Liên quan đến việc tính tiền thừa giờ cho giáo viên ở Bình Thuận trong năm học 2019-2020, chúng tôi đã có bài viết “Giáo viên Phan Thiết phản ánh dạy thừa giờ nhưng không được thanh toán” đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày 30/6.
Bài viết đã đăng tải nội dung đơn cứu xét của nhiều thầy cô giáo tiểu học tại thành phố Phan Thiết do trong năm học vừa qua đã dạy tăng tiết khá nhiều nhưng không được thanh toán tiền làm thêm giờ.
Nhà trường nói đó là chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo Phan Thiết (chỉ đạo miệng trong một cuộc họp), nhưng không đưa ra văn bản. Lý do giáo viên không được tính tiền thừa giờ khi cho rằng thầy cô phải dạy đủ 35 tuần thực học cùng với 805 tiết mới đủ tiêu chuẩn.
Công văn 427 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Phan Thiết chỉ đạo về việc quy đổi tiết dạy trong thời gian học sinh nghỉ dịch bệnh Covid-19 (Ảnh tác giả) |
Năm học này, do dịch Covid-19, học sinh nghỉ học quá nhiều nên thầy cô chỉ dạy 28 tuần tương đương 644 tiết là thiếu so với tiết quy định chuẩn nên không được tính tiền dạy thừa giờ theo quy định.
Giáo viên bức xúc
Những thầy cô giáo có chức danh kiêm nhiệm như chủ nhiệm, tổ trưởng, công đoàn, thư ký, thanh tra, tổng phụ trách, văn thể -lao động…được miễn giảm mỗi tuần từ 2-4 tiết nhưng đã không được nghỉ chế độ như quy định mà vẫn phải dạy bình thường.
Có người đã dư khoảng vài chục tiết nhưng cũng có giáo viên dư đến hơn trăm tiết. Nay nói là các tiết tăng giờ ấy sẽ không được tính là tiền thừa giờ để bù vào 7 tuần nghỉ dạy Covid-19.
Như thế là không công bằng đối với các thầy cô vì trong thực tế 7 tuần học sinh nghỉ nhưng nhà giáo vẫn phải làm khá nhiều việc cho trường, cho học sinh.
Chống dịch Covid-19, nhà giáo vẫn làm việc
Dịch Covid-19, học sinh đã không đến trường tổng cộng 7 tuần. Thế nhưng trong 7 tuần đó, giáo viên vẫn không ngừng làm việc.
Một giáo viên ở phường Phú Trinh (xin được giấu tên) cho biết:
“Học sinh nghỉ dịch nhưng chúng tôi thường xuyên lên trường dọn dẹp vệ sinh như lau dọn bàn ghế, quét sân trường, trực trường, trực việc bơm thuốc.
Cứ sau mỗi lần bơm thuốc sát khuẩn trường lớp, giáo viên lại tiếp tục lau chùi bàn ghế, đồ dùng đồ chơi học tập của các em.
Khi dịch Covd-19 bùng phát, học sinh phải nghỉ học dài ngày, chúng tôi phải ra bài tập gửi vào nhóm phụ huynh của lớp để cho các em làm bài.
Hàng ngày còn phải trực để nhận bài, chấm, sửa và phê cụ thể để gửi trả lại cho từng phụ huynh hướng dẫn lại cho con.
Một số giáo viên khác làm video giảng bài để học sinh xem cho dễ hiểu. Nhóm khác lại phô tô đề ôn tập gửi tận tay cho phụ huynh…
Hàng đêm, thầy cô còn liên hệ với phụ huynh trong lớp để tìm hiểu và giải đáp những nội dung kiến thức mà học sinh hoặc phụ huynh còn vướng mắc.
Nói chung, học sinh nghỉ học nhưng không ngừng học và đồng nghĩa với giáo viên vẫn phải làm việc dưới nhiều hình thức để giúp các em tiếp thu bài.
Phòng Giáo dục và Đào tạo Phan Thiết nói gì?
Trả lời vấn đề tính tiền thừa giờ cho giáo viên trên địa bàn thành phố Phan Thiết, ông Thân Trọng Lê Hà – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết:
Về vấn đề chỉ đạo quy đổi tiết dạy cho giáo viên trong thời gian chống dịch Covid-19 cũng như thực hiện Công văn 829 của Sở Giáo dục và Đào tạo, ngay sau khi nhận được công văn của Sở, Phòng Giáo dục & Đào tạo đã ban hành Công văn 427 gửi đến hiệu trưởng các trường triển khai thực hiện.
