Người xưa có câu: “Con dại cái mang” để nói về trách nhiệm của cha mẹ đối với con em của mình. Một khi con làm điều không phải thì cha mẹ phải là người đứng ra gánh vác, bồi thường, xin lỗi về việc làm của con mình.
Nhưng ngày nay, nhìn từ vụ việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang thì chúng ta cảm thấy ngán ngẩm nhiều điều.
Lãnh đạo ngành giáo dục thì nói không công bố danh sách vì đó là việc làm của cha mẹ thí sinh, các em không biết. Phụ huynh thì nhiều người còn đăng đàn chối bay, chối biến, phủ nhận chuyện nhờ vả, chạy chọt.
Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Bnews / TTXVN. |
Xét đến cùng, trong sự việc này dù cho “con dại” hay “cái dại” thì phụ huynh cũng là người có lỗi. Lỗi trong việc nuôi dạy con mình chưa tốt, lỗi trong việc con mình đã cướp đi chỉ tiêu ở các trường đại học.
Và lỗi trong việc khi cơ quan chức năng đã xác định là con mình được sửa và nâng khống điểm nhưng phụ huynh không (chưa) dám nhận trách nhiệm. Trong khi, đa phần các phụ huynh này cũng đều là quan chức địa phương của Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang.
Với 222 thí sinh được xác định là đã có tác động vào bài thi để nâng khống điểm, thí sinh nào ít thì cũng được nâng vài ba điểm, thí sinh nào nhiều thì có em được nâng đến 29,95; 26,55; 26,45 điểm.
Nghĩa là trong những thí sinh được nâng điểm, phần lớn các thí sinh lơ mơ chẳng biết gì về kiến thức phổ thông mà mình đã học suốt 12 năm trời.
Với trình độ và khả năng ấy, đa phần các thí sinh này không xứng đáng bước vào giảng đường đại học. Bởi nếu thi bằng kiến thức thật, đa phần các thí sinh này bị sẽ rớt.
Thực tế, khi chấm thẩm định đã có em rớt cả tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nhưng, các em này được cha mẹ chuẩn bị để trở thành những trí thức cho tương lai. Và, cũng có thể sẽ là những người kế cận cha mẹ mình để sau này trở thành những lãnh đạo của ngành này, ngành khác nhằm “gánh vác” trọng trách của địa phương.
Ông Lê Như Tiến: “Làm gì có ngẫu nhiên mà con cháu quan chức được nâng điểm” |
Lúc đó, các thí sinh hôm nay có điểm thi là 0 hay 1-2 điểm/ môn sẽ trở thành những người lãnh đạo, họ có thể lại dạy dỗ, giáo huấn cấp dưới của mình!
Thế nhưng, sự việc này không may đã bị lộ. Rõ ràng, người tính không bằng trời tính nên các em được đem ra mổ xẻ về khả năng “học thật” của mình.
Để trở thành những thí sinh có điểm cao, thậm chí là thủ khoa thì vai trò của cha mẹ các em là rất lớn khi biến những điểm 0 thành điểm 9, biến từ 0,45 điểm thành 27 điểm như thường.
Đáng lẽ ra, sau sự việc này, những phụ huynh có con được sửa điểm nên “treo ấn từ quan” bởi họ chưa làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình với dân, với nước.
Một khi mà “tề gia” chưa tốt thì mong gì “trị quốc, bình thiên hạ” như người xưa? Nhưng không, họ đứng ra thanh minh con mình học giỏi, nằm trong tốp 10 của trường chuyên của tỉnh, họ nói rằng con cháu họ không nhờ ai cả, không quen ai cả.
Cứ nhìn cách một số phụ huynh “ngơ ngác” không hiểu sao con mình bị nâng điểm mà thiên hạ cũng phải bất giác…bật cười.
Lạ thật, họ đường đường là quan đứng đầu một tỉnh, đứng đầu một sở, ngành…mà lại “ngây thơ” đến độ không hiểu vì sao con mình được nâng điểm?
Họ “ngây thơ” đến mức cứ tưởng thiên hạ cũng “ngây thơ” như họ để tin tưởng điều mà họ nói là thật!
Không vì tiền, quyền lực, ai khùng đi nâng điểm cho con quan chức? |
Trong số 222 thí sinh được xác định sửa điểm cũng đồng nghĩa là có 444 vị cha mẹ mà đa số họ là cán bộ, là công, viên chức nhà nước và chắc chắn có nhiều phụ huynh là đảng viên.
Họ là những người có vị thế nhất định ở địa phương.
Nhưng khi có điểm thi, dù biết cơ quan điều tra vào cuộc mà họ vẫn cho con nhập học. Gần 1 năm (đối với Hà Giang) và gần 2 tháng (đối với Sơn La, Hòa Bình) được cơ quan điều tra cung cấp danh sách thí sinh gian lận điểm.
Nhưng, chưa thấy một vị nào lên tiếng xin lỗi nhân dân, xin lỗi ngành giáo dục, xin lỗi những thí sinh đã rớt các trường đại học khi mà con họ đã “vô tình” vào "nhập học thay".
Chưa thấy phụ huynh nào tự nhận khuyết điểm về mình. Cũng chưa có một vị nào “giả vờ” lấy lý do “sức khỏe kém” để xin nghỉ chế độ hay xin thôi việc?
Khi đi chung trên một con thuyền nhưng không may bị đắm thì mọi người trên con thuyền ấy cũng cần sẻ chia gian khó với nhau, lẽ nào chỉ để 17 nhà giáo và 2 cán bộ công an kia chịu thiệt thòi còn 444 phụ huynh lại “cao chạy xa bay” đoạn tình đến vậy?
Ngày xưa, Nguyễn Du đã từng ai oán khi nói về nhân vật Hồ Tôn Hiến trong Truyện Kiều như sau:
“Nghĩ mình phương diện quốc gia,
Quan trên trông xuống, người ta trông vào”.
Hồ Tôn Hiến đắm say nhan sắc Thúy Kiều, mê tiếng đàn của nàng nhưng sợ người đời cười chê mà không dám bước tới.
Vậy mà, giờ đây nhiều quan chức ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã “dám làm” cái chuyện phi pháp là đánh bật con dân ra để con mình bước vào các trường đại học uy tín mà không sợ “quan trên trông xuống, người ta trông vào” sao?
Vậy mà họ vẫn còn phủ nhận, còn chối đây đẩy việc làm của mình, lẽ nào các vị không biết mắc cỡ và ngại ngùng trước bàn dân thiên hạ hay sao?