ChatGPT, AI phát triển đòi hỏi chuẩn đầu ra, cách thức thi ở trường ĐH thay đổi

21/08/2024 06:13
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Tăng cường đối thoại với người học để tìm ra giá trị thực là một trong những cách để các trường đại học ứng phó với việc sinh viên sử dụng AI và ChatGPT. 

Con người đang sống trong thời đại của “dữ liệu lớn” (big data) với hệ thống thông tin khổng lồ.

Trí tuệ nhân tạo - AI (Artificial intelligence) hay ChatGPT trở thành công cụ hữu hiệu giúp con người tổng hợp thông tin, đưa ra ý tưởng thậm chí là tạo lập văn bản...

Bởi vậy, không lấy làm ngạc nhiên khi trí tuệ nhân tạo, ChatGPT ngày càng thâm nhập sâu vào mọi mặt của đời sống và giáo dục cũng không phải ngoại lệ.

AI và ChatGPT không thể thay thế con người

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Vấn đề sử dụng AI và ChatGPT trong trường đại học đã và đang nhận được sự quan tâm, có không ít hội thảo về vấn đề này được tổ chức.

Tất nhiên, sự phát triển công nghệ luôn có tác động hai chiều. Về mặt tích cực, công cụ trên sẽ thúc đẩy tư duy của người học ở mức cao hơn để người học có thể đánh giá nguồn thông tin được cung cấp.

Còn mặt tiêu cực là việc dễ xâm phạm bản quyền, lấy ý tưởng của người khác và coi đó là của mình. Ngoài ra, trong các vấn đề văn hóa, khi AI nhận nguồn dữ liệu không chính thống có thể dẫn đến thông tin sai lệch”.

Tuy nhiên, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh không ngăn cấm việc sinh viên sử dụng AI hay ChatGPT.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân lý giải: “Vì người dùng hoàn toàn có thể học hỏi, tìm hiểu, khai thác lợi ích về dữ liệu của những công cụ này. Điều đáng quan tâm là làm sao để đo lường chính xác trình độ của sinh viên. Hơn nữa, con người tạo ra AI, AI không thể thay thế được con người”.

gdvn-pgsts-lam-nhan-2657.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mộc Trà.

Còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Trong ba mảng kiến thức, kỹ năng và thái độ, ChatGPT hay AI chỉ có thể can thiệp vào phần kiến thức vì sinh viên được cung cấp khối lượng thông tin lớn trong thời gian ngắn.

Nếu sinh viên lạm dụng dẫn đến đạo văn thì hội đồng chấm khóa luận, giảng viên hoàn toàn có thể kiểm tra thông qua các phần mềm.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đang xây dựng quy chế về liêm chính học thuật, trong đó có nêu việc sử dụng nhiều phần mềm khác nhau để kiểm tra trùng lặp.

Bên cạnh đó, việc đánh giá thông qua vấn đáp, thuyết trình sẽ hạn chế việc sinh viên sử dụng AI và ChatGPT một cách thụ động. Chúng ta sẽ thay đổi cách đánh giá cho phù hợp, nên tôi cho rằng, đây cũng không phải vấn đề quá lớn.

Còn mảng kỹ năng liên quan đến thực hành, tay nghề và mảng thái độ, công cụ này khó lòng can thiệp được. Bởi vậy, sự xuất hiện của AI và ChatGPT không gây ra ảnh hưởng quá lớn đến cơ hội việc làm của sinh viên”.

Không nên đi ngược lại quy luật phát triển

Còn theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Trí tuệ nhân tạo, học máy là một trong những thành tựu của nhân loại và trong thời gian tới, sẽ đóng vai trò quyết định, ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực. Các trường học nên tận dụng thành tựu này chứ không nên khước từ.

Tất nhiên, cũng có những “phản ứng phụ” của trí tuệ nhân tạo, những chức năng không mong muốn của hệ thống mà chúng ta phải tránh. Đó là việc công cụ có thể tạo ra những thông tin không chính xác hoặc người dùng sử dụng AI, ChatGPT để gian lận trong học tập”.

Theo thầy Trình, các trường đại học phải chuẩn bị tinh thần để đồng hành với người học, giúp họ sử dụng những công cụ của AI một cách hiệu quả.

Điều này hướng tới việc sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc tốt nhất trong môi trường xã hội mà trí tuệ nhân tạo hay ChatGPT đóng vai trò quan trọng.

“Khi công cụ này đã làm được những điều không tưởng, chúng ta phải đào tạo được những con người khai thác tối đa được trí tuệ nhân tạo, làm chủ được hệ thống, guồng máy vận hành dựa trên nền tảng của AI, ChatGPT.

Trong quá trình phát triển công nghệ, bao giờ cũng có những hiệu quả không mong muốn. Chúng ta phải tìm cách để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đó, không phải chỉ vì những tác động không muốn mà cấm đoán” - thầy Trình khẳng định.

GS-1692864526639.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Website trường.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc cũng nhấn mạnh: “ChatGPT hay AI là công cụ giúp việc tìm kiếm kiến thức tốt hơn. Công cụ này ngày càng phổ biến, được rất nhiều sinh viên sử dụng.

Điều quan trọng là nhà trường cần hướng dẫn sinh viên cách sử dụng, giúp sinh viên có tính cạnh tranh khi bước vào thị trường lao động.

