Câu chuyện của một học viên lớp chuyên, nỗi cay đắng 50 năm mới kể

07/07/2020 06:19
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù có “chuyên” đến mấy cũng chỉ phí tiền cha mẹ và xã hội nếu thành tài nhưng không được tạo điều kiện (hoặc không tự mình tạo ra cơ hội) phục vụ đất nước.

Kiến nghị “bán” trường chuyên, lớp chuyên cấp học phổ thông đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, cả hai phía phản đối và ủng hộ đều có những lý lẽ không thể bác bỏ.

Người viết không muốn bàn thêm về các lý luận cao siêu đang xuất hiện trên mặt báo, cũng không muốn thẳng tưng cho rằng duy trì trường chuyên chẳng khác gì “Còng lưng xúc tép nuôi cò” như một bài báo đăng gần đây.

Xin kể câu chuyện xảy ra gần nửa thế kỷ trước với hy vọng bạn đọc sẽ tự cảm nhận được vai trò của trường chuyên, lớp chuyên trong tiến trình phấn đấu để nước Việt “Sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, cũng muốn các bạn trẻ hiểu số phận những người được lựa chọn để trở thành “chuyên” về khoa học nhưng vô tình sao nhãng một vài lĩnh vực khác.

“Tháng 09/1965, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra quyết định thành lập một lớp Toán “đặc biệt” dành cho học sinh trung học phổ thông đặt tại Khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những học sinh năng khiếu Toán học để tạo nguồn đầu vào cho các trường đại học ở trong và ngoài nước, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng đất nước sau này.

Đó là lớp Toán A0, không chỉ là lớp chuyên đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà còn là lớp năng khiếu đầu tiên trong cả nước”. [1]

Ba năm sau, vào năm 1968, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu quyết định mở một số “lớp chuyên” thuộc các ngành Toán – Lý (lớp Toán Lý, lớp Hình học họa hình) và Toán Cơ (các lớp Nguyên lý máy, Chi tiết máy, Sức bền vật liệu) nhằm đào tạo đội ngũ giảng viên cho các đại học khối kỹ thuật trong nước.

Mỗi lớp có khoảng 20 sinh viên, số sinh viên này được tuyển chọn trong số sinh viên xuất sắc nhất tại đang học các đại học Bách Khoa, Xây Dựng, Giao Thông, Nông nghiệp, Mỏ Địa chất,… sau khi đã học xong 02 năm cơ bản (1966-1968).

Sinh viên tập trung về các lớp chuyên này được hưởng tiêu chuẩn như sinh viên sư phạm (được cấp học bổng toàn phần 22 đồng/ tháng), đội ngũ giảng viên được chọn từ các thày đầu ngành của các đại học.

Trong số các học viên lớp chuyên này, có một người bảng điểm các học kỳ phần lớn là điểm 4, 5, duy nhất một điểm 3 – thời đó điểm chấm cao nhất là 5, tương đương điểm 10 ngày nay, điểm 4 tương đương 8 hoặc 9.

Câu chuyện của một học viên lớp chuyên, nỗi cay đắng 50 năm mới kể ảnh 2Hai trong số các trang bảng điểm (Ảnh tác giả cung cấp)

Một lớp chuyên thuộc ngành Toán Cơ được bố trí học ngoại ngữ (tiếng Nga) và toán suốt ba năm tiếp theo.

Lĩnh vực toán học viên phải học: Đại số tuyến tính, Phương trình vật lý toán, Hình học giải tích, Hình học vi phân, Phương pháp tính, Máy tính điện tử,…

Lĩnh vực cơ học gồm: Lý thuyết đàn hồi, Lý thuyết dao động, Lý thuyết ổn định, Lý thuyết vỏ mỏng và thanh mỏng, Lý thuyết từ biến, Cơ học giải tích,…

Ngoài ra họ cũng được “cưỡi ngựa xem hoa” vài môn thuộc lĩnh vực chế tạo máy như Nguyên lý máy, Chi tiết máy, Công nghệ kim loại.

Kết thúc khóa học vào năm 1971, một cuộc tranh luận nổ ra giữa các nhà quản lý vì người ta chẳng biết nên cấp cho số sinh viên tốt nghiệp này tấm bằng gì.

Đại học Bách Khoa Hà Nội, nơi quản lý các lớp chuyên này đề xuất cấp bằng “Kỹ sư giáo viên kỹ thuật” nhưng trong hệ thống văn bằng nhà nước lúc đó không có loại văn bằng này.

Sau mấy năm chờ đợi, cuối cùng phần lớn học viên nhận được bằng “Kỹ sư Chế tạo máy” mặc dù suốt ba năm cuối đại học họ chẳng học môn nào liên quan đến ngành chế tạo máy.

