Chuyên gia kiến nghị cách đổi mới kiểm tra, đánh giá học phần thời 4.0

05/10/2024 11:56
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Chương trình giáo dục phải thay đổi theo hướng liên ngành hay xuyên ngành và dạy học phải thay đổi theo hướng dạy cách học, sư phạm mở.

Ngày 4/10, tại Trường Đại học Vinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2024.

Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2024 nhằm mục đích tạo diễn đàn khoa học về một số chủ đề nghiên cứu về khoa học giáo dục để các chuyên gia, cơ sở giáo dục cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng phục vụ phát triển ngành giáo dục.

3 tác động chính đến giáo dục đại học

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Ngọc (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có bài tham luận tại hội thảo với tiêu đề: “Phương án đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá học phần trong thời đại 4.0”.

Đặt vấn đề tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Ngọc chia sẻ, thời đại 4.0 bao gồm: Cách mạng công nghiệp 4.0 (cốt lõi là công nghệ thông tin và truyền thông-ICT) và giáo dục 4.0 (cốt lõi là chuyển từ chủ yếu giáo dục kiến thức, kỹ năng và thái độ sang tập trung giáo dục phẩm chất và năng lực).

Cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông có 3 tác động chính đến giáo dục đại học như sau:

Thứ nhất, thông tin bùng nổ gây ra việc dạy không xuể, đòi hỏi chương trình giáo dục phải thay đổi theo hướng liên ngành hay xuyên ngành và dạy học phải thay đổi theo hướng dạy cách học, sư phạm mở.

Thứ hai, người học có thể tự thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau không chỉ từ nhà trường, điều đó làm cho hoạt động dạy và học phải thay đổi từ người giảng viên thành người hướng dẫn học,rèn luyện và nghiên cứu, còn người học phải là công dân ICT để tự học, tự chiếm lĩnh tri thức cho mình.

Thứ ba, thời đại 4.0 yêu cầu năng lực nghề nghiệp thay đổi liên tục buộc nguồn nhân lực phải liên tục thay đổi, phát triển phẩm chất và năng lực để đáp ứng. Giáo dục đại học phải là giáo dục mở (tuyển sinh mở, tổ chức đào tạo mở và công nhận trình độ học vấn mở…) mới có được nguồn nhân lực mở đáp ứng thời đại cá nhân hóa việc học.

gs quang.jpg
Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2024.

Bàn về chất lượng nguồn nhân lực thời đại 4.0 đối với nước ta, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Ngọc cho rằng cần giáo dục và rèn luyện trong đào tạo đại học các phẩm chất và năng lực.

Về phẩm chất, đầu vào của bậc đại học là những học sinh tốt nghiệp giáo dục phổ thông, mà suốt 12 năm học đã được giáo dục và rèn luyện 5 phẩm chất gốc: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Vì vậy, mỗi ngành đào tạo đại học phải góp phần nâng cao các phẩm chất này trong hành nghề của mình, tối thiểu phải theo chuẩn đầu ra của khung trình độ quốc gia đã ban hành.

Về năng lực, thầy Ngọc cho rằng có 3 loại năng lực cần được học tập và rèn luyện ở đại học, đó là:

Hai năng lực gốc là trí tuệ thông minh gồm năng lực nhận thức (năng lực tiếp thu tri thức gồm: nhớ, hiểu, áp dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo) và năng lực tư duy (năng lực vận dụng và phát triển tri thức gồm tư duy logic, trừu tượng, hệ thống, phê phán và sáng tạo). Thứ hai là trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận biết và giám sát cảm xúc của mình và những người khác; phân biệt giữa họ và sử dụng những thông tin này để dẫn dắt suy nghĩ và hành động của mình cho hợp lý.

Ba năng lực nền tảng của thời đại 4.0 gồm năng lực thu thập thông tin (qua công nghệ và học hỏi); năng lực xử lý thông tin (qua định tính và định lượng); năng lực vận dụng thông tin (để ra quyết định hay giải quyết vấn đề).

Cuối cùng, là các năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho một nghề cụ thể.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá học phần thời 4.0

Trong thời đại số, bản thân hoạt động kiểm tra đánh giá người học cũng cần đổi mới về cả mục tiêu, triết lý, phương pháp và hình thức kiểm tra đánh giá.

