Nếu không chữa, bệnh thành tích sẽ "biến chứng" thành bệnh dối trá

30/08/2017 07:27
Nguyễn Cao
(GDVN) - Chất lượng giáo dục là hướng tới con người chứ không phải là những con số khô khan báo cáo để xét thi đua, hay chỉ để làm vừa lòng một số lãnh đạo ngành...

LTS: Từ câu chuyện tại chính địa phương nơi mình đang công tác, thầy giáo Nguyễn Cao đã có bài viết nhằm chỉ ra nguyên nhân cũng như hệ lụy nguy hại của "bệnh thành tích" đối với nền giáo dục.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết. Nội dung và văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. 

Sau khi Phòng Giáo dục gửi quyết định của Ủy ban nhân dân Huyện về việc công nhận các danh hiệu thi đua thì Ban Giám hiệu trường chúng tôi buồn ra mặt.

Bởi vì, đơn vị trường chúng tôi là một trong rất ít trường không được công nhận danh hiệu “tập thể lao động tiên tiến” trong năm học vừa qua.

Nếu xét về vật chất thì nó chẳng đáng là bao. Bởi cái danh hiệu “tập thể lao động tiên tiến” có tiền thưởng chưa đến 1 triệu đồng cho cả tập thể 60 con người thì nó thấm tháp vào đâu. 

Thế nhưng, làm lãnh đạo nhà trường mà đơn vị mình không đạt được danh hiệu thi đua thì cũng “quê” trước lãnh đạo Phòng và những đơn vị khác, nhất là khi họp tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 cách đây mấy ngày.

Giọt nước mắt em V., một học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng không biết đọc, không biết viết bị nhà trường buộc phải trả về học lại lớp 1. Chính bệnh thành tích của nhà trường đã lấy đi cơ hội của V. và không ít học sinh khác. Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của VTV.
Giọt nước mắt em V., một học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng không biết đọc, không biết viết bị nhà trường buộc phải trả về học lại lớp 1. Chính bệnh thành tích của nhà trường đã lấy đi cơ hội của V. và không ít học sinh khác. Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của VTV.

Khi nghe một số lãnh đạo Phòng có những “lưu ý” một số trường trong năm học vừa qua còn một số chỉ tiêu không đạt và không được công nhận danh hiệu “tập thể lao động tiên tiến” thì lãnh đạo các trường này “nhột lắm”. 

Vì thế, trong các cuộc họp của nhà trường, Ban Giám hiệu nói đi nói lại mãi về vấn đề này để làm sao tìm “giải pháp” cho năm học tới đây.

Nguyên nhân cơ bản mà tập thể chúng tôi không đạt được danh hiệu “tập thể tiên tiến” là năm học vừa qua, nhà trường chỉ có 63% học sinh có học lực khá- giỏi, trong khi mặt bằng chung của huyện là 70%. 

Vì thế, Ban Giám hiệu nhà trường đã thể hiện quyết tâm năm học tới đây phải đạt được tỉ lệ học sinh khá giỏi từ 70% trở lên.

Có lẽ, với những con số như thế này sẽ làm nhiều người bất ngờ, ngạc nhiên nhưng với thầy cô giáo thì những số liệu về phần trăm khá- giỏi như vậy đã trở nên rất đỗi bình thường. 

70% học sinh khá giỏi là mặt bằng chung của toàn huyện, cũng có nghĩa là nhiều trường có số học sinh khá- giỏi cao hơn rất nhiều con số ấy. 

Nhưng sự thật có đúng như vậy không, hay chỉ vì căn bệnh thành tích mà người ta đang cố tình đẩy lên để làm vừa lòng nhau mà thôi!

Nếu không chữa, bệnh thành tích sẽ "biến chứng" thành bệnh dối trá ảnh 2

Ai chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo trong giáo dục?

Chuyện thành tích, chuyện chỉ tiêu, chúng ta đã từng được nghe rất nhiều ở một số địa phương.

Hàng năm, giáo viên dưới cơ sở luôn phải tuân thủ theo chỉ tiêu đầu năm của ban giám hiệu, nhà trường thì phải phục tùng cấp phòng, sở. 

Vì thế, phương châm chất lượng năm sau phải cao hơn hoặc bằng so với năm trước luôn đi vào nghị quyết của mỗi trường.

Nên dù học sinh yếu, kém cỡ nào cũng được hợp thức hóa để có thể bằng mặt bằng chung của trường, của huyện…

Có một thực tế là đa số giáo viên đều nói "ghét thi đua", nhưng cuối năm học vẫn hướng mình phải đạt được một danh hiệu thi đua nào đó. 

Người giảng dạy bình bình thì hướng mình tới danh hiệu lao động tiên tiến, người có chút thành tích thì luôn muốn mình phải đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, bằng khen của cấp này, cấp kia. 

Đối với ban giám hiệu nhà trường thì luôn hướng tới các danh hiệu cho tập thể. 

Vì vậy, nếu ai cuối năm không được xét thi đua cũng thấy ngậm ngùi, chán nản. Lãnh đạo nhà trường thì buồn ra mặt khi trường của mình bị cắt thi đua.

Xét đến cùng thì ai cũng quan niệm “miếng giữa đàng hơn sàng xó bếp” bởi đó là danh dự của mỗi con người trước tập thể.

