Công nghệ ChatGPT (Chat Generative Pre-taining Transformer) là một chatbot - phần mềm trí tuệ nhân tạo do công ty OpenAI của Hoa Kỳ phát triển và cho ra mắt vào tháng 11/2022 đến nay đã được một năm.
Tại Việt Nam từ đầu năm 2023 đã có nhiều hội thảo, bài báo khoa học xung quanh chủ đề ứng dụng ChatGPT nhưng hầu hết nội dung đều dừng lại ở mức tìm hiểu với những “khuyến cáo”: ChatGPT không có khả năng sáng tạo, không nên lệ thuộc hoặc quá tin tưởng vào ChatGT, sử dụng ChatGPT thế nào để tránh đạo văn... mà chưa có công trình nghiên cứu đưa ra cách thức sử dụng phổ biến để giúp mọi người cùng làm chủ công nghệ ChatGPT.
Bài báo này sẽ chia sẻ một vài trải nghiệm của tác giả về cách làm chủ công nghệ ChatGPT để biến nó thành “chiếc nỏ thần” trong giáo dục.
Biểu tượng của ChatGPT và Open AI. Ảnh: Reuters |
Trước hết tác giả xin được phản biện các “khuyến cáo” trên.
ChatGPT có khả năng sáng tạo không?
Tác giả đã hỏi ChatGPT:
“ChatGPT có khả năng sáng tạo không?”
ChatGPT trả lời:
“ChatGPT có thể giúp tạo ra nội dung sáng tạo, nhưng quá trình phát triển sản phẩm sáng tạo là sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và sự sáng tạo của con người. Mức độ sáng tạo của ChatGPT phụ thuộc vào hướng dẫn từ người dùng và dữ liệu mà ChatGPT được huấn luyện.”.
Câu trả lời của ChatGPT trùng nhận định của tác giả: ChatGPT chỉ có thể sáng tạo khi được trao cho những người biết sáng tạo.
Ví dụ: Giải phương trình: 3^x + 4^x = 5^x là bài toán không thể giải được nếu chỉ sử dụng các kiến thức của sách giáo khoa. Vì vậy nếu yêu cầu ChatGPT tìm nghiệm x, nó sẽ trả lời không giải được hoặc giải sai. Tuy nhiên nếu có cách “huấn luyện”, bằng cách cung cấp dữ liệu về tính chất của phương trình không mẫu mực, ChatGPT sẽ nhanh chóng tìm được x=2 với những lập luận sắc bén mà chính người “huấn luyện” nó cũng không nghĩ ra, không ngờ tới. Lời giải sáng tạo của ChatGPT đã vượt xa suy nghĩ của người “huấn luyện” ban đầu.
Điều này có đủ phủ định một số kết luận cho rằng: ChatGPT không có khả năng sáng tạo!
Tạo nội dung thông qua ChatGPT có phải là đạo văn không?
Như mục trên đã phân tích, không phải ai sử dụng ChatGPT cũng tạo ra sản phẩm sáng tạo mà tính sáng tạo của sản phẩm phụ thuộc vào người biết hướng dẫn ChatGPT, biết cách huấn luyện ChatGPT.
ChatGPT là một công cụ để tạo ra các ý tưởng hoặc bản thảo ban đầu nhưng việc phát triển một sản phẩm hoàn chỉnh đòi hỏi sự can thiệp của con người để hoàn thiện, điều chỉnh và tạo ra giá trị thực sự cho sản phẩm.
Đạo văn là việc sao chép hoặc sử dụng nội dung từ nguồn khác mà không được sự cho phép hoặc không ghi nguồn rõ ràng.
Sản phẩm ChatGPT được thực hiện theo yêu cầu của người dùng và dựa trên dữ liệu được sử dụng để huấn luyện mô hình. Với khả năng siêu việt của trí tuệ nhân tạo trong ChatGPT, những nội dung sáng tạo bởi ChatGPT đều được ChatGPT ghi rõ nguồn gốc tham khảo.
Ví dụ để ChatGPT soạn đề cương nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu sử dụng AI Chatbot dạy học môn Toán học cho học sinh trung học phổ thông”.
Việc đầu tiên là tác giả “huấn luyện” ChatGPT bằng cách cung cấp các dữ liệu (mà tác giả có) cho ChatGPT nghiên cứu.