Bàn về đổi mới dạy học học phần thời 4.0, về triết lý dạy học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Ngọc thông tin rằng theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Tảo - một chuyên gia giáo dục đã đưa ra mô hình 4 triết lý dạy học:

Với sơ đồ này, nhìn từ các bậc học ở Việt Nam, có thể thấy triết lý I chủ yếu dùng cho giáo dục phổ thông, triết lý II chủ yếu cho đào tạo cử nhân, triết lý III cho đào tạo thạc sĩ và triết lý IV cho đào tạo tiến sĩ. Trong thời đại 4.0, nhờ ICT, có sự chuyển dịch: giáo dục phổ thông đã bắt đầu dùng triết lý II, đào tạo đại học bắt đầu dùng triết lý III và đào tạo thạc sĩ dùng cả triết lý IV.

Bên cạnh đó, về bản chất dạy học, khi xuất hiện thang nhận thức-thang tiếp thu tri thức (bậc thấp gồm: nhớ, hiểu, áp dụng; bậc cao gồm: phân tích, đánh giá và sáng tạo của Bloom 2001) thì toàn bộ hệ thống giáo dục từ mẫu giáo tiểu học đến giáo dục đại học đều lấy thang này làm mục tiêu giáo dục.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Ngọc (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Ngọc (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Đồng thời, do sự phát triển của tâm lý-giáo dục hình thành thang tư duy-thang vận dụng tri thức (Bậc thấp gồm tư duy logic, trừu tượng; bậc cao gồm: tư duy hệ thống, phê phán và sáng tạo) thì toàn bộ hệ thống giáo dục cũng đều bổ sung và nâng cao mục tiêu giáo dục qua thang tư duy này. Đó là hai năng lực gốc của mọi năng lực. Vì vậy, có thể nói bản chất giáo dục là rèn luyện năng lực nhận thức và năng lực tư duy cho người học.

Thời đại 4.0, vì bùng nổ tri thức, dạy không xuể, không thể chỉ tập trung dạy kiến thức, kỹ năng và thái độ cụ thể được mà phải dạy cách học-tức là dạy nhận thức và dạy tư duy bậc cao để người học có năng lực chủ động chiếm lĩnh tri thức/Kiến tạo tri thức suốt đời. Khi đó kiến thức, kỹ năng hay thái độ cụ thể nào đó liên tục phát triển chỉ là công cụ để học tập và rèn luyện nhận thức và tư duy.

Bàn về quy trình dạy học tích cực, khái niệm dạy và học tích cực có thể được định nghĩa là “hoạt động dạy học của người thầy và hoạt động học tập của người học phải được phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, sao cho có thể tự chiếm lĩnh/kiến tạo tri thức, vận dụng được tri thức và sáng tạo tri thức khi chuyển thông tin thành tri thức của mình”.

Về đổi mới kiểm tra đánh giá học phần cuối kỳ, thầy Ngọc chia sẻ, nếu thi viết cho về nhà làm (trong thời hạn xác định theo số slide của 1 đề), có thể lập từ 5 đến 10 đề thi tùy theo sĩ số lớp bằng cách chọn 5 đến 10 slide trong số các slide bài giảng để lập 1 đề thi.

Nếu thi vấn đáp tại buổi thi (trực tiếp hay online), hãy chọn 10 câu trắc nghiệm trong ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan của học phần để lập 10 đến 20 đề trắc nghiệm tùy sĩ số lớp. Từng thí sinh được cấp ngẫu nhiên 1 đề trong số các đề đã lập, người học được làm trong 8 đến 10 phút rồi nộp bài.

Tiếp theo giảng viên chỉ cần chọn 3 câu/10 câu trắc nghiệm của bài làm để hỏi “Vì sao lại chọn phương án này?” để người học trả lời. Sau đó căn cứ vào 10 câu trắc nghiệm thí sinh làm và trả lời đúng hay sai để cho điểm và qui về thang điểm 4 của bài thi vấn đáp cuối kỳ.

Phương án này còn rèn luyện thói quen chuẩn bị bài nghe giảng, phải luôn phải có mặt tại lớp học (trực tiếp hay online) và tập trung nghe giảng trên lớp để tránh mất tập trung trong lớp học để sẵn sàng trả lời và thảo luận.

Đồng thời, phương án này góp phần đánh giá chính xác và khách quan năng lực nhận thức (tiếp thu tri thức) và năng lực tư duy (vận dụng tri thức) của người học qua nhiều loại điểm học phần.

