“Học kiến trúc phải vẽ đẹp” là quan niệm truyền thống của rất nhiều người khi nghĩ về khối ngành kiến trúc. Muốn được học ngành Kiến trúc, thí sinh thường phải dành thời gian ôn luyện cho môn Mỹ thuật để tham gia các kỳ thi năng khiếu.
Tuy nhiên trong vài năm gần đây, một số trường đại học tuyển sinh ngành Kiến trúc không yêu cầu xét tuyển bằng kết quả môn Mỹ thuật. Thí sinh sau khi vào trường mới phải thi kiểm tra năng lực, nhập học sẽ được đào tạo và thực hành vẽ. Liệu tuyển sinh ngành Kiến trúc không thi môn Mỹ thuật liệu có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo?
Bỏ thi năng khiếu là “xu thế chung trên thế giới”?
Từ năm 2020, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh không còn tổ chức kỳ thi môn năng khiếu và cũng không lấy kết quả thi môn vẽ của trường khác để xét tuyển ngành Kiến trúc.
Thay vào đó, trường sẽ thực hiện xét điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngành Kiến trúc bằng 2 tổ hợp: A01 (Toán học, Vật lý, Tiếng Anh) và C01 (Toán học, Ngữ Văn, Vật lý).
Ngoài ra, ngành Kiến trúc còn dành chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức khác như: Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và xét điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Sinh viên vào trường sẽ được đào tạo kiến thức và kỹ năng vẽ trong 2 năm đầu với tổ hợp 3 môn gồm hình họa, ký họa cơ bản và ký họa nâng cao. Sau đó, các em phải trải qua kỳ thi để đảm bảo đủ kiến thức, kỹ năng học thiết kế chuyên ngành.
Không riêng Trường Đại học Bách Khoa, một số trường đại học cũng tuyển sinh ngành Kiến trúc bằng các tổ hợp mà không có môn Vẽ Mỹ thuật hay Hình họa Mỹ thuật.
Điển hình như Khoa kiến trúc và Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Duy Tân và ngành Kiến trúc của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng có các chuyên ngành tuyển sinh bằng tổ hợp không có môn Vẽ Mỹ thuật như A00 (Toán học, Vật lý, Hóa học), C01 (Toán học, Ngữ văn, Vật lý), D01 (Toán học, Ngữ văn, Tiếng Anh).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ, Kiến trúc sư Lương Xuân Hiếu, Trưởng khoa Kiến trúc và Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Duy Tân chia sẻ: “Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp A00 và D01 sẽ không cần phải tham gia kỳ thi năng khiếu. Điều này nhằm mở ra cơ hội cho những bạn thật sự đam mê với ngành Kiến trúc nhưng chưa có nền tảng mỹ thuật.
Các trường đại học hàng đầu trên thế giới về đào tạo Kiến trúc, như tại Mỹ, không có yêu cầu bắt buộc phần thi vẽ khi xét tuyển đầu vào. Vậy nên tôi thấy việc bỏ môn vẽ là hợp với xu hướng chung của thế giới”.
Đồng ý với quan điểm này, Thạc sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng Bộ môn Kiến trúc của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường đã tham khảo mô hình tuyển sinh ngành Kiến trúc của các đại học đối tác nước ngoài, cũng như các đại học hàng đầu về Kiến trúc trên thế giới.
Những trường này không tổ chức kỳ thi vẽ để tuyển sinh. Thay vào đó, họ yêu cầu thí sinh gửi hồ sơ năng lực (portfolio) thể hiện khả năng, năng khiếu của mình.
Hồ sơ năng lực cũng không phải là yếu tố quyết định việc thí sinh có được xét trúng tuyển vào trường hay không. Trên thực tế, tài liệu này chỉ mang tính chất tham khảo, giúp nhà trường chọn ra những thí sinh phù hợp, có lòng đam mê và nhiệt huyết với ngành.
Các đại học nước ngoài vẫn dựa trên năng lực học tập của thí sinh ở bậc trung học phổ thông để xét tuyển, tùy theo từng quốc gia, khu vực mà có quy định riêng, và hồ sơ năng lực được liệt kê sau cùng trong danh mục hồ sơ cần nộp.
Hơn nữa, việc không xét điểm đầu vào môn năng khiếu vẽ sẽ tạo cơ hội công bằng cho tất cả thí sinh vì môn học này không nằm trong chương trình trung học phổ thông 2006. Sau khi trúng tuyển, thí sinh sẽ được học vẽ, thực hành rèn luyện các kỹ năng trở thành kiến trúc sư trong suốt quá trình học tập.
Vẽ đẹp không phải yếu tố chính làm nên Kiến trúc sư giỏi
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Trọng Hải, Trưởng bộ môn Kiến trúc tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, không cần đặt ra vấn đề năng khiếu, bởi vì nhà trường sẽ dạy các bạn về tư duy kiến trúc, tư duy sáng tạo, ứng dụng thực nghiệm... khi học. Còn về năng khiếu, bạn sẽ được rèn luyện trong suốt quá trình học tại trường.
“Tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, chúng tôi chú trọng đến tư duy làm nghề, phương pháp giảng dạy ứng dụng thực nghiệm cho các bạn sinh viên để các bạn được trải nghiệm công việc Kiến trúc một cách chân thật nhất.
Đây mới là cốt lõi của giáo dục và đào tạo và là nơi tạo ra những “người sắt” thành công trên con đường trở thành Kiến trúc sư tạo ra những công trình vĩ đại trong tương lai” - thầy Hải bày tỏ.
Ngoài ra, ngành Kiến trúc không chỉ đòi hỏi người học phải có sự sáng tạo, tư duy logic mà còn cần phải có đam mê về nghệ thuật, quan sát tỉ mỉ, tìm tòi học hỏi những điều mới. Tiếp nữa cần có đầu óc nhanh nhạy, khả năng tính toán chính xác và tỉ mỉ để thể hiện được chính xác ý tưởng phù hợp với nhu cầu thực tế của khách hàng.
Do đó, một số ngành Kiến trúc có hình thức tuyển sinh bằng tổ hợp các môn tự nhiên vì cần các bạn có tư duy logic và nhạy bén, am hiểu những thông số kỹ thuật trong công trình xây dựng, sản phẩm thiết kế hay đơn giản là đo đạc và hiểu được chất liệu phù hợp.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các thiết bị và công cụ hỗ trợ thiết kế có tác động không nhỏ đến việc đào tạo và hành nghề thiết kế.
Trưởng Khoa kiến trúc và Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Duy Tân giải thích: “Trước đây đúng là nếu không vẽ tay tốt thì không thể thiết kế tốt được (vì bản vẽ dạng vật lý là chủ yếu), vậy nên việc yêu cầu môn vẽ là bắt buộc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều thiết bị và công cụ hỗ trợ cho người học và người thiết kế, sản phẩm thiết kế hầu hết là dạng kỹ thuật số, nên việc bắt buộc vẽ tay cũng như phải thi môn vẽ để xét đầu vào là không cần thiết và có thể có những tổ hợp tuyển sinh không có môn vẽ.
Mặt khác, trong chương trình đào tạo của các trường, trong đó có Trường Đại học Duy Tân, sinh viên sẽ được đào tạo từ phần cơ bản đến nâng cao kiến thức Mỹ thuật, vậy nên người học vẫn được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để có thể học tốt".