LTS: Phản ánh tình trạng học và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho các thầy cô giáo tại nơi mình đang sinh sống, tác giả Thảo Ly đã có bài viết chia sẻ thẳng thắn về vấn đề trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mặc dù, ngành giáo dục địa phương nơi tôi công tác, chưa có thông báo tất cả các giáo viên khi chuyển ngạch sang hạng chức danh nghề nghiệp phải có trình độ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong Công văn số 521/BGDĐT-NGCBQLCSGD ngày 03/02/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thế nhưng thông qua các kênh thông tin đại chúng và qua việc truyền tin miệng, giáo viên trong vùng đều nô nức đăng kí đi học rồi thi để lấy 2 chứng chỉ Tin học và Anh văn về …cất vào tủ.
Chứng chỉ ngoại ngữ (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Nói học và thi cho oai chứ chẳng học được buổi nào. Tới ghi danh, đóng tiền, lấy đề cương ôn tập (nhưng không ôn vì biết gì mà ôn) và vào thi, rồi nhận bằng.
Đề cương ôn tập là những bài tập được bật mí rằng sẽ có trong đề thi. Ví như phần vấn đáp sẽ có những câu hỏi như giới thiệu tên, tuổi, nghề nghiệp, gia đình có mấy người…phần viết là một đoạn hội thoại ngắn, một đoạn văn bản yêu cầu dịch sang tiếng Việt…cùng một số câu trắc nghiệm đúng, sai.
Giáo viên cũng bỏ công học thuộc mấy câu vấn đáp để có thể trả lời được vài ba câu hỏi về lý lịch thông thường (thế nhưng không ít người dù học cũng chẳng thể nhớ nổi), còn mấy cái văn bản thì phô tô rút gọn cầm trong tay mang vào phòng thi để chép.
Ngày ghi danh học và ngày thi họ sắp xếp cách nhau vài tuần chắc là để có khoảng thời gian hợp lý học và thi.
Ngày vào thi, giáo viên cũng trải qua hai vòng thi vấn đáp và viết như nhiều cuộc thi khác. Có điều khác rằng, khi nghe giám khảo hỏi nhưng thí sinh không trả lời được cũng sẽ được giám khảo cười trừ và ưu ái cho con điểm 5 rồi về chỗ.
Phần thi viết, giám thị để thí sinh tự do làm bài, còn mình ngồi ngó lơ hoặc làm việc gì đó cho nhanh hết giờ.
Cấp chứng chỉ tiếng Anh chỉ cần có tiền là đạt, thị trường ngầm bạc tỉ |
Sau hôm thi chừng 2 tuần là có chứng chỉ cầm tay. Từ ngày có được những chứng chỉ ấy cũng chẳng bao giờ giáo viên dùng đến.
Phần đông giáo viên nơi tôi ở cũng không biết cầm 2 tấm chứng chỉ ấy để làm gì nhưng thấy người ta học mình cũng nhất quyết a dua.
Vì giáo viên ở nơi này gần như 100% đã được chuyển qua ngạch giáo dục tiểu học cao cấp (trước đây chưa yêu cầu có chứng chỉ Anh, Tin).
Vì sự dễ dãi này nên lượng thầy cô đổ xô đăng kí học chứng chỉ tăng bất thường. Người nọ rủ người kia thành phong trào.
Họ còn trực tiếp pi a theo kiểu chẳng mất nhiều công sức, chi phí cho hai tấm chứng chỉ giá cả cũng vừa phải (chi phí để lấy chứng chỉ Anh văn trình độ B và A Tin học mỗi giáo viên bỏ ra chưa tới 2 triệu đồng), nhưng khi cần có cái nộp lên, còn không xem như vật “trang trí”.
Có lẽ, do nắm bắt được điều này nên nhiều trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã liên kết với các trung tâm dạy nghề ở các huyện thị để mở lớp dạy trá hình và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học một cách tràn lan.
Với kiểu dạy và thi chứng chỉ thế này, không ít sinh viên lười học cũng lấy làm cứu cánh cho mình. Thế mới có chuyện có em ra trường xin việc dù đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ lận lưng nhưng khi vào thực hành lại chẳng biết gì.
Cần phải có biện pháp xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong việc tổ chức học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học kém chất lượng như hiện nay để việc quản lý bằng cấp của các cơ quan chức năng đỡ khó khăn vì thật giả lẫn lộn.