Tuy nhiên, muốn đạt được danh hiệu thi đua nào đó bắt buộc chất lượng giảng dạy, công tác phải bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung của đơn vị, của địa phương. 

Vì thế, giáo viên nào có chất lượng thấp hơn mặt bằng chung của đơn vị, của huyện, của tỉnh đều bị cắt. Nên chuyện thành tích không hề thuyên giảm mà ngày càng “nặng” hơn.

Bệnh thành tích từ lâu của ngành giáo dục đã khiến cho các đơn vị, các cá nhân quay cuồng trong guồng máy thật và giả. 

Nếu không chữa, bệnh thành tích sẽ "biến chứng" thành bệnh dối trá ảnh 3

Nhức nhối nghịch lý giữa điểm học và điểm thi khác nhau một trời một vực

Cấp sở, cấp phòng thì giao chỉ tiêu về trường, trường giao cho tổ chuyên môn, tổ chuyên môn giao cho giáo viên đăng kí.

Và cái vòng luẩn quẩn thành tích ấy luôn được “duy trì đều đặn” từ năm này sang năm khác.

Không chỉ giao chỉ tiêu về chất lượng giáo dục mà các chỉ tiêu khác như thu bảo hiểm y tế, thu các loại tiền quĩ, thu học phí, vận động học sinh bỏ học đến lớp…cũng được ấn định. 

Tất nhiên thực tế sẽ có một số trường gặp rất nhiều khó khăn trong các cuộc đua này. Vì thế người ta tìm mọi cách để có thể bằng với mặt bằng chung.

Các trường ở những vùng khó khăn thì lãnh đạo ép các tổ chuyên môn tìm “biện pháp” để nâng cao chất lượng. Bởi, có lãnh đạo nói thẳng trước hội đồng sư phạm là “thật thà thường thua thiệt” để gợi ý giáo viên hướng tới mặt bằng chung. 

Thu bảo hiểm y tế thì họ không nhất thiết thu cả năm mà hướng tới học sinh nào cũng đóng.

Nhưng có thể đóng 3 tháng, 6 tháng để em nào cũng có đóng để đạt 100%. Học sinh bỏ học nhiều thì tìm cách lần lữa mà đưa vào bỏ học trong hè để không mất chỉ tiêu…

Có một điều mà một số lãnh đạo đã cố tình không biết hay không muốn biết, đó là chỉ tiêu, số liệu đều nằm trong tầm tay của giáo viên, của trường. 

Vậy nhưng họ không nhìn vào thực tế của từng lớp, từng đơn vị nhằm hướng tới việc giúp đỡ cấp dưới của mình cùng nhau vực dậy chất lượng giáo dục.

Bởi một lẽ dĩ nhiên là không phải trường nào cũng có chất lượng giáo dục như nhau được, mỗi địa phương có mỗi đặc điểm, mỗi lợi thế hay khó khăn riêng.

Những trường thành phố, thị trấn chắc chắn điều kiện kinh tế phát triển tốt hơn, điều kiện chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái tốt hơn thì chất lượng cao hơn là điều không cần bàn cãi.

Nếu không chữa, bệnh thành tích sẽ "biến chứng" thành bệnh dối trá ảnh 4

Bệnh thành tích đang kéo giáo dục Việt Nam tuột dốc

Những trường có điều kiện kinh tế khó khăn hơn thì mọi điều kiện đầu tư, chăm sóc cho con cái của phụ huynh chắc chắn sẽ không bằng thì làm sao chất lượng giáo dục có thể tương đồng nhau được.

Điều cốt lõi là lãnh đạo phải nhìn thấy những cố gắng của giáo viên, của từng trường qua từng năm.

Nếu như trường đó khó khăn hoặc giáo viên đầu năm nhận phải lớp học sinh có mặt bằng kiến thức thấp hơn trong đơn vị thì việc đầu tiên người giáo viên đó phải hướng tới mục tiêu là giúp đỡ các em yếu kém lên trung bình, các em trung bình lên khá. 

Những trường vùng khó khăn thì không thể so sánh với các trường có điều kiện.

Thế cho nên, tiêu chí chung là phải hạn chế học sinh bỏ học. Hướng học sinh học tập đến cái chuẩn trung bình của kiến thức. 

Vì thế, những trường hợp này họ không thể nào bằng được mặt bằng chung của đơn vị hay của huyện, của tỉnh.

Tuy nhiên, khi xét thi đua thì lãnh đạo cứ cán bằng.

Trường nào có chất lượng thấp hơn chất lượng bình quân của phòng, của sở là cắt, giáo viên nào đề nghị xét danh hiệu thi đua mà có chất lượng học sinh giỏi thấp hơn mặt bằng chung là cắt.

Vô hình trung đang tạo nên sự cạnh tranh về số lượng nhưng chất lượng thật thì chỉ người trong cuộc mới biết và “phải biết”.

Chất lượng giáo dục là hướng tới con người chứ không phải là những con số khô khan báo cáo để xét thi đua, hay chỉ để làm vừa lòng một số lãnh đạo ngành, địa phương. 

Năm học mới đã đến nhưng cứ duy gì cách làm cũ thì chất lượng giáo dục thật của một số địa phương đang tiềm ẩn rất nhiều nỗi lo lớn.

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử 

toasoan@giaoduc.net.vn

Ngoài ra, quý vị vui lòng cung cấp thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Cao