Tự chủ đại học giúp củng cố chất lượng đào tạo bậc tiến sĩ như thế nào?

03/06/2020 08:41
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Giáo sư Lê Vinh Danh: "Thày giỏi thì trò phải giỏi! Thày đã nghiên cứu tốt, thì trò sẽ và phải nghiên cứu tốt!".

LTS: Để tiếp tục thúc đẩy chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ và Nghị định hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Trước vấn đề này, phóng viên Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ngôi trường đang tiên phong về tự chủ.

Phóng viên: Theo ông, cơ chế tự chủ đại học có vai trò như thế nào trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ?

Giáo sư Lê Vinh Danh: Tự chủ đại học là điều cơ bản nhất để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

Quá trình thực hiện tự chủ từ từng bước đến gần như toàn bộ của từng cơ sở trong 23 cơ sở giáo dục đại học nhóm đầu tiên và sự liên đới của nó đến việc liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục bậc đại học và sau đại học là thí dụ rất rõ ràng. Tìm hiểu chúng ta sẽ thấy.

Tự chủ giúp cho cơ sở giáo dục đại học có quyền tự quyết khá lớn về chuyên môn (như về chương trình, cách thực hiện chương trình, về hợp tác quốc tế trong tổ chức đào tạo nghiên cứu sinh, về tổ chức hội thảo, hợp tác nghiên cứu để phục vụ đào tạo...).

Giáo sư Lê Vinh Danh giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân những nét chính về quá trình hình thành, phát triển và mục tiêu trở thành đại học tinh hoa của Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Giáo sư Lê Vinh Danh giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân những nét chính về quá trình hình thành, phát triển và mục tiêu trở thành đại học tinh hoa của Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Kể cả quyền tự quyết về tài chính, mức thu nhập để thu hút chuyên gia giỏi, chuyên gia cao cấp của nước ngoài làm nhân sự cơ hữu thực hiện hoạt động đào tạo nghiên cứu sinh;

Trang bị phòng thí nghiệm hiện đại theo nhu cầu; và quyền tự quyết về nhân sự khi tuyển dụng nhân sự là giáo sư, tiến sĩ nước ngoài...;.

Dễ thấy rằng một khi không có tự chủ, những việc này hầu như không thể làm được.

Ngay cả với một việc nhỏ nhất, dễ nhất là thành lập “Nhóm nghiên cứu” mà không có tự chủ thì cũng chẳng làm được.

Bởi nhóm nghiên cứu đòi hỏi một số cơ chế làm việc riêng, không bị câu thúc bởi giờ giấc; coi trọng sáng tạo có kỷ luật, nhưng tùy cảm hứng; có sự đãi ngộ cần thiết và đúng mức; cũng như có đủ phương tiện làm việc, hợp tác với nước ngoài;

Dễ dàng được ủng hộ và tài trợ đi nước ngoài từ vài ngày đến vài tháng, thậm chí cả năm để thực hiện các nghiên cứu của mình.

Một môi trường đại học bao cấp hầu như không thực hiện được những việc này bởi các chính sách về quản lý nhân sự cơ hữu, việc giao giờ chuẩn, yêu cầu giờ làm việc theo khung chung;

Chế độ tiền lương cứng...đều phải theo chuẩn của đơn vị cấp ngân sách do sự ràng buộc bởi các qui định về sử dụng tiền thuế của dân.

Đó là lý do vì sao gần đây nhiều đại học mới đề cập đến “Nhóm nghiên cứu”.

Nó đã có sớm nhất, lâu nhất và có kinh nghiệm tốt nhất từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng; mà trường này thì tự chủ từ khi thành lập (1997) cho đến khi xây dựng nhóm nghiên cứu đầu tiên năm 2009.

Với cơ chế không sử dụng ngân sách nhà nước; mọi việc từ chi tiêu, đến chế độ, chính sách đều do hội đồng trường/hội đồng quản trị quyết định thông qua qui chế chi tiêu nội bộ;

Trường này mới có điều kiện để đưa ra mô hình nhóm nghiên cứu mà mãi đến 5 năm vừa qua mới trở thành khái niệm được lần lượt sử dụng ở các đại học/trường khác.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta phải tiến tới “làm tiến sĩ” thay vì “học tiến sĩ”, ông nghĩ sao về quan điểm này?

Giáo sư Lê Vinh Danh: Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam (nhìn từ phía nhà trường) đã và đang được xã hội rất quan tâm, bởi lẽ bậc nghiên cứu sinh tiến sĩ là bậc học với học vị cao nhất trong thang học thuật.

