Chờ sửa đồng bộ các luật để thông thoáng tự chủ đại học thì mất hàng chục năm!

05/06/2020 06:20
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Vũ Văn Hiền thừa nhận, hiện nay đúng là còn nhiều luật chưa sửa kịp theo tinh thần tự chủ đại học; nên các trường khi thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Tự chủ đại học là bản chất tất yếu của hệ thống giáo dục đại học đã trưởng thành. Chỉ có những nước có nền giáo dục đại học/cơ sở giáo dục đại học non trẻ, hoặc còn yếu mới phải và cần có sự bao cấp, hoặc cần “bà đỡ” là nhà nước để phát triển.

Hệ thống đại học của rất nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tiếp tục mở rộng quyền tự chủ cho đại học; một số nước mới đây còn bao cấp, nay cũng bắt đầu buộc giới đại học phải tự chủ.

Nước ta trong thời gian qua cũng đã tiến hành áp dụng thí điểm cơ chế tự chủ ở một số trường.

Tuy nhiên, tính đến nay, chuyện bao trùm nhất, khó nhất đối với việc triển khai chủ trương tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, tự chủ đại học công lập nói riêng theo Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW là vấn đề pháp chế hóa chủ trương này cho kịp thời.

Hiện mới chỉ có 2 luật được sửa theo đúng tinh thần tự chủ của Nghị quyết, đó là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học 2012 (Luật số 34/2018) và Luật viên chức.

Còn các luật khác chi phối hoạt động kế toán, quản lý tài chính, tài sản, đầu tư từ nguồn tiền tự thu-tự chi (ngoài Ngân sách nhà nước), qui định về vai trò của Tổ chức Đảng trong đơn vị tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên....thì chưa sửa kịp theo chỉ đạo của các Nghị quyết 29 và 19.

Trước vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cho rằng:

"Quá trình tự chủ về mặt nguyên lý, mục tiêu, mục đích là giao toàn quyền quyết định mọi hoạt động của trường đại học cho chính các trường; thế giới đều làm như vậy; không có trường đại học lớn nào trên thế giới lại chịu sự chỉ huy của bộ, ngành nào cả".

Ví như Đại học quốc gia Nhật Bản hoàn toàn độc lập với Chính phủ Nhật Bản từ lâu.

Do đó, để đảm bảo tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo chủ trương của Đảng, luật và nghị định được thực hiện nghiêm túc, thì phải tách dần trường đại học tự chủ khỏi sự quản lý của các bộ, ngành, cơ quan chủ quản. Đây là nội dung hoàn toàn đúng đắn.

Giáo sư Vũ Văn Hiền - Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (Ảnh: Hội nhà báo Việt Nam)

Giáo sư Vũ Văn Hiền - Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (Ảnh: Hội nhà báo Việt Nam)

Tuy nhiên, Giáo sư Vũ Văn Hiền thừa nhận, hiện nay đúng là còn nhiều luật chưa sửa kịp theo tinh thần tự chủ đại học; nên các trường khi thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bởi lẽ, các trường có nguyện vọng muốn đẩy nhanh tự chủ hoàn toàn để tập trung giải phóng năng lực, sự chủ động sáng tạo, dám làm điều mới để đột phá, nhằm thúc đẩy trường đổi mới;

Tạo điều kiện phát triển năng lực giảng viên và sinh viên; hoạt động hướng về hiệu quả và phát triển bền vững mọi mặt.

Nhưng thực tế là, một số bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội đang quản lý các trường này thì không phải người lãnh đạo nào cũng chấp hành, ủng hộ chủ trương của Đảng.

Có lãnh đạo thì ủng hộ nên làm cho quá trình tự chủ của nhà trường được đẩy nhanh. Nhưng không phải trường nào cũng may mắn như vậy.

Bởi có lãnh đạo thì chần chừ, nuối tiếc; chưa muốn buông quyền lực thế nên mới có chuyện dựa vào những luật chưa sửa kịp để làm khó, gây cản trở quá trình tự chủ; khiến người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học rất mệt mỏi.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Việt Nam, chỉ nguyên Luật số 34/2018 là đã đủ cơ sở để giải quyết khá trọn vẹn các vấn đề về tự chủ; có thể còn vướng mắc ở luật này luật kia, nhưng nếu trường quyết tâm cao và cơ quan chủ quản chấp hành nghị quyết, thì vẫn làm được, thậm chí làm một cách rất hiệu quả.

Giáo sư Hiền cũng nhấn mạnh rằng, trường đại học thì phải ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, tức Luật số 34/2018; và khi có sự mâu thuẫn giữa Luật số 34 với các luật khác trong cùng nội dung, thì trường đại học vẫn có quyền ưu tiên theo Luật số 34.

Bởi lẽ, với trường đại học thì Luật giáo dục đại học phải là gốc, còn các luật khác nhằm phục vụ tháo gỡ những vấn đề nảy sinh, những vấn đề ngọn. Ngọn không được trái với gốc.

Không nên quan niệm thiếu các luật khác thì không thực hiện được tự chủ. Nếu cứ chờ sửa đồng bộ các luật thì sẽ mất hàng chục năm.

Trong khi tự chủ giúp ích cho xã hội rất nhiều, chính vì vậy trường đại học, cơ quan chủ quản phải thấy rõ điều này và cả 2 chủ thể không nên chần chừ”. Giáo sư Vũ Văn Hiền nói.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Việt Nam cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện tự chủ đại học thì ngoài cơ quan chủ quản, vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan trọng; bởi Bộ này chính là trọng tài giữa cơ sở giáo dục và cơ quan chủ quản.

Thậm chí, Bộ cần có một lãnh đạo trực tiếp phụ trách, đôn đốc việc thực hiện chủ trương tự chủ của Đảng và Nhà nước.

Để khi có những vấn đề nảy sinh, không đồng thuận giữa hội đồng trường và cơ quan chủ quản, Bộ phải dựa vào Luật, nghị định và chủ trương, tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW, 19-NQ/TW để phân xử theo hướng bảo đảm chủ trương mở rộng quyền tự chủ phải được chấp hành.

Thùy Linh