Năm 1971, học viên các lớp chuyên này thực tập và làm luận án tốt nghiệp trong thời gian 3 tháng, ông “sinh viên lớp chuyên” được đưa về thực tập tại Ban Cơ học thuộc Ủy ban Khoa học nhà nước. Thày hướng dẫn ông là Tiến sĩ Trần Lưu Chương, Trưởng ban Cơ học.

Một tháng rưỡi sau, Tiến sĩ Trần Lưu Chương sang Pháp công tác, việc hướng dẫn ông chuyển sang cho Tiến sĩ Phạm Huyễn, cũng là thành viên Ban Cơ học, thế là ông phải thay đổi đề tài và làm lại luận án từ đầu trong thời gian chưa đầy 2 tháng.

Hội đồng chấm thi Nhà nước mời Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo phản biện luận án của ông, khi đó ông Nguyễn Văn Đạo là Giáo sư, Chủ nhiệm khoa Toán Lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội .

Bảy thành viên Hội đồng chấm luận án tốt nghiệp trong đó có Giáo sư Nguyễn Văn Đạo, có 6 người cho ông 5 điểm, người còn lại chính là thày hướng dẫn cho ông 4 điểm.

Câu chuyện của một học viên lớp chuyên, nỗi cay đắng 50 năm mới kể ảnh 3Kết quả đánh giá của Hội đồng chấm thi Nhà nước (Ảnh tác giả cung cấp)

Sau buổi bảo vệ, một thày là Phó Giáo sư, Trưởng bộ môn của đại học Bách Khoa Hà Nội - vốn là nhà khoa học từ Pháp về nước - muốn nhận ông về làm việc tại bộ môn mình.

Thày Phó bộ môn kiêm Bí thư Chi bộ, cũng là Phó Chủ nhiệm khoa kiên quyết phản đối vì “sinh viên này chỉ tập trung học tập mà sao nhãng chuyện phấn đấu cho … lý tưởng”.

Ông được đưa về một đại học, trước đó là phân hiệu của đại học Bách Khoa Hà Nội, đặt tại “Thủ đô cách mạng” Thái Nguyên và ở đó suốt 10 năm.

Tất cả số nữ sinh viên và một số bạn bè của ông trong lớp không được đại học nào tiếp nhận, họ được phân về nhà máy hoặc viện nghiên cứu với vốn kiến thức chuyên sâu Toán – Cơ được đào tạo nhưng chẳng ăn nhập gì với công việc tại cơ sở.

Gần chục người còn lại (chưa đến 50%) được phân đi dạy tại một số đại học, ngay sau đó hai người nhập ngũ và hy sinh (Nguyễn Quang V. và Phạm Đ.);

Một người đang dạy tại đại học Bách Khoa thì quyết định bỏ nghề sang Ba Lan theo diện xuất khẩu lao động (Nguyễn Văn H.);

Một người quyết không đi dạy bằng cách chạy sang Tiệp Khắc (Bùi Anh T.) làm việc theo chuyên ngành “buôn thúng bán mẹt”;

Một người về dạy tại đại học Mỏ Địa chất, ít lâu sau bỏ việc đi làm công ty (Nguyễn Quang H.);

Đặc biệt có một người sau mấy năm dạy tại đại học Bách Khoa Hà Nội đã xin thôi việc về làm ruộng ở Bắc Ninh (Nguyễn Văn B.)

Còn ông giáo an phận ở Thái Nguyên năm 1979 được điều động lên phòng tuyến cầu Khánh Khê – Lạng Sơn chống quân Trung Quốc xâm lược.

Năm 1981 ông từ rừng về thủ đô tham dự kỳ thi (quốc gia) tuyển chọn nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.

Kỳ thi bao gồm 4 môn, hai môn kiểm tra là tiếng Nga và Toán chấm “đạt” hoặc “không đạt”, hai môn thi chấm theo thang điểm 10.

Câu chuyện của một học viên lớp chuyên, nỗi cay đắng 50 năm mới kể ảnh 4Kết quả thi nghiên cứu sinh của vị học viên chuyên (Ảnh tác giả cung cấp)

Năm 1983 ông sang Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc), sau một năm học tiếng, cuối năm 1984 ông được Đại sứ quán phân về một trường ở miền núi gần biên giới với Ba Lan.

Cuối năm 1987 ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ về “Lý thuyết dao động của các hệ giảm chấn khí nén”.

Thày hướng dẫn là Hiệu phó phụ trách đối ngoại nhà trường gợi ý ông ở lại làm trợ giảng với mức lương tháng 2.450 Kurona, gấp 3 lần học bổng của nghiên cứu sinh (850 Kurona) nhưng ông từ chối và xin Đại sứ quán cho về nước.