Người có học vị tiến sĩ là người có am hiểu sâu và rộng trong chuyên ngành.

Tiến sĩ cũng là người biết rõ và đủ năng lực để độc lập nghiên cứu (khi cần thiết) và công bố công trình của mình ra cộng đồng học thuật thế giới mà không phụ thuộc vào người khác.

Do đó, chất lượng của các tiến sĩ khi học và khi ra trường ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của một nước thông qua việc có hay không có chuyện họ có thể thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu để phục vụ cho quá trình chuyển giao tri thức vào giáo dục và vào thực tiễn cuộc sống hay không?!.

Chất lượng đào tạo tiến sĩ cũng thể hiện đẳng cấp về kinh tế tri thức của quốc gia. Khi mà tầng lớp tinh hoa học thuật (elite) của một quốc gia mà thực sự là tinh hoa; họ hoàn toàn làm chủ được công nghệ mới, tri thức mới, nhận thức mới.

Quốc gia và nền kinh tế có lực lượng này chắc chắn sẽ có từng ngành, đến nhiều ngành lần lượt đi tiên phong trong khu vực và thế giới. Điều ngược lại cũng hoàn toàn đúng.

Có người cho rằng cần thay đổi khái niệm “học tiến sĩ” thành “làm tiến sĩ”. Điều này cũng có lý do của nó.

Chúng tôi nghĩ là đứng về phía nhà trường, hoạt động này vẫn đúng là “đào tạo tiến sĩ”.

Đứng về phía nghiên cứu sinh, thì nghiên cứu sinh tức là “tập làm nghiên cứu”; đó là lý do bảo là “làm tiến sĩ” cũng được.

Nhưng thực ra quá trình mà nghiên cứu sinh “tập sự nghiên cứu” hay “làm tiến sĩ” thì cũng vẫn chỉ là quá trình học để trở thành một nhà nghiên cứu.

Nhiều tiến sĩ còn yếu về nghiên cứu phải tìm kiếm tài trợ để tiếp tục tập sự nghiên cứu trong giai đoạn gọi là “nghiên cứu sau tiến sĩ”.

Vì thế, làm nghiên cứu sinh hay làm nghiên cứu sau tiến sĩ vẫn còn là quá trình học.

Trong thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam bị dư luận, người nắm được thông tin... phàn nàn rất nhiều về chất lượng, theo ông phải làm sao khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?

Giáo sư Lê Vinh Danh: Nguyên nhân của vấn đề này là chúng ta đã từng muốn trường đại học/đại học nào cũng được quyền đào tạo tiến sĩ với chất lượng “quốc gia”, tức đồng đều như nhau.

Dễ thấy rằng việc này có 2 nghịch lý.

Thứ nhất, không thể có chuyện mọi cơ sở đại học đều có nhân sự, môi trường học thuật, năng lực nghiên cứu,

Phòng thí nghiệm, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chế độ tài trợ và hệ thống kiểm soát chất lượng như nhau để mà đào tạo ra tiến sĩ với một chuẩn đầu ra gần giống nhau.

Thứ hai, không phải đại học nào cũng có mức độ, kinh nghiệm tự chủ như nhau để có thể làm việc đó. Trong khi mức độ tự chủ là thước đo năng lực quản trị và bảo đảm chất lượng.

Nước ngoài họ không giống ta. Chỉ có các đại học nặng về nghiên cứu (những đại học trong TOP 10-1000, với ít nhất mỗi năm công bố không dưới 100 công trình trên ISI liên tục trong 5 năm gần nhất;

Và công trình phải có chất lượng trích dẫn, chất lượng học thuật cao...), và một hệ thống bảo đảm chất lượng tốt mới được/hoặc tự mình quyết định đào tạo tiến sĩ.

Bởi những đại học không có điều kiện này, không ai cho làm hoặc không ai dám làm; khi mà mọi thứ liên quan đến nghiên cứu chuyên sâu đều thiếu. Tự làm cũng không có người học!.

Vì thế, các đại học khoa học ứng dụng, đại học nghề nghiệp...đều không có bậc tiến sĩ. Trường Đại học Saxion của Hà Lan, Trường Đại học Bắc Đan Mạch và nhiều đại học như thế ở Âu-Mỹ, Đài Loan... dù khá nổi tiếng, vẫn không có bậc tiến sĩ.