Trò chuyện (chat) với ChatGPT sao cho ChatGPT hiểu được mục đích, mục tiêu đề cương nghiên cứu là tạo được Chatbot, để học sinh sử dụng tự học môn Toán.
Sau đó dùng câu lệnh (prompt) yêu cầu ChatGPT soạn đề cương nghiên cứu trên với dữ liệu đã nghiên cứu theo các tiêu đề định sẵn của mẫu.
Thật bất ngờ, ChatGPT không chỉ viết được đề cương khúc chiết mà còn chỉ ra những tài liệu tham khảo để soạn đề cương.
Trong đó có nhiều tài liệu tham khảo mà tác giả chưa hề biết, chưa hề đọc. Sở dĩ làm được điều đó vì ChatGPT biết kết hợp giữa những dữ liệu mà nó có do OpenAI tạo ra từ đầu và dữ liệu được tác giả bổ sung cho ChatGPT.
Tiếp theo với những nội dung từng tiêu đề mà ChatGPT biên soạn, những gì chưa rõ, tác giả tiếp tục yêu cầu ChatGPT làm rõ và ChatGPT trả lời không mệt mỏi cho đến khi hoàn thành đưa ra được tiêu đề mới trong đề cương, chỉ ra được: “Quy trình tạo AI Chatbot dạy học môn Toán học cho học sinh trung học phổ thông”.
Khi triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu này theo đề cương, nếu mỗi bước thực hiện trong đề cương có sự phối hợp của ChatGPT, sẽ rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện đề tài với kết quả không ngờ là tạo ra một “giáo viên ảo” hỗ trợ học sinh tự học Toán. Và ứng với sản phẩm được tạo ra đó, ChatGPT đều chỉ ra tài liệu tham khảo tường minh đi kèm.
Vì vậy, có thể kết luận: tạo ra sản phẩm thông qua ChatGPT không phải là đạo văn, đó là sự phối hợp đồng sáng tạo giữa người sử dụng và trí tuệ nhân tạo có trong ChatGPT.
Có nên lệ thuộc hoặc quá tin tưởng vào ChatGPT?
Chuyện vui đầu năm 2023 trên một tờ báo, khi ChatGPT mới “du nhập” vào Việt Nam, một người sử dụng đã hỏi ChatGPT:
5 + 3 bằng mấy?
ChatGPT trả lời:
5+3 = 8. Đến đây đáng lẽ phải khen thì người sử dụng bông đùa :
ChaGPT sai rồi, vợ tôi bảo: 5 + 3 = 6 cơ.
ChatGPT vội “thanh minh”:
Xin lỗi tôi sai, vợ bạn đúng rồi, 5 + 3 = 6!?
Bài báo kết luận: ChatGPT không có chính kiến, vì vậy chúng ta không nên tin vào cách trả lời của ChatGPT!
Như ở mục 1 và 2 đã phân tích, chất lượng sản phẩm do ChatGPT tạo nên phụ thuộc vào 3 yếu tố: Người sử dụng biết hướng dẫn đặt câu hỏi, dữ liệu ban đầu do OpenAI tạo ra từ trước 2021, cách huấn luyện của người sử dụng.
Do ChatGPT chỉ được cập nhật dữ kiện và thông tin trước năm 2021, do đó nếu hỏi ChatGPT thông tin sau năm 2021 nó sẽ không trả lời được. Lúc đó người sử dụng thất vọng so sánh ChatGPT với Google và Internet.
Để giải quyết khúc mắc này, người sử dụng chỉ cần biết kết nối với WebChatGPT để ChatGPT có khả năng truy cập Internet. Khi đó trên màn hình ChatGPT sẽ xuất hiện chức năng tìm kiếm thông tin Web access và dễ dàng truy cập Internet lấy thông tin dữ liệu mới nhất từ ChatGPT.
Yếu tố thứ ba nhưng lại quan trọng nhất là cách huấn luyện ChatGPT của người sử dụng. Tùy theo năng lực trình độ của người huấn luyện mà sản phẩm do ChatGPT sẽ đạt mức độ đẳng cấp sáng tạo nào.