Bàn về giá trị của phương án đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá học phần, bản chất của phương án này là “Thầy dạy cách học, Trò học cách học” nhằm có được năng lực nhận thức và năng lực tư duy bậc cao để tự chiếm lĩnh/kiến tạo được tri thức suốt đời.

Hoạt động dạy học theo phương án này làm thầy và trò cùng học - cùng lý giải thông tin để cập nhật tri thức, rèn luyện năng lực tự chủ học tập và nâng cao năng lực nhận thức và tư duy.

Bên cạnh đó, phương án này góp phần rèn luyện từ lớp học năng lực diễn giải, năng lực thuyết phục khi trả lời hay thảo luận cho người học, đó là điều cần có khi làm quản lý.

Đồng thời cũng góp phần qua học cách học mà rèn luyện 3 năng lực nền tảng để tự chiếm lĩnh/kiến tạo thông tin, tự xử lý thông tin và giải quyết vấn đề đúng đắn hay hiệu quả hơn.

Cũng như rèn luyện thói quen chuẩn bị bài nghe giảng, phải luôn phải có mặt tại lớp học (trực diện hay online) và tập trung nghe giảng trên lớp để tránh mất tập trung trong lớp học và để sẵn sàng trả lời và thảo luận. Góp phần đánh giá chính xác và khách quan năng lực nhận thức (tiếp thu tri thức) và năng lực tư duy (vận dụng tri thức) của người học qua nhiều loại điểm học phần (qua hồ sơ học tập học phần).

Khó khăn của giáo viên khi triển khai các bài học STEM

Giáo dục STEM đã trở thành một phần quan trọng trong hệ thống giáo dục hiện đại trên toàn cầu. Nó không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng về các lĩnh vực khoa học và công nghệ mà còn phát triển kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh

Tại phiên song song của tiểu ban 2 - Khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Biên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ về vấn đề xây dựng Rubrics đánh giá kế hoạch bài dạy STEM của giáo viên và sinh viên sư phạm.

Đào tạo giáo viên như thế nào để có thể thực hiện được Chương trình giáo dục phổ thông mới thì về giáo dục STEM đã được đưa vào giáo dục phổ thông với định nghĩa rất rõ ràng và quan điểm về giáo dục STEM đã và đang được triển khai ở các trường trung học phổ thông, tuy nhiên thực tiễn cho thấy giáo viên có nhiều quan niệm đa dạng về STEM.

Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể.

Dựa trên những phân tích, cách hiểu trong chương trình giáo dục cũng như các nghiên cứu được nhiều nhà khoa học giáo dục về STEM,có thể đưa ra rằng, giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên 4 yếu tố là: Tiếp cận liên môn; Áp dụng các kiến thức STEM; Giải quyết một số vấn đề thực tiễn; Thực hiện trong bối cảnh cụ thể.

Điều này cũng được Vụ Giáo dục Trung học và Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đưa ra trong hướng dẫn tại công văn 3089/BGDĐT-GDTrH, và 909/BGDĐT-GDTH. Theo đó, có 3 hình thức thực hiện STEM trong nhà trường là: Dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; Tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn của giáo viên khi triển khai các bài học STEM là do những nhầm lẫn về quan niệm giáo dục STEM của giáo viên Việt Nam và nước ngoài.

Đồng thời, giáo dục STEM cũng tạo ra những rào cản khi triển khai như cần đáp ứng toàn bộ học sinh đều được tham gia và đạt được mục tiêu của bài; Không vượt quá thời lượng cho phép, sử dụng nguyên vật liệu phổ biến; Đạt được mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất; Tạo cơ hội để học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn.

Nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc huy động kiến thức để giải quyết vấn đề. Đây cũng là sự khác biệt căn bản giữa bài học STEM với các hoạt động giáo dục STEM khác. Loại hình bài học STEM cần tập trung vào việc học, vận dụng kiến thức mới. Việc tạo ra sản phẩm hoàn thiện đôi khi chỉ đóng vai trò phụ, hay chỉ là cái cớ để thúc đẩy học sinh học tập, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề.

Do đó trong hoạt động này, giáo viên cần hình dung rõ ràng, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn, từ đó có những gợi mở, hướng dẫn để hỗ trợ học sinh tạo ra sản phẩm học tập phù hợp.

Thu Trang