PGĐ Học viện Ngân hàng: "Các chương trình liên kết đều được kiểm định quốc tế"

23/01/2024 10:25
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học viện Ngân hàng đề xuất công nhận kết quả kiểm định quốc tế của các chương trình liên kết do trường đại học nước ngoài chuyển giao và cấp bằng.

Xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay mở ra nhiều hình thức học tập cho sinh viên trong đó có các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Theo đó, sinh viên có thể du học tại chỗ hoặc học trong nước 1-2 năm đầu rồi mới du học chuyển tiếp. Nhờ đó, các bạn có thể rút ngắn thời gian học, tiết kiệm chi phí mà vẫn có bằng cấp quốc tế.

Tuy nhiên, số lượng các chương trình liên kết quốc tế nở rộ cũng khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng đào tạo.

4 khóa sinh viên tốt nghiệp với hơn 1000 cử nhân quốc tế

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng thông tin: Học viện Ngân hàng hiện triển khai 3 chương trình liên kết quốc tế đào tạo bậc cử nhân và 2 chương trình liên kết quốc tế đào tạo bậc thạc sĩ, với 8 chuyên ngành đào tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng. (Ảnh: website Học viện)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng. (Ảnh: website Học viện)

Các chương trình đều được triển khai trên cơ sở lựa chọn liên kết đào tạo giữa Học viện Ngân hàng và các đại học uy tín của Anh và Hoa Kỳ, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế và được công nhận toàn cầu.

Sinh viên tốt nghiệp và đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình sẽ được cấp bằng cử nhân/thạc sĩ giá trị toàn cầu của các trường đại học đối tác; một số chương trình đào tạo sinh viên sẽ được nhận song bằng cấp bởi đại học đối tác và Học viện Ngân hàng.

Theo thông tin đăng tải trên website Học viện Ngân hàng hiện học viện đang đào tạo 3 chương trình cử nhân liên kết quốc tế bao gồm:

Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Coventry (Anh)

Sinh viên tốt nghiệp chương trình cử nhân quốc tế Đại học Coventry chuyên ngành Ngân hàng & Tài chính Quốc tế và Kinh doanh Quốc tế sẽ được cấp song bằng (1 bằng do Đại học Coventry cấp và 1 bằng do Học viện Ngân hàng cấp với chuyên ngành tương ứng). Với chuyên ngành Digital Marketing, sinh viên sẽ được trường Đại học Coventry cấp bằng.

Toàn bộ các chương trình đào tạo của Đại học Coventry đều được phê chuẩn bởi Tổ chức Kiểm định Đại học Anh Quốc (Quality Assurance Agency for Higher Education - QAA - được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận hoạt động tại Việt Nam).

Thời gian đào tạo của chương trình là 4 năm. Trong đó 3 năm đầu đào tạo tại Học viện Ngân hàng. Năm thứ 4 sinh viên có thể lựa chọn tiếp tục học ở Học viện Ngân hàng hoặc chuyển tiếp sang Đại học Coventry và các đại học khác tại Anh.

Thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.5 sau khi trúng tuyển có thể làm đơn xét tuyển thẳng vào học chương trình năm thứ hai.

Đối với sinh viên học 4 năm tại Học viện Ngân hàng, học phí khoảng 320 triệu đồng/ khóa, đóng theo từng học kỳ.

Đối với sinh viên học 3 năm tại Học viện Ngân hàng và 1 năm tại nước ngoài: Học phí khoảng 180 triệu đồng/ 3 năm tại Học viện Ngân hàng. Học phí năm cuối đóng cho trường đại học đối tác theo niêm yết học phí cho sinh viên quốc tế (ước tính tổng học phí khoảng 450 triệu đồng cho 1 năm học cuối).

Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Sunderland - Anh quốc

Sinh viên tốt nghiệp chương trình cử nhân quốc tế Đại học Sunderland được cấp 2 bằng: Bằng cử nhân chuyên ngành Kế toán hoặc Tài chính Ngân hàng do Học viện Ngân hàng cấp và bằng do Đại học Sunderland, Vương Quốc Anh cấp với chuyên ngành tương ứng.

Toàn bộ các chương trình đào tạo của Đại học Sunderland đều được phê chuẩn bởi Tổ chức Kiểm định Đại học Anh Quốc (Quality Assurance Agency for Higher Education - QAA - được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận hoạt động tại Việt Nam).

Thời gian đào tạo của chương trình là 4 năm. Trong đó 3 năm đầu đào tạo tại Học viện Ngân hàng. Năm thứ 4 sinh viên có thể lựa chọn tiếp tục học ở Học viện Ngân hàng hoặc chuyển tiếp sang các trường đại học của Anh, Mỹ, Úc, Singapore.

Thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 sau khi trúng tuyển có thể làm đơn xét tuyển thẳng vào học chương trình năm thứ hai.

Đối với sinh viên học 4 năm tại Học viện Ngân hàng học phí khoảng 320 triệu đồng/ 4 năm, đóng theo từng học kỳ.

Đối với sinh viên học 3 năm tại Học viện Ngân hàng và 1 năm tại nước ngoài học phí khoảng 180 triệu đồng/ 3 năm tại Học viện Ngân hàng. Học phí năm cuối đóng cho đại học đối tác theo niêm yết học phí cho sinh viên quốc tế (ước tính tổng học phí khoảng 530 triệu đồng).

Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học CityU - Hoa Kỳ

Sinh viên tốt nghiệp chương trình được cấp song bằng: 1 bằng cử nhân chính quy ngành Quản trị Kinh doanh cấp bởi Học viện Ngân hàng; 1 bằng cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh chuyên ngành Quản trị tài chính (Bachelor of Science in Business Administration – Individualized Study: Finance) cấp bởi Đại học CityU (Hoa Kỳ), được công nhận bởi Hội đồng kiểm định Đại học Quốc gia Hoa Kỳ, có giá trị toàn cầu và được xác nhận văn bằng bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Cityu - Hoa Kỳ nhận bằng tốt nghiệp tại Mỹ. (Ảnh: NTCC)

Cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Cityu - Hoa Kỳ nhận bằng tốt nghiệp tại Mỹ. (Ảnh: NTCC)

Tại Mỹ, trường được kiểm định chất lượng đào tạo bởi Ủy ban Các trường đại học và cao đẳng miền Tây Bắc Hoa Kỳ, một tổ chức được Hội đồng kiểm định Đại học Quốc gia Hoa Kỳ công nhận, liên tục kể từ năm 1978.

Tại Việt Nam, chương trình cử nhân quốc tế song bằng ngành Quản trị Kinh doanh - Quản trị Tài chính hợp tác giữa CityU và Học viện Ngân hàng được cấp phép bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thời gian đào tạo: Sinh viên có thể học 4 năm tại Học viện Ngân hàng hoặc học 3 năm và năm cuối chuyển tiếp sang Đại học CityU, Seattle, Hoa Kỳ.

Thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 sau khi trúng tuyển có thể làm đơn xét tuyển thẳng vào học chương trình năm thứ hai.

Mức học phí với sinh viên học 4 năm tại Học viện Ngân hàng là 350 triệu đồng/ 4 năm; Học 3 năm tại Học viện Ngân hàng và năm cuối học tại Đại học CityU - Mỹ có mức học phí 120 triệu đồng/ 3 năm đầu tiên. Học phí năm cuối tại Mỹ theo mức học phí quy định của Đại học CityU (dự kiến 26,000 USD tương đương 638 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại).

Theo Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, mức học phí của các chương trình đào tạo liên kết quốc tế được xây dựng căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Nghị định 86/2018/NĐ-CP về Quy định hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó mức thu học phí, dự toán kinh phí và các nội dung tài chính liên quan được thông tin chi tiết trong Đề án triển khai các chương trình đào tạo quốc tế đã được phê duyệt và cấp phép bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Khoản 7, Điều 45 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) quy định: “Cơ sở giáo dục đại học phải...thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định”.

Cô Hoàng Anh cũng cho biết thêm, kể từ khi Luật 34 có hiệu lực (1/7/2019), các chương trình liên kết quốc tế của Học viện Ngân hàng đã có 4 khóa sinh viên tốt nghiệp với tổng số sinh viên tốt nghiệp lên tới gần 1000 sinh viên, tập trung tại các lĩnh vực kinh tế - kinh doanh - tài chính - ngân hàng.

“Các đại học đối tác và những chương trình được Học viện Ngân hàng lựa chọn để hợp tác triển khai đều là các đại học và chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế. Cụ thể, các chương trình đào tạo nhập khẩu 100% chương trình Anh quốc như chương trình liên kết quốc tế Sunderland, Coventry, UWE đã đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định của các tổ chức kiểm định uy tín tại Anh quốc như QAA và OFQUAL, hoặc các chứng nhận kiểm định tới từ các Hiệp hội Nghề nghiệp hàng đầu như CMI, CII...