Ông Hà cho biết thêm: “Khi nhận được công văn của Sở, chúng tôi triển khai ngay đến các trường. Đề nghị hiệu trưởng các trường hướng dẫn giáo viên, nếu có tham gia giảng dạy trong thời gian này thì liệt kê để hưởng chế độ, nhưng phải có cơ sở chứng minh”. [1]
Công văn 427 của Giáo dục thành phố Phan Thiết gửi về trường có nội dung gì?
Công văn 427 hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc, nghỉ hè đối với giáo viên trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 của Phòng Giáo dục thành phố Phan Thiết nêu rõ:
Chế độ làm việc của giáo viên cùng với các chế độ chính sách khác liên quan (kiêm nhiệm, thừa giờ…) vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, trong học kỳ 2 năm hoặc 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục cho học sinh học tại nhà (tạm dừng đến trường, không dừng học).
Qua đó, giáo viên thực hiện các công việc như dạy học, giáo dục trẻ em/học sinh; kiểm tra đánh giá học sinh…thông qua các công cụ trực tuyến: qua internet, trên truyền hình.
Do đó, khi xác định chế độ làm việc của giáo viên, các trường cần lưu ý:
Căn cứ vào tình hình thực tế việc tổ chức dạy học, giáo dục của nhà trường và các hoạt động cụ thể của giáo viên, hiệu trưởng trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó, xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả các tiết quy đổi).
Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học hoặc địa phương thì hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc để tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp đối với giáo viên đó hoặc tính toán quy đổi cho cả những người cùng tham gia đảm bảo đúng người, đúng việc.
Trách nhiệm thuộc về nhà trường
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với hiệu trưởng một trường tiểu học tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, vị hiệu trưởng này vẫn cho rằng giáo viên dạy không đủ 35 tuần theo quy định và không được nhận tăng giờ là đúng.
Hiệu trưởng còn khẳng định: “Chúng tôi làm có căn cứ và không làm sai. Nhà trường cũng có đấu tranh giành quyền lợi cho giáo viên của mình, cũng ghi nhận công sức của thầy cô nhưng phải thực hiện chỉ đạo từ trên xuống dưới”.
Nhà trường đổ trách nhiệm do sự chỉ đạo của cấp trên. Thế nhưng, theo tinh thần chỉ đạo của Công văn 829 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận và Công văn 427 của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phan Thiết nhiều trường tiểu học nơi đây đã thực hiện không đúng mới dẫn đến những thiệt thòi cho các thầy cô.
Cả 2 công văn chỉ đạo của cấp trên đều nêu rất rõ việc quy đổi tiết dạy trong thời gian nghỉ dịch.
Cụ thể: “Căn cứ vào tình hình thực tế việc tổ chức dạy học, giáo dục của nhà trường và các hoạt động cụ thể của giáo viên, hiệu trưởng trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó, xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả các tiết quy đổi)…”.
Nhiều giáo viên ở Phan Thiết thông tin cho chúng tôi biết nhà trường hoàn toàn chưa thực hiện việc quy đổi tiết dạy theo chỉ đạo của các công văn này.
Có giáo viên tại Phú Trinh còn khẳng định: “Thật sự đến bây giờ, chúng tôi mới nghe có Công văn 427 của Phòng Giáo dục gửi về chứ ở trường không thấy phổ biến gì cả”.
Câu hỏi được đặt ra: “Tại sao khi nhận được công văn chỉ đạo quy đổi tiết dạy cho giáo viên từ phòng giáo dục gửi về, các trường học nơi đây lại không họp để thực hiện việc quy đổi theo hướng dẫn?
Vì không thực hiện việc quy đổi, nhà trường đã phủ nhận công sức của các thầy cô trong suốt 7 tuần học sinh nghỉ dịch, phủ nhận việc dạy vượt chỉ tiêu trong 28 tuần thực dạy của giáo viên.
Điều này, không chỉ làm trái với công văn của ngành mà còn gây tổn hại khá lớn về kinh tế cho các thầy cô giáo nơi đây.
Chúng tôi đề nghị, các trường tiểu học cần phải tổ chức cuộc họp để tính toán thật chi tiết, công minh những việc giáo viên đã làm trong thời gian học sinh không đến trường để quy đổi ra tiết dạy. Từ đó, mới có cơ sở để tính tiền thừa giờ cho các thầy cô giáo.
Không thể để tình trạng dưới đổ trách nhiệm lên trên và cuối cùng người thiệt thòi vẫn chính là các nhà giáo.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phan Thiết cũng cần có ý kiến chỉ đạo, giám sát việc này để đem lại sự công bằng cho giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/co-phai-nam-hoc-2019-2020-giao-vien-day-khong-thua-tiet-129056.html