Cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông còn nhiều điều cần làm rõ

30/09/2019 06:15
Thùy Linh
(GDVN) - Giả sử có em cầm bằng cao đẳng 9+ và muốn liên thông lên đại học nhưng không có giấy chứng nhận hay bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì sẽ xử lý thế nào?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ phương án đổi mới thi trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020.

Theo đó, học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Hiệu trưởng trường trung học phổ thông (hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được tham gia Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Được biết, theo Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 thì người được cấp giấy này có thể đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi người học có nhu cầu, hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định pháp luật.

Trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều ý kiến băn khoăn về giá trị của giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông và có điểm gì khác so với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Thi trung học phổ thông sau năm 2020: Căn cơ, chắc chắn nhưng rất khẩn trương

Bởi lẽ đây là căn cứ để người học xác định mức độ cần đạt của bản thân trong quá trình học tập, tránh bị áp lực và lãng phí thời gian, kinh phí.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: 

“Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án này bởi việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh đủ điều kiện nhưng không dự thi hoặc dự thi nhưng không đủ điều kiện tốt nghiệp là xu thế chung của nhiều nước có nền giáo dục phát, sẽ làm giảm nhẹ được áp lực của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. 

Học sinh nào có nhu cầu lấy bằng chính thức để học lên cao hơn thì mới cần thi còn không thì được cấp giấy chứng nhận là đủ rồi nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xác định quyền lợi của mỗi đối tượng học sinh ở từng cấp độ như thế nào, ý nghĩa và mục đích của việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông ra sao”. 

Còn với quan điểm của ông Lê Đông Phương- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, việc học sinh học hết lớp 12 không thi vẫn được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông sẽ còn nhiều vấn đề cần làm rõ. 

Bởi lẽ theo ông Phương, nếu học hết lớp 12 không thi có giấy chứng nhận, giấy chứng nhận này mở con đường nào cho các em. Vấn đề này cần cân nhắc kỹ.

Theo ông Lê Đông Phương- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, việc học sinh học hết lớp 12 không thi vẫn được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông sẽ là khúc xương cá của ngành giáo dục. (Ảnh: Báo Vietnamnet)
Theo ông Lê Đông Phương- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, việc học sinh học hết lớp 12 không thi vẫn được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông sẽ là khúc xương cá của ngành giáo dục. (Ảnh: Báo Vietnamnet)

Ông Phương đặt vấn đề: “Hiện nay giáo dục nghề nghiệp đã có chương trình cao đẳng 9+  tức là đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. 

Giả sử, ngày nào đó có em cầm bằng cao đẳng 9+ và muốn liên thông lên đại học nhưng không có giấy chứng nhận hay bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì sẽ xử lý thế nào?

Nếu cho liên thông thì sẽ bất công với các em có giấy chứng nhận lớp 12 không?

Và giả sử học sinh chưa học hết lớp 12 tức là không có giấy chứng nhận này thì các em lại về trình độ lớp 9?”. 

Thùy Linh