Chủ tịch Hội đồng trường nếu kiêm nhiệm dễ xảy ra "vừa đá bóng, vừa thổi còi"

03/08/2021 06:50
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ tịch Hội đồng trường từ ngoài trường thì khó có thể hiểu sâu sắc mọi ngõ ngách, bề dày văn hóa nhà trường. Trong khi đó, hiệu trưởng trên thực tế là 1 CEO.

Ngày nay, giáo dục đại học có nhiệm vụ giáo dục và đào tạo nhân lực trình độ cao cho các ngành kinh tế khác, và đồng thời các trường đại học còn là trung tâm của đổi mới và sáng tạo.

Kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục đại học phát triển cho thấy, tự chủ đại học là chìa khóa thành công, và đang trở thành xu hướng tất yếu trên qui mô toàn cầu.

Ở Việt Nam, trong thời gian qua, tự chủ đại học đã được coi là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Điều đó được thể hiện qua việc Đảng và Nhà nước đã ban hanh hàng loạt chủ trương chính sách cũng như văn bản pháp quy để biến tự chủ đại học thành hiện thức giúp nền giáo dục đại học đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ chỗ cả hệ thống giáo dục đại học như một trường đại học lớn do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp "cầm tay chỉ việc", đến nay các trường đại học đã được trao quyền tự chủ ở các mức độ khác nhau.

Dù ở nước nào và theo mô hình nào thì Hội đồng trường đều mang đặc trưng của một hội đồng quản trị có thẩm quyền cao nhất trong một trường đại học, đại diện cho chủ sở hữu của nhà trường và các các nhóm lợi ích có liên quan.

Đối với các trường đại học công lập thì đó chính là chủ sở hữu cộng đồng, vì ở đó có đại diện của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chính quyền sở tại, công đoàn, giảng viên - viên chức và người lao động, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, doanh nghiệp.

Thời gian gần đây có một số ý kiến cho rằng, để thu hút cán bộ có uy tín, chất lượng ngoài trường vào Hội đồng trường thì Chủ tịch Hội đồng trường không nên là cán bộ cơ hữu.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Văn Long – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, Điều 16, Luật Giáo dục đại học 2018 đã nêu rất rõ:

“Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”, do đó muốn quản trị nhà trường hiệu quả thì phải am hiểu gốc rễ, tường tận về quá khứ, hiện tại, tương lai và thế mạnh, nếu Chủ tịch Hội đồng trường không phải là cán bộ cơ hữu thì làm sao nắm được những điều gốc rễ của nhà trường?

Phó giáo sư Nguyễn Văn Long – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải

Phó giáo sư Nguyễn Văn Long – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải

Hơn nữa, khi là cán bộ cơ hữu tức là họ đang làm cho chính mình nên sẽ toàn tâm toàn ý. “Rõ ràng trách nhiệm và sự cống hiến sẽ hơn hẳn người ngoài trường”, Phó giáo sư Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Đào Minh Phúc – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng cho rằng, để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng trường như quy định tại Luật số 34/2018 và Nghị định 99 cũng như Nghị quyết 19 thì bắt buộc Chủ tịch Hội đồng trường phải là cơ hữu.

Phó giáo sư Đào Minh Phúc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng

Phó giáo sư Đào Minh Phúc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng

"Nếu người ngoài trường vào giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường theo cơ chế kiêm nhiệm thì không hiệu quả, dẫm chân lên nhau, dễ xảy ra tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi", thầy Phúc lý giải.

Cùng quan điểm, Giáo sư Trần Đức Viên – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, thường thì, Chủ tịch Hội đồng trường nên là cán bộ cơ hữu còn Hiệu trưởng thì không nhất thiết.

Bởi lẽ Chủ tịch Hội đồng trường từ ngoài trường thì khó có thể hiểu sâu sắc mọi ngõ ngách, bề dày văn hóa của nhà trường. Trong khi đó, hiệu trưởng trên thực tế là giám đốc điều hành (CEO - Chief Executive Officer) của nhà trường, do Hội đồng trường bầu chọn hay tuyển dụng, bổ nhiệm và bãi nhiệm nên nếu tìm được ngoài giỏi thì nên mời về làm Hiệu trưởng.

Giáo sư Trần Đức Viên (ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Trần Đức Viên (ảnh: Thùy Linh)

Vậy có nên quy định mức trần học phí hay không thì quan điểm của Giáo sư Trần Đức Viên cho rằng, đối với đại học công lập tự chủ thì không nên khống chế học phí bởi vì tiền nào của đó, muốn học trong một ngôi trường cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện khang trang, hiện đại mà chỉ đóng học phí thấp là điều không thể.

“Nếu đại học công lập (chưa tự chủ) thì mới khống chế mức trần chứ khi trường đã tự chủ thì nhà trường tự cân đối dựa theo thị trường điều tiết. Còn đối với những ngành mà nhà nước đặt hàng ở các trường tự chủ thì bản thân nhà nước phải chi trả kinh phí”, thầy Viên nhấn mạnh.

Bởi theo Giáo sư Trần Đức Viên, muốn chất lượng cao thì học phí phải do thị trường điều tiết, ví dụ sinh viên thực tập mà chỉ nhìn người ta làm thì chi phí thấp nhưng nếu muốn tự hàn thì rõ ràng phải trả tiền cái que hàn đó.

Trong khi đó, Phó giáo sư Nguyễn Văn Long cho rằng: “Tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình. Khi thu học phí là A đồng/ năm học, trường phải giải trình về chi khoản A đồng đó trong hoạt động của mình trước xã hội, vì vậy mức trần học phí là không nên quy định”.

Khoản 4, Điều 16, Luật Giáo dục đại học 2018 quy định:

4. Tiêu chuẩn, việc bầu chủ tịch hội đồng trường và trách nhiệm, quyền hạn của chủ tịch hội đồng trường của trường đại học công lập được quy định như sau:

a) Chủ tịch hội đồng trường là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín, có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng trường theo quy định của pháp luật;

b) Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín và được cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận; trường hợp thành viên ngoài trường đại học trúng cử chủ tịch hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường đại học; chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường đại học;

c) Chủ tịch hội đồng trường có trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp của hội đồng trường; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường; sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của trường đại học để hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường; thực hiện nhiệm vụ của thành viên hội đồng trường, nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;

d) Chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Thùy Linh