Do đó, việc xây dựng qui chế theo hướng khuyến khích các trường tự chủ được đào tạo tiến sĩ là đúng và nên làm; nhưng cần phải ràng buộc rằng chỉ những đại học đạt được chỉ số nhất định để có thể gọi là đang đi theo hướng nghiên cứu/hoặc đại học nghiên cứu;

Có hệ thống bảo đảm chất lượng tốt (thể hiện qua tỷ lệ người ra trường có việc làm và được đánh giá cao, năng lực và kinh nghiệm tự chủ) mới nên được tự chủ mở ngành mới, gia tăng qui mô, tự quyết định việc đào tạo và cam kết chất lượng...;. Lúc đó, việc bảo đảm chất lượng mới có thể.

Những trường còn lại nên khuyến khích đi về hướng ứng dụng, thực hành, nghề nghiệp; mà bậc đào tạo cao nhất chỉ nên là thạc sĩ thực hành. Làm quá với khả năng là tất yếu sinh ra “lỗi” và buông bỏ chất lượng; gây mang tiếng cả hệ thống.

Nhờ vào cơ chế tự chủ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có những đột phá mạnh mẽ và tiên phong trong việc nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Trường đến ngang tầm với các đại học lớn trên thế giới, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của trường?

Giáo sư Lê Vinh Danh: Ít nhất có 3 điểm tiêu biểu để có chất lượng ngang tầm gồm:

1) Nghiên cứu sinh muốn bảo vệ luận án tiến sĩ phải có công trình công bố trên các tạp chí ISI/Scopus uy tín của thế giới với tư cách tác giả chính (các ngành tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ tối thiểu 2 công trình, các ngành khoa học xã hội, nhân văn, kinh tế...tối thiểu 1 công trình).

Nội dung khoa học nào đã được thẩm định và đồng ý cho công bố bởi một tập thể những nhà khoa học khả kính, trung thực và cực giỏi chuyên môn ở các tạp chí ISI/Scopus lớn; thì khó mà có tình trạng nó là đạo văn để được qua cổng.

2) Nghiên cứu sinh tham gia làm việc với một nhóm nghiên cứu liên quan trực tiếp đến đề tài và thực chất là được nhóm nghiên cứu này đề xuất để Nhà trường cấp học bổng;

Và 3) toàn bộ 4 năm học, nghiên cứu sinh đều thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh với tài liệu tiếng Anh, giao tiếp tiếng Anh, người hướng dẫn không phân biệt quốc tịch, có thể được học và hướng dẫn online từ nước ngoài...(bất kể nghiên cứu sinh là người Việt hay nước ngoài).

Nhiều nhà khoa học danh tiếng thế giới tham gia hướng dẫn/đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thừa nhận chất lượng học tập tại đây không khác gì các đại học danh tiếng mà họ đang làm việc ở nước ngoài chính vì 3 điều này.

Dĩ nhiên là tiêu chuẩn tiếng Anh, đẳng cấp tốt nghiệp và bề dày công bố quốc tế ở bậc học dưới tiến sĩ là điều kiện chính để được công nhận đầu vào và/hoặc nhận học bổng.

Yêu cầu nghiên cứu sinh phải có đủ công trình đã được công bố trên các tạp chí ISI/Scopus thì mới đủ điều kiện ra hội đồng là minh chứng không bàn cãi cho chất lượng của học vị tiến sĩ ngang tầm với một số đại học danh tiếng của nước ngoài.

Yêu cầu này buộc người hướng dẫn chính ít nhất phải có gấp 3 số công trình như thế, và người hướng dẫn phụ phải có tối thiểu số công trình bằng như thế là cơ sở căn bản để bảo đảm chất lượng học nghiên cứu cho nghiên cứu sinh.

Thày giỏi thì trò phải giỏi! Thày đã nghiên cứu tốt, thì trò sẽ và phải nghiên cứu tốt!. Chuyện tiêu cực hầu hết sẽ được loại bỏ.

Việc có khá đầy đủ phòng thí nghiệm hiện đại, việc yêu cầu nghiên cứu sinh phải sang các lab thuộc các đại học nổi tiếng nước ngoài nghiên cứu thêm tối thiểu 1 học kỳ với các nghiên cứu sinh nước khác, với các đồng hướng dẫn tại nước đấy;

Phải có bài báo được báo cáo trong các hội thảo quốc tế với ít nhất 10 đại học đến từ tối thiểu 5 quốc gia...cũng là những điều kiện đủ để bảo đảm chất lượng.

Nếu không có tự chủ đại học thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã không thể có những cải cách này để mà đưa được chất lượng đào tạo tiến sĩ lên ngang tầm khu vực và một số đại học tiên tiến khác trên thế giới.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Lê Vinh Danh.

Thùy Linh