Đối với chương trình Cử nhân Quản trị kinh doanh CityU, đây là chương trình đào tạo được triển khai hợp tác giữa Học viện Ngân hàng và Đại học CityU, Hoa Kỳ. Chương trình đào tạo Quản trị kinh doanh là chương trình đã hoàn thành kiểm định tại Học viện Ngân hàng (bởi Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) và tại Đại học CityU, Hoa Kỳ (bởi NWCCU - Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cao học ở khu vực Tây Bắc Hoa Kỳ)”, cô Hoàng Anh thông tin.

Sinh viên chương trình liên kết quốc tế đi thực tế. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên chương trình liên kết quốc tế đi thực tế. (Ảnh: NTCC)

Những thuận lợi và khó khăn khi đào tạo chương trình liên kết quốc tế

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi đào tạo các chương trình liên kết quốc tế, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho hay: Với kinh nghiệm 20 năm triển khai các chương trình hợp tác quốc tế, Học viện Ngân hàng luôn chú trọng lựa chọn hợp tác với những đơn vị đối tác uy tín, chất lượng toàn cầu. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo - uy tín thương hiệu của nhà trường trên trường quốc tế.

Về công tác triển khai, quản lý, đào tạo: Ban lãnh đạo học viện luôn quan tâm chú trọng vào phát triển các chương trình đào tạo quốc tế. Đội ngũ nhân sự quản lý, hỗ trợ sinh viên liên tục được đào tạo, phát triển chuyên nghiệp; tập thể giảng viên tham gia giảng dạy có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn cao; chương trình đào tạo được xây dựng chú trọng vào 3 chất lượng: Chất lượng trong đào tạo - Chất lượng trong quản lý người học - Chất lượng trong xây dựng chương trình có tính thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Trên cơ sở đó, những năm vừa qua tại Học viện Ngân hàng các chương trình đào tạo quốc tế nhận được sự ghi nhận đánh giá cao của xã hội, thị trường lao động, và đặc biệt là từ người học. Điều đó được thể hiện qua kết quả tuyển sinh đáp ứng chỉ tiêu đề ra của nhà trường, tỉ trọng sinh viên có điểm đầu vào khá cao. Công tác triển khai quản lý đào tạo cũng đạt những thành tựu đáng ghi nhận với tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp nhận bằng khá - giỏi và có việc làm đúng chuyên ngành sau 6 tháng đạt tỉ trọng cao.

Bên cạnh đó, học viện cũng gặp phải một số khó khăn. Theo cô Hoàng Anh, trong 2 năm trở lại đây, xu hướng lựa chọn du học cùng sự phát triển về số lượng của các chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ đã khiến cho người học có đa dạng hơn những lựa chọn.

Bên cạnh đó, học tập các chương trình liên kết quốc tế cũng đặt ra những thách thức cho người học do chương trình đào tạo giảng dạy 100% bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, mức học phí cao hơn so với các chương trình đào tạo khác tại Học viện Ngân hàng cũng khiến công tác tuyển sinh các chương trình liên kết quốc tế còn gặp nhiều khó khăn.

Sinh viên có thể lựa chọn học 4 năm ở Học viện Ngân hàng hoặc chuyển tiếp du học. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên có thể lựa chọn học 4 năm ở Học viện Ngân hàng hoặc chuyển tiếp du học. (Ảnh: NTCC)

Đối với một số trường hợp sinh viên học liên kết quốc tế nhưng không thể ra nước ngoài học theo cam kết ban đầu của nhà trường do các nguyên nhân khách quan như: dịch Covid-19, sinh viên không đủ điều kiện ngoại ngữ,… theo cô Hoàng Anh sinh viên có quyền lựa chọn học tập cả 4 năm tại Học viện Ngân hàng hoặc chuyển tiếp học tập tại nước ngoài nếu có nguyện vọng và đáp ứng các yêu cầu của chương trình.

“Trường hợp sinh viên không chuyển tiếp học tập năm cuối tại nước ngoài, hoặc không đáp ứng các điều kiện học tập chuyển tiếp vẫn được đảm bảo các điều kiện để hoàn thành lộ trình đào tạo. Mặt khác, đội ngũ quản lý của chương trình luôn sâu sát và hỗ trợ cùng gia đình đưa ra các phương án giải quyết đối với các trường hợp sinh viên gặp những vấn đề khó khăn đặc biệt”, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhấn mạnh.

Ngoài ra, cô Hoàng Anh cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét công nhận kết quả kiểm định quốc tế của các chương trình liên kết đào tạo do các trường đại học nước ngoài chuyển giao đào tạo và cấp bằng. Qua đó các chương trình liên kết quốc tế với phương thức nêu trên không nằm trong quy định tại mục 7, Điều 45, Luật 34, để đảm bảo phù hợp với thực tế triển khai.

Nhật Lệ