Chuyên gia lo lắng chọn sách giáo khoa theo độ dày của phong bì

01/01/2020 07:21
Thùy Linh
(GDVN) - Theo ông Trần Xuân Nhĩ, cả 5 bộ sách đã được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt nhưng để biết sách nào phù hợp với học trò thì chỉ giáo viên mới hiểu.

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, sách giáo khoa mới sẽ được đưa vào giảng dạy ở lớp 1. 

Theo lộ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra, trước tháng 4/2020 các địa phương phải hoàn thành việc lựa chọn và công bố danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các trường phổ thông của tỉnh.

Từ tháng 4 đến tháng 5/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1.

Vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là việc địa phương thực hiện tiến hành chọn sách giáo khoa sẽ như thế nào. 

Theo ông Trần Xuân Nhĩ, cả 5 bộ sách đã được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt nhưng để biết sách nào phù hợp với học trò thì chỉ giáo viên mới hiểu. (Ảnh: Quyên Quyên)
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, cả 5 bộ sách đã được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt nhưng để biết sách nào phù hợp với học trò thì chỉ giáo viên mới hiểu. (Ảnh: Quyên Quyên)

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2020-2021, việc lựa chọn sách giáo khoa sẽ do các trường tự quyết, nhưng từ những năm học sau, việc này sẽ do Ủy ban nhân dân các tỉnh đảm nhiệm.

Nói về việc lựa chọn sách giáo khoa, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nếu cho phép 63 ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa thì khó tránh khỏi việc nhiều đơn vị xuất bản sách “chạy chọt”, lợi ích nhóm

“Thậm chí, rất có thể nơi nào phong bì dày hơn thì chọn bộ sách đó”, ông Nhĩ nêu vấn đề. 

Liệu có lợi ích nhóm khi giao việc chọn sách giáo khoa cho Ủy ban nhân dân tỉnh?

Do đó, theo ông Nhĩ, cả 5 bộ sách đã được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt nhưng để biết sách nào phù hợp với học trò thì chỉ giáo viên mới hiểu rõ nhất. 

Chính vì vậy, giáo viên phải là người được lựa chọn những nội dung hay ở từng sách, tự thiết kế thành bài giảng của mình để truyền đạt tới học trò. Có nhiều sách giáo khoa, do đó giáo viên có thể lựa chọn những cái hay của sách này kết hợp với những nội dung hay trong các cuốn sách khác, không nhất thiết chỉ dùng duy nhất một bộ sách để giảng dạy.

Thậm chí, theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nếu như các địa phương chỉ chọn một bộ sách duy nhất để dạy, cũng chưa phát huy hết được ý nghĩa của chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa.

Bởi thực tế nhiều tỉnh có sự khác biệt rõ rệt về điều kiện địa lý, kinh tế xã hội giữa khu vực thành phố và các huyện vùng sâu vùng xa. Do đó nếu để tỉnh chọn một bộ sách dùng cho toàn tỉnh cũng sẽ không phù hợp.

Thùy Linh