Sau khi tìm hiểu Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được băn khoăn của một giáo viên dạy bậc trung học cơ sở, tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy đúng chuyên ngành như sau:
"Tôi vào nghề năm 2008. Năm 2019 tôi được trường cử đi học lớp chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng I do Đại học Vinh dạy. Đã hoàn thành lớp học và được cấp chứng chỉ.
Do không có đợt thi thăng hạng nên tôi vẫn được tạm xếp vào giáo viên trung học cơ sở hạng II. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 03/2021. Vậy tôi có thể được sử dụng chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng I để xét thay chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng II được không?"
Đem câu hỏi của giáo viên này gửi tới Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ giáo dục và Đào tạo) thì phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam được biết:
Luật Viên chức 2010 quy định “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó” (điểm b khoản 1 Điều 31). Theo đó, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở là một trong những tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở ở hạng tương ứng.
Ảnh minh họa: Lã Tiến |
Cũng như công chức muốn nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp đều phải qua các lớp bồi dưỡng và phải có chứng chỉ thì mới đủ điều kiện dự thi hoặc xét nâng ngạch.
Trước đó, viên chức đã bổ nhiệm vào ngạch giáo viên trung học cơ sở (theo quy định tại Quyết định số 202/TCCP-VC và Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).
Khi chuyển từ ngạch giáo viên sang chức danh nghề nghiệp giáo viên, giáo viên phải bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên được bổ nhiệm, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở và cho đến thời điểm này (khi có Thông tư mới thay thế), giáo viên đã có hơn 5 năm để hoàn thiện các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm (nếu còn thiếu).
Để được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT (thay thế Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV), giáo viên phải đạt các tiêu chuẩn của hạng bao gồm cả tiêu chuẩn về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở của hạng tương ứng.
Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên giúp cung cấp, cập nhật kiến thức và các kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo từng hạng.
Do đó, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng cao hơn không có giá trị thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng thấp hơn.
Tuy nhiên, các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I và hạng II quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV được công nhận là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT (khoản 3 Điều 10).
Vì vậy, các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I và hạng II mà thầy/cô đã có sẽ được sử dụng để thầy/cô thăng hạng chức danh nghề nghiệp sau này.
Đến ngày 20/3/2021 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT mới có hiệu lực thi hành và việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học cơ sở thuộc thẩm quyền của địa phương. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương sẽ thực hiện việc này theo đúng quy định. Căn cứ vào kết quả bổ nhiệm, các thầy/cô nếu còn băn khoăn thì sẽ hỏi trực tiếp cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm để được xem xét, giải đáp.