LTS: Câu chuyện đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua trong ngành giáo dục còn nhiều bất cập, trong bài viết này tác giả Bình Thanh đưa ra bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Có thể nói danh hiệu Chiến sĩ thi đua luôn là niềm mơ ước đối với nhiều giáo viên.
Bởi, giá trị của nó không chỉ nằm ở mức tiền thưởng (cấp thấp nhất Chiến sĩ thi đua cơ sở tiền thưởng bằng mức lương tối thiểu) hay là căn cứ để giáo viên được xét tăng lương trước thời hạn mà còn là niềm tự hào khi sự cố gắng, nỗ lực của mình được ghi nhận.
Thế nhưng do chỉ tiêu quy định từ cấp trên áp xuống tỉ lệ Chiến sĩ thi đua cơ sở không quá 15% trên tổng số Lao động tiên tiến của mỗi trường nên danh hiệu này khó có cửa để lọt xuống tới giáo viên.
Chuyện xét thi đua của ngành giáo dục (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn). |
Chẳng hạn, trường có 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên thì số lượng đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ khoảng 5-6 người. Trường chỉ có 20 người thì số lượng này sẽ giảm đi phân nửa.
Với nhiều ngành nghề khác, người đạt danh hiệu cao quý này phải có thành tích vượt trội, có sáng kiến hay, đột phá làm lợi cho đơn vị.
Ngược lại, danh hiệu Chiến sĩ thi đua ở ngành giáo dục chẳng khác gì “miếng bánh ngon” ban phát cho những người có vai vế, có “máu mặt” trong trường.
Chuyện đạt Chiến sĩ thi đua của các trường gần như chỉ “nhìn mặt đặt tên”.
Ví như đơn vị có 3 người thì đương nhiên Ban giám hiệu chiếm 2 và thêm Chủ tịch công đoàn nữa là đủ. Hoặc nhiều hơn sẽ xuất hiện vài ba tổ trưởng chuyên môn.
Chỉ là giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ thì cứ “mơ” đi vì cây đa cây đề còn đó, chiến sĩ thi đua đâu tới phần.
Danh hiệu thì tranh phần nhưng việc làm lại đùn đẩy. Ban giám hiệu cũng chẳng có gì xuất sắc, công việc làm thì năm nào cũng như năm ấy nhưng chân thi đua khi nào họ cũng nằm đầu.
Không ít thầy cô giáo lâu năm thậm chí giữ vai trò tổ trưởng nhưng ngoài việc giảng dạy thì mọi hoạt động phong trào đều thoái thác nào là mình già, mình lớn tuổi, nên tạo cơ hội cho lớp trẻ đi. Nhưng khi xét thi đua cũng cố gắng đấu tranh để vơ về mình.
Khá nhiều giáo viên trẻ năng động đầy nhiệt huyết dù khát khao muốn được thử sức cũng chẳng dám bộc lộ vì sợ bị đàm tiếu ngựa non háu đá, dám qua mặt đàn anh đàn chị nên cũng phải ém mình và giấu nỗi khát khao.
Chưa nói đến việc danh hiệu Chiến sĩ thi đua không phải để cuối năm mới xét, mới bình bầu. Ai muốn nằm trong diện xét và bình bầu ấy phải đăng kí trước từ đầu năm học.
Để tránh việc bình xét bỏ người này lấy người kia làm mất lòng đồng nghiệp, nhiều trường không cho phép giáo viên tự do đăng kí mà phải đăng kí theo sự chỉ đạo.
Ngoài Ban giám hiệu và một vài tổ trưởng, còn chỉ tiêu mới đến lượt giáo viên (cũng chỉ là hi hữu).
Thế nên mới có chuyện người đạt danh hiệu này hàng chục năm liên tiếp nhưng thành tích cũng chỉ mờ nhạt.
Nhiều giáo viên nói “biết thân biết phận” nên cũng chẳng dám mơ và cũng chẳng cần phải nỗ lực phấn đấu làm gì “cao lắm cũng chỉ là lao động tiên tiến như bao người”.
Cũng có một số trường ngoại lệ (số này khá ít) Ban giám hiệu nhà trường nhất quyết không đăng kí danh hiệu trên.
Họ nói rằng: “giáo viên mới là người vất vả nhất. Vì chỉ tiêu quá ít nên nhường hết để thầy cô đăng kí”. Giáo viên trong trường ai cũng kính trọng và nể phục.
Nhiều thầy cô hồ hởi nói rằng: “công sức mình bỏ ra đã được ghi nhận nên không cảm thấy bị uổng phí”.
Bởi thế, họ cũng không phân bì, so đo mà luôn nỗ lực trong mọi công việc và những ai có hoài bão, có ước mơ muốn nhận được danh hiệu thi đua ấy lại càng phải cố gắng hết mình.