hơn, có kết nối với nhiều nhà khoa học, chuyên gia hơn… Điều đó khiến một đề tài, ý tưởng ban đầu có tính chất phù hợp với học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông dần trở nên vĩ mô, quá tầm so với lứa tuổi.

Việc đặt ra những quy định mới này sẽ giúp hạn chế được sự đầu tư quá lớn về thời gian, kinh phí, nội hàm khoa học… vào các đề tài nghiên cứu. Đặc biệt, hạn chế “bàn tay” can thiệp của người lớn (cha mẹ, chuyên gia, các nhà khoa học,…) với học sinh. Từ đó, giúp học sinh ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông trên toàn quốc có một sân chơi phù hợp với nhận thức, trình độ năng lực, công bằng và minh bạch hơn”.

Thầy Nguyễn Duy Khánh là giáo viên từng hướng dẫn nhiều đề tài tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Duy Khánh là giáo viên từng hướng dẫn nhiều đề tài tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Ảnh: NVCC

Bên cạnh điểm mới về yêu cầu và số lượng lĩnh vực dự thi, nội dung về việc loại bỏ những đề tài nghiên cứu dựa trên những nghiên cứu trước đây cũng được thầy Duy Khánh cho là hợp lý. Trên thực tế, đã có nhiều đề tài là một phần của một dự án lớn, hay được phát triển tiếp từ các nghiên cứu, luận văn, luận án của người học ở bậc đại học, cao học… Quả thực điều đó là không phù hợp với trình độ năng lực của học sinh, mà cần phải có sự giúp sức từ nhiều phía.

Ngoài ra, điểm mới của dự thảo quy định đối với mỗi lần tổ chức Hội thi, mỗi người hướng dẫn nghiên cứu chỉ được hướng dẫn một dự án dự thi (thay vì tối đa hai dự án như trước) sẽ đảm bảo tính tập trung cho sự phát triển của dự án. Đồng thời, tránh trường hợp mang tính “thương mại hóa”, “quen thân”, được nhờ vả giúp đỡ nghiên cứu cho học sinh của các thầy/cô hướng dẫn và chuyên gia trong lĩnh vực này.

Đừng biến Hội thi trở thành cuộc chạy đua thành tích

Góp ý thêm cho việc xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, ông Mai Huy Phương nhấn mạnh cần phải quan tâm đến cách thức tổ chức sao cho hội thi không bị sa đà, trở thành cuộc chạy đua thành tích.

Theo ông Phương: “Để tránh được bệnh thành tích này, không nên đặt áp lực, tạo sự so sánh giữa tỉnh/thành này với tỉnh/thành khác, giữa đơn vị này với đơn vị khác. Thay vào đó hãy ghi nhận, động viên sự nỗ lực của các em và các địa phương là chính. Cần phải làm tốt vấn đề này, nếu không sẽ tạo ra nhiều hệ lụy không tốt”.

Không chỉ có vậy, các ý kiến đều cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hoàn thiện hơn nữa về quy trình chấm thi.

Hiện nay, công tác chấm thi thường diễn ra theo hình thức tập trung, các giám khảo chấm thi trong một thời gian ngắn. Vì thế, quy trình chấm thi nên có sự thay đổi theo cách thức, quy trình khoa học, khách quan, minh bạch và có nhiều vòng hơn.

Việc tổ chức chấm thi nhiều vòng theo lộ trình hợp lý sẽ giúp giám khảo nghiên cứu kỹ đề tài để có đánh giá đúng đắn, phát hiện những điểm tích cực hay những lỗ hổng, vi phạm của thí sinh tham gia.

“Tôi mong sẽ có sự chuyển dịch trong xu hướng chấm thi của giám khảo. Thông qua một vài vòng vấn đáp, khảo sát đối tượng sẽ giúp nhận biết được mức độ tham gia của học sinh đối với đề tài. Từ đó mới lựa chọn được những đề tài thực sự chất lượng” – thầy Duy Khánh nêu quan điểm.

Kim Minh Châu