Sau khi nộp hồ sơ về Vụ Tổ chức cán bộ, ông hy vọng sẽ mang những gì tiếp thu trong quá trình nghiên cứu phục vụ công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Hai đơn vị gửi kiến nghị xin ông về công tác là Công đoàn ngành Đại học và Ủy ban Khoa học nhà nước, cả hai cơ quan này đều bị Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề từ chối, họ không phân công công tác và cũng không cho ông tự liên hệ nơi làm việc. Ông trở thành người thất nghiệp suốt hai năm trời.

Trong hai năm 1988-1990, ông làm việc tại đại học Thăng Long, chính là người được giao nhiệm vụ đến nhà riêng đưa giấy mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự lễ khai giảng năm học đầu tiên của trường tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Năm 1990, Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập và tổ chức quyết định đưa ông về làm việc tại Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội.

Nguyện vọng của ông là xin về bộ môn làm công tác giảng dạy song Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thế H. một lãnh đạo trong trường nói nhỏ với ông: “Vì chú là phó tiến sĩ nên tôi không thể nhận chú về bộ môn, nếu chú là kỹ sư thì không vấn đề gì”.

Lúc đó ông vừa về trường nhận công tác, chưa quen biết nhiều người và cũng chưa hề gây thù chuốc oán với ai, chẳng hiểu vì sao người ta lại dị ứng với phó tiến sĩ như vậy.

Ông được bố trí làm việc tại phòng Nghiên cứu khoa học, nơi quản lý các đề tài nghiên cứu chủ yếu về vật nuôi, cây trồng thổ nhưỡng và một số đề tài về kinh tế nông nghiệp, cơ khí nông nghiệp - những lĩnh vực ông không biết một tí gì.

Năm 1990, giảng viên đại học và cán bộ, viên chức hiểu biết về Tin học vẫn còn hạn chế, trường quyết định xây dựng một phòng máy tính để cán bộ các phòng ban sử dụng cho mục đích duy nhất là soạn thảo văn bản.

Người ta giao cho Phòng Khoa học quản lý và ông trở thành người phụ trách phòng máy tính.

Trong cải rủi có cái may, ngồi chơi nên có nhiều thời gian, ông chuyển sang nghiên cứu Công nghệ Thông tin, cuốn giáo trình Tin học Đại cương ông viết là giáo trình Tin học đầu tiên được sử dụng cho sinh viên toàn trường.

Cuốn sách được Nhà xuất bản Giao thông Vận tải phát hành toàn quốc, tái bản lần thứ hai năm 2004 và cũng được Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật in lại.

Rồi cũng đến lúc người ta thấy “thương” ông, người ta chấm dứt quá trình “phiêu lưu” của ông bằng cách đưa ông về dạy tại Bộ môn Tin học.

Ngoài tham gia dạy “xóa mù” tin học cho một số đối tượng trong, ngoài trường, ông còn biên soạn các giáo trình Ngôn ngữ lập trình Pascal, Kỹ thuật lập trình, Hệ quản trị cơ sở dữ liệu,…

Ông từng đề xuất xin được hướng dẫn một học viên cao học để đủ tiêu chuẩn xét học hàm phó giáo sư nhưng bị kiên quyết từ chối.

Với chức danh Giảng viên chính, đủ 60 tuổi là cầm sổ hưu không thêm một ngày.

Sau hơn 37 năm đứng trên bục giảng, ông rời khỏi trường công, trở thành Chủ nhiệm khoa Công nghệ Thông tin tại một đại học ngoài công lập.

Ngẫm lại cuộc đời mình, ông thấy mình may mắn hơn hai người bạn cùng lớp nhập ngũ với tấm bằng kỹ sư nhưng đã không trở về.

Nhưng chưa chắc ông đã may mắn hơn ông bạn bỏ nghề dạy học về làm ruộng.

Một ông bạn chuyên xem tướng bảo những thằng tuổi Đinh Hợi, rơi vào cung Bảo Bình trong đời chỉ có “tiểu bại”, không bao giờ “đại bại”, ngẫm có vẻ không hoàn toàn đúng.

Nếu không mang trong tâm chữ “nhẫn”, không cảm ơn cuộc đời đã cho mình nhiều thứ hơn người khác thì làm sao tránh được “đại bại”?

Kể câu chuyện này chỉ muốn người đọc biết được những người lớn, được chọn vào lớp “chuyên” từ 50 năm trước đã làm được những gì, đã được đối xử ra sao, cũng muốn để các cháu “chuyên” phổ thông ngày nay suy ngẫm.

Và cũng muốn những người cổ vũ trường chuyên, lớp chọn bình tĩnh suy xét, rằng dù có “chuyên” đến mấy cũng chỉ phí tiền cha mẹ và xã hội nếu thành tài nhưng không được tạo điều kiện (hoặc không tự mình tạo ra cơ hội) phục vụ nhân dân, đất nước./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnu.edu.vn/home/?C1654/N18365/Cai-noi-phat-hien-va-boi-duong-nhan-tai-Toan-hoc-Viet-Nam.htm

Xuân Dương