Nếu trong trường học, sinh viên đã sử dụng những công cụ này một cách thuần thục, thì khi đi làm có thể ứng dụng hiệu quả. Khuyến khích là điều chúng ta nên làm thay vì ngăn cấm.

Nhà trường chỉ cách cho sinh viên để các em biết, khi ra trường có thể dùng AI vào những công việc gì, nhằm giúp xử lý công việc nhanh hơn, chính xác hơn.

Chúng ta cần có kế hoạch để giúp sinh viên có thể sử dụng công cụ theo hướng tăng cường kiến thức của bản thân. Tôi cho rằng, đây mới là cách nhà trường phản ứng với việc sinh viên sử dụng AI và ChatGPT”.

L8P_sgpQkUrv2s_40SBt-4RB.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Website trường.

“Bài toán” chống đạo văn nên được nhìn ở góc độ khác

Trước những lo lắng về việc AI, ChatGPT có thể giúp người học hoàn thành khóa luận, luận văn, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân cho hay, phía nhà trường cần có những cách thức đánh giá khác để kiểm tra thực chất vấn đề, không thể chỉ dựa vào các bài luận, mà cần bổ sung thêm vấn đáp để kiểm tra sự nắm bắt kiến thức của sinh viên, học viên.

“Đánh giá một chiều, nộp tiểu luận, khóa luận, giảng viên chấm bài..., theo tôi, hiện tại đã không còn cập nhật. Chúng ta phải có những cuộc trao đổi, đối thoại với nhau để tìm ra giá trị thực. Mặc dù có những phần mềm chống đạo văn, nhưng cũng không thể phụ thuộc hoàn toàn vào công cụ này” - thầy Nhân bày tỏ.

Bên cạnh đó, các ngành học ở Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đang được đào tạo theo định hướng ứng dụng. Điều này đòi hỏi sinh viên có khả năng thẩm thấu kiến thức để giải quyết vấn đề thực tế, không thể chỉ phụ thuộc vào AI hay ChatGPT để qua môn, tốt nghiệp.

Cụ thể, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân chia sẻ: “Ví dụ, với ngành Tổ chức sự kiện, ngoài việc học các học phần lý thuyết, các môn chung về văn hóa, sinh viên buộc phải biết cách tổ chức một sự kiện văn hóa - nghệ thuật, thể thao, đưa các giá trị văn hóa vào thực tiễn, không đơn thuần là viết.

Hay với ngành Du lịch học, sinh viên phải đi trải nghiệm thực tế, không phải chỉ ngồi trên lớp nghe giảng về lý thuyết.

Các học phần liên quan đến thực hành được bổ sung liên tục trong chương trình đào tạo, do đó, ChatGPT không phải chiếm quá nhiều ưu thế. Đồng thời, chúng ta phải thường xuyên nhắc nhở sinh viên về liêm chính học thuật, văn hóa ứng xử trong trường học”.

anh-8-1-5530.jpg
Ảnh minh họa: vnu.edu.vn.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình đánh giá sự xuất hiện của AI, ChatGPT sẽ nâng cao các hoạt động học tập. Chẳng hạn, yêu cầu về nhớ có thể giảm tải, sinh viên cần phải nhớ theo hệ thống để khai thác thông tin, không phải học thuộc lòng.

Nói về các biện pháp chống đạo văn, thầy Trình đặt vấn đề: “Hiện tại chúng ta đã có những thành tựu liên quan trí tuệ nhân tạo. Vậy, việc viết luận có cần phải tiếp cận theo cách cũ nữa không?

Việc chống đạo văn cần nhìn theo một góc độ khác, thay vì chúng ta chỉ quan tâm đến sự trùng lặp câu chữ. Đó có thể là ý tưởng hay tính hiệu quả của ý tưởng.

Tất nhiên, trong bối cảnh hiện tại, để tìm được những ý tưởng độc lập không phải dễ, nhưng chúng ta phải khai thác công cụ theo hướng có lợi thay vì chống lại sự phát triển”.

Theo thầy Trình, ở thời điểm ChatGPT phát triển mạnh như hiện tại, chuẩn đầu ra và cách thức thi cũng cần thay đổi.

“Dùng công nghệ để kiểm soát công nghệ” có lẽ chỉ là một góc của câu chuyện. Quan trọng hơn là phải dùng công nghệ để khai thác triệt để thành tựu của công nghệ, đưa công nghệ vào trong cuộc sống để phục vụ con người.

Mỗi nhà trường cần có sự thay đổi cách tiếp cận với trí tuệ nhận tạo, ChatGPT còn việc ngăn cấm là hết sức khó khăn và hoàn toàn không cần thiết.

“Ở Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngay từ môn cơ bản là Lập trình, trí tuệ nhân tạo có thể giúp người học viết code chỉ trong thời gian ngắn.

Vậy, sinh viên có cần phải học viết lại đoạn code mà ChatGPT dễ dàng thực hiện nữa hay không? Theo tôi là không. Nhưng sinh viên cần được chỉ dẫn làm sao để khai thác tối đa công cụ này.

Đơn vị đang xây dựng đề cương môn học mới, thay đổi cách sinh viên làm bài tập - không chỉ là học tập trên máy tính cùng thầy cô mà là học tập 24/7 trên hệ thống.

Chính chúng tôi cũng đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để hệ thống tự động góp ý bài làm cho sinh viên” - Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình chia sẻ thêm.

Hồng Linh