Chợ sáng kiến kinh nghiệm sẽ tự giải tán nếu ngành GD thực hiện giải pháp này

03/01/2022 06:38
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh quy định sáng kiến phải đáp ứng đầy đủ ba tiêu chí: có tính mới; đã được áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực.

Gõ cụm từ “sáng kiến kinh nghiệm” Google cho ra khoảng 119 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,39 giây. Như thế để thấy rằng, sáng kiến kinh nghiệm (nay gọi là sáng kiến) thu hút đông đảo sự quan tâm của nhiều người, trong đó đa phần là giáo viên.

Trên diễn đàn của Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh mặt trái của sáng kiến đó là nạn sao chép, xin cho, mua bán tràn lan. Thế nhưng, nếu yêu cầu sáng kiến được thực hiện đúng như quy định của Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nghĩ những sáng kiến gian dối sẽ hết đất sống.

Tính mới và khả năng mang lại lợi ích thiết thực của sáng kiến

Ngày 3/12/2021,Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 3463/SGDĐT-VP gửi các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn xét công nhận sáng kiến và đề xuất công nhận phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài khoa học phục vụ công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục và đào tạo.

Theo đó, sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp công tác, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ ba tiêu chí: có tính mới; đã được áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực.

Ảnh minh họa, tác giả cung cấp.
Ảnh minh họa, tác giả cung cấp.

Một giải pháp được coi là có tính mới nếu tính đến trước ngày đăng ký xét công nhận sáng kiến (đầu năm học), hoặc ngày bắt đầu áp dụng thử hoặc áp dụng lần đầu (tính theo ngày nào sớm hơn), đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Không trùng nội dung của giải pháp trong đăng ký sáng kiến nộp trước;

- Chưa công khai trong các văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được;

- Không trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, hoặc đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, phổ biến;

- Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.

Một giải pháp được coi là có khả năng mang lại lợi ích thiết thực nếu việc áp dụng giải pháp đó có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế hoặc lợi ích xã hội.

Đáng chú ý, nội dung xét, đánh giá phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến quy định rõ, các sáng kiến sao chép của tác giả khác không được xem xét đánh giá, công nhận phạm vi ảnh hưởng.

Sáng kiến đã được đánh giá, công nhận phạm vi ảnh hưởng nhưng bị phát hiện có sự sao chép nội dung hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác thì Hội đồng sẽ quyết định hủy bỏ kết quả đã đánh giá.

Vẫn còn nạn mua bán sáng kiến tràn lan

Nghe đồng nghiệp xôn xao bàn tán việc mua bán sáng kiến trên mạng, tôi quyết tìm hiểu xem thực hư thế nào. Tôi tìm đến một Fanpage của hội giáo viên dạy Ngữ văn có hàng trăm ngàn thành viên. Chỉ sau một vài cái nhấp chuột, đập vào mắt tôi là dòng quảng cáo của một tài khoản rao bán sáng kiến.

Tôi vờ chọn mua một đề tài về dạy học trực tuyến, hỏi giá cả cũng như hình thức thanh toán thì người bán cho biết, các đề tài đồng giá 300 ngàn đồng kèm một số tài liệu tham khảo. Người mua chuyển khoản thanh toán phí, người bán sẽ gửi qua email.

“Đề tài này đã đạt giải cấp tỉnh năm trước. Em chỉ bán cho mỗi tỉnh một giáo viên nên không phải lo lắng gì cả”, người bán trấn an.

Vì sao nhiều giáo viên đua nhau mua sáng kiến? Điểm b Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng yêu cầu danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”:

“Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận”.

Bên cạnh đó, sáng kiến được chấm đạt theo quy định thì giáo viên sẽ được công nhận các danh hiệu như Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được khen thưởng theo mức lương cơ sở, được xét nâng lương trước thời thời hạn.

Ngoài ra, còn có giáo viên sử dụng những danh hiệu này để liệt kê thành tích trong hồ sơ quy hoạch cán bộ nguồn những mong có thêm cơ hội được bổ nhiệm chức vụ quản lí (hiệu trưởng, hiệu phó).

Nhìn chung, giáo viên tìm mua sáng kiến là mất nhiều hơn được. Bởi dùng tiền mua sáng kiến là không khó nhưng nếu bị hội đồng phát hiện thì giáo viên sẽ mất hết danh dự với đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh. Báo chí đã từng phản ánh giáo viên bị nêu tên vì có sáng kiến thuộc diện “sao chép và đạo văn”.

Điều đáng nói là, khi giáo viên tiếp tay cho sự gian dối thì cũng khó mà dạy ai bởi đó là hành vi không thể tồn tại ở môi trường giáo dục. Thầy cô hãy vì chính mình, học sinh và ngành giáo dục, hãy dừng ngay việc xin, mua sáng kiến.

Tài liệu tham khảo:

https://hcm.edu.vn/van-ban/ve-huong-dan-xet-cong-nhan-sang-kien-va-de-xuat-cong-nhan-pham-vi-anh-huong-cua/vbctmb/39776/67668?

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-91-2017-ND-CP-huong-dan-Luat-thi-dua-khen-thuong-315685.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Ánh Dương