Đến đây có thể kết luận: đánh giá độ tin cậy chất lượng sản phẩm do ChatGPT tạo nên phụ thuộc vào người sử dụng. Chính người sử dụng sẽ biết sản phẩm do ChatGPT tạo ra có đáng tin cậy hay không.
Một số giải pháp biến ChatGPT thành "chiếc nỏ thần" trong giáo dục
Hình thành môn học mới sử dụng ChatGPT, xóa mù ChatGPT
Cách đây 40 năm, khi xuất hiện máy vi tính, ngành giáo dục đã tiên phong xóa mù tin học cho đội ngũ giáo viên các cấp. Nhờ đó nhanh chóng tin học hóa ngành giáo dục. Ngày nay, máy vi tính trở thành phương tiện dạy học không thể thiếu được của giáo viên từ mầm non đến đại học.
Tuy nhiên từ khi xuất hiện ChatGPT, cơ quan quản lý giáo dục vẫn thận trọng lắng nghe ý kiến từ cơ sở mà chưa mạnh dạn phát động một cuộc cách mạng nhằm triển khai sử dụng ChatGPT một cách hệ thống và bài bản.
Mọi nghiên cứu ở các trường còn mang tính tự phát đơn lẻ, “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi một kiểu. Thậm chí có nơi cực đoan không thừa nhận kết quả của ChatGPT, quy nạp một số sản phẩm do ChatGPT tạo ra là đạo văn không mang tính sáng tạo.
Vì vậy, để sớm đưa ChatGPT vào cuộc sống, trước mắt cần triển khai ngay đề tài khoa học tầm vĩ mô về ứng dụng ChatGPT trong giáo dục, làm cơ sở hình thành môn học mới “ChatGPT trong giáo dục”.
Tiếp đến sử dụng môn học mới này để xóa mù ChatGPT cho đội ngũ giáo viên, tiến đến phổ cập ChatGPT cho học sinh các cấp từ phổ thông đến đại học.
Tạo giáo viên ảo hỗ trợ giáo viên thật
Khi giáo viên đã làm chủ công nghệ ChatGPT, họ có đủ trình độ tạo ra giáo viên ảo hỗ trợ trong công tác giảng dạy.
Giáo viên thật sẽ trực tiếp giảng dạy trên lớp học truyền thống, nhưng sau giờ học, học sinh có thể yêu cầu giải đáp những nội dung chưa hiểu hoặc cần đào sâu nâng cao, giáo viên ảo sẽ trả lời thay giáo viên thật.
Điều khác biệt và thú vị là tại một thời điểm, giáo viên thật chỉ có thể tương tác trao đổi với một học sinh, nhưng giáo viên ảo có thể tương tác trao đổi với N học sinh cùng một thời điểm. Trình độ của giáo viên ảo phụ thuộc vào trình độ giáo viên thật tạo ra nó.
Hãy tưởng tượng một thầy dạy Toán giỏi nhất tạo ra giáo viên ảo có trình độ tương đương thầy dạy Toán đó và được huấn luyện thường xuyên để nó ngày một thông minh lên theo thời gian trở thành giáo viên ảo đắc lực nhất hỗ trợ giải đáp cho mọi học sinh ở các vùng miền. Lúc đó sẽ ngăn chặn tình trạng học thêm trên phạm vi cả nước?
Thay đổi cách đánh giá năng lực giáo viên và sinh viên tốt nghiệp
Hiện nay, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh thông qua các mức độ (level), ví dụ như thang điểm IELTS được tính từ 1.0 – 9.0 IELTS. Tương tự cần hình thành cách đánh giá kỹ năng sử dụng ChatGPT hay năng lực sử dụng ChatGPT, được xem là một trong những thang đo đánh giá năng lực của giáo viên và sinh viên tốt nghiệp.
Muốn vậy phải triển khai nghiên cứu xây dựng thang đo năng lực sử dụng ChatGPT.
Trong thời đại số, người có thang đo năng lực sử dụng ChatGPT cao thì làm việc gì cũng dễ, giúp họ phát triển bản thân, nghề nghiệp và phục vụ việc học tập nghiên cứu.
Đây là một thang đo để xét tuyển dụng nhân sự vào những vị trí quan trọng. Ví dụ: Người thành thạo ChatGPT trong quản lý có điều kiện trở thành trợ lý giám đốc hơn người chỉ có kiến thức học thuộc trong các kỳ thi.
