Có bằng xuất sắc, cử nhân CLC Trường ĐH Hồng Đức mỏi mòn chờ tỉnh nhà tuyển dụng

04/09/2023 06:33
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cử nhân hệ chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức không tìm được cơ hội tuyển dụng ở tỉnh nhà đành phải đi tìm cơ hội ở địa phương khác.

Thông tin tới Tạp chí điện tử điện tử Giáo dục Việt Nam, anh V.Đ.N cử nhân hệ chất lượng cao ngành Sư phạm Lịch Sử của Trường Đại học Hồng Đức (Khóa 2018 – 2022) cho biết anh và các bạn tốt nghiệp cùng khóa vẫn chưa có cơ hội được tuyển dụng vào ngành giáo dục của tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, tháng 3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến chỉ đạo các ngành liên quan trong tỉnh phối hợp giải quyết cho các sinh viên sư phạm chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức.

Mòn mỏi chờ đợi

“Chúng tôi nghe thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tỉnh sẽ có phương án giải quyết cho các sinh viên hệ chất lượng cao được đào tạo theo đề án của tỉnh tại Trường Đại học Hồng Đức. Bản thân tôi là một trong những sinh viên thuộc khóa đầu tiên. Ra trường với tấm bằng xuất sắc nhưng chờ đợi mòn mỏi cả năm trời chưa thấy có cơ quan nào hướng dẫn việc ứng tuyển”, anh V.Đ.N cho biết.

Sinh viên đào tạo hệ chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức dù đã tốt nghiệp nhưng chưa thể có việc làm. Ảnh minh họa: Website của trường
Sinh viên đào tạo hệ chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức dù đã tốt nghiệp nhưng chưa thể có việc làm. Ảnh minh họa: Website của trường

Cũng theo thông tin cung cấp từ anh V.Đ.N, lớp sư phạm Lịch sử của anh N. một nửa đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, một nửa đi dạy hợp đồng. Riêng bản thân anh V.Đ.N cũng đã từng đi dạy hợp đồng, tuy nhiên mức lương giáo viên hợp đồng quá thấp (3,5 triệu đồng/tháng) khiến anh N. không trụ nổi đành phải xin ra ngoài làm công nhân.

“Thời gian tới chúng tôi cũng không biết sẽ như thế nào. Trên báo đài vẫn nói tỉnh Thanh Hóa thiếu nhiều giáo viên nhưng không hiểu vì sao chúng tôi thấy mình có rất ít cơ hội. Tại huyện Hậu Lộc mấy năm nay không thấy tuyển giáo viên Lịch sử cấp trung học cơ sở, huyện Quan Hóa, huyện Mường Lát có 1 chỉ tiêu. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, trước khi thi tuyển, các trường đều có nhiều giáo viên dạy hợp đồng nhiều năm.

Chúng tôi là sinh viên mới ra trường giờ đi cạnh tranh với các giáo viên tại các huyện miền núi, họ đã cống hiến cả nhiều năm trước, chỉ đợi thi tuyển viên chức. Nói thật là cũng không đành”, anh V.Đ.N cho biết.

“Đợt vừa rồi, đọc được thông tin tỉnh sẽ có phương án tuyển dụng cấp trung học phổ thông vào tháng 7, tuy nhiên, đến nay, hết tháng 8, chuẩn bị vào năm học mới rồi nhưng vẫn chưa thấy đâu. Chúng tôi là những sinh viên thuộc đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, muốn cống hiến cho tỉnh nhà nhưng không thể cứ chờ đợi mãi được.

Có lẽ chúng tôi phải tìm cơ hội ở các địa phương khác hoặc ra Hà Nội tìm cơ hội ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập”, cử nhân hệ chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ.

Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa nói gì?

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc giải quyết các trường hợp sinh viên tốt nghiệp hệ chất lượng cao của trường Đại học Hồng Đức, ông Trần Quốc Huy – Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết:

“Việc tuyển dụng các sinh viên này thuộc thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa và Ủy ban nhân dân các huyện theo quy định. Khi tuyển dụng các ứng viên này sẽ được ưu tiên tuyển dụng theo quy định tại Nghị định 115. Sở Nội vụ không có thẩm quyền tuyển dụng với các sinh viên này”.

Cũng trao đổi với phóng viên, ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết: “Các sinh viên này vẫn phải tham gia thi tuyển như các ứng viên khác và không có ưu tiên gì. Trừ những sinh viên đủ điều kiện ưu tiên theo Nghị định 140. Mà ưu tiên tuyển dụng theo Nghị định 140 thì không nhất thiết phải theo học tại các lớp chất lượng cao này.

Thanh Hóa hiện đang là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước. Ảnh minh họa: LC

Thanh Hóa hiện đang là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước. Ảnh minh họa: LC

Còn về việc tuyển dụng giáo viên, hiện Ủy ban nhân dân các huyện vẫn đang tiến hành tuyển dụng. Nếu em nào đúng chuyên ngành mà địa phương cần tuyển thì tham gia ứng tuyển.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở đang xây dựng kế hoạch tuyển giáo viên khối trung học phổ thông. Khi nào tỉnh thông qua sẽ thông báo rộng rãi”.

Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm tại Trường Đại học Hồng Đức triển khai từ năm 2018.

Có 4 ngành được mở đào tạo gồm: Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Ngữ văn; Sư phạm Lịch sử.

Trước đó, ngày 2/4/2018, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản về việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ đề án trên.

Điều kiện tuyển dụng được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nêu ra đối với ứng viên là: Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên theo chương trình đào tạo chất lượng cao từ đề án; có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy và học tập lâu dài; có điểm thi đầu vào đại học từ 24 điểm trở lên của tổ hợp 3 môn thi xét tuyển đại học (không tính điểm nhân hệ số (nếu có) của từng môn thi), trong đó không có môn nào dưới 5,0 điểm và môn chủ chốt của ngành đào tạo phải đạt từ 8,0 điểm trở lên hoặc ứng viên có đủ điều kiện tuyển thẳng vào đại học theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc tuyển dụng viên chức phải thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Thanh Hóa là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước.

Theo biên chế giao năm 2022 tại Quyết định số 5438/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có 50.646 biên chế, trong đó: Mầm non: 15.946; Tiểu học: 16.756; Trung học cơ sở: 12.333; Trung học phổ thông: 5.611.

Nhu cầu biên chế năm học 2021-2022 tính theo định mức quy định tại Quyết định 3185/QĐ-UBND và Quyết định số 3465/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa là 57.321 biên chế, trong đó: Mầm non: 17.634; Tiểu học: 19.877; Trung học cơ sở: 13.865; Trung học phổ thông: 5.945.

Như vậy, so với biên chế được giao năm 2022 thì nhu cầu biên chế các cấp học còn thiếu tại Thanh Hóa là 6.725 chỉ tiêu.

Trong đó, Mầm non thiếu: 1.688; Tiểu học thiếu: 3.121; Trung học cơ sở thiếu: 1.532; Trung học phổ thông thiếu: 384.

Trần Phương