Thay đổi cách kiểm tra đánh giá người học
Kể từ khi ChatGPT ra mắt, các học giả trên thế giới đã liên tục thảo luận về việc thay đổi cách kiểm tra để hạn chế rủi ro sinh viên nhờ chatbot viết thay.
Thay vì cấm đoán hạn chế ChatGPT, Việt Nam nên mạnh dạn cho sử dụng ChatGPT trong học tập và kiểm tra đánh giá. Tùy theo môn học và nội dung kiến thức cần kiểm tra mà hình thành 3 hướng thay đổi sau:
Hướng thứ nhất: Nội dung đề bài kiểm tra và đề thi phải yêu cầu học sinh thuộc bài nhớ kiến thức, khi đó học sinh không được sử dụng máy tính, không sử dụng tài liệu khi làm bài, không được sử dụng ChatGPT.
Hướng thứ hai: Ra đề kiểm tra và đề thi có nội dung vận dụng kiến thức, được phép sử dụng ChatGPT. Lúc đó học sinh nào có kỹ năng và năng lực sử dụng ChatGPT tốt sẽ hoàn thành bài làm tốt hơn học sinh không thạo ChatGPT và đương nhiên điểm sẽ cao hơn.
Hướng thứ ba: Đề kiểm tra và thi khó, mang tính sáng tạo để học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh dù có sử dụng ChatGPT cũng không làm được nếu không có khả năng sáng tạo như mục 1 và 2 đã trình bày.
Hướng thay đổi thứ ba này áp dụng khi đánh giá luận án tiến sĩ có sử dụng ChatGPT.
Phải khẳng định rằng, ChatGPT không thể viết trọn vẹn từ mở đầu đến cuối một bài báo khoa học, ChatGPT cũng không thể viết từ chương 1 đến chương cuối một luận án Tiến sĩ chỉ bằng một câu hỏi.
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu sinh tự lấy số liệu, sau đó nạp (cung cấp) cho ChatGPT và biết đặt câu hỏi chi tiết cho từng đề mục cụ thể, ChatGPT có thể viết giúp các đề mục tương ứng.
Tác giả đã trải nghiệm sử dụng ChatGPT hỗ trợ viết báo khoa học, phải dùng 15 prompt để hoàn thành bài báo.
Mỗi khi ChatGPT trả lời giải đáp một câu hỏi, sẽ hàm chứa một nội dung chưa rõ, phần chưa rõ sẽ là câu hỏi tiếp theo yêu cầu ChatGPT phải làm tiếp… cứ thế tiếp tục đến khi hoàn thành bài báo khoa học cũng như luận án tiến sĩ.
Lúc này đánh giá một bài báo khoa học hay chất lượng một luận án tiến sĩ chủ yếu đánh giá tính sáng tạo của nghiên cứu sinh thay cho đánh giá văn phong cách trình bày của luận án.
Kết luận
ChatGPT, với khả năng ứng dụng đa dạng, đã trở thành một công cụ hữu ích, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.
Qua phân tích và trải nghiệm, bài báo đã cho thấy ChatGPT không chỉ có khả năng sáng tạo mà còn có thể được sử dụng một cách sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục. Để tận dụng tiềm năng của ChatGPT, chúng ta cần phải:
Phát triển môn học mới "ChatGPT trong giáo dục" để loại bỏ mọi rào cản trong việc sử dụng công cụ này cho giáo viên và học sinh;
Xây dựng giáo viên ảo để hỗ trợ giáo viên thật, mở ra cơ hội cho học sinh trên cả nước được học với thầy cô giỏi nhất;
Thay đổi cách đánh giá năng lực của giáo viên và học sinh, bằng cách thiết lập thang đo năng lực sử dụng ChatGPT;
Thay đổi cách kiểm tra và đánh giá người học, cho phép sử dụng ChatGPT trong quá trình học tập và kiểm tra.
Sử dụng ChatGPT một cách thông minh và sáng tạo thì đó không chỉ là một công cụ mà còn là một "chiếc nỏ thần" có thể thay đổi cuộc sống và giáo dục của chúng ta.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.