Cô giáo cho 21 HS điểm 0: điểm thật, không tiêu cực sao lại chuyển công tác GV?

15/02/2023 06:44
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đánh giá thật, thường là “giải pháp” của một số giáo viên vào đầu học kì 1, nhằm uốn nắn thái độ hành vi học tập của học sinh.

Trong học kỳ 1 năm học 2022-2023, cô L.T.T.T. dạy môn Công nghệ lớp 8, Trường trung học cơ sở Châu Đức, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho học sinh lớp 8 làm bài kiểm tra môn công nghệ 15 phút.

Kết quả 21/34 em học sinh lớp 8A6 bị điểm 0; 5 em bị điểm 1; còn lại là điểm 2, 3 và 4; chỉ 1 em đạt điểm 10.

Ngoài lớp 8A6, lớp 8A4 có 14/31 học sinh dưới điểm trung bình (7 điểm 0), lớp 8A5 có 17/31 học sinh dưới điểm trung bình (4 điểm 0).

Cô giáo L.T.T.T. đã vào điểm bài kiểm tra 15 phút trên vào hệ thống quản lý điểm của trường. Bảng điểm sau đó được cô L.T.T.T. đưa lên hệ thống mạng giáo dục Việt Nam VNEDU, gây sốt trên cộng đồng mạng.

Cô L.T.T.T. cho biết, nhiều học sinh trong lớp có thái độ coi thường môn Công nghệ, coi đó là môn phụ không chịu học, bài không soạn. Cô cho điểm đúng với thực tế cũng là cách để học sinh có thái độ đúng với bộ môn, chịu học hơn.

Sau đó cô cũng tạo điều kiện để các em học, gỡ điểm. Thực tế các bài kiểm tra sau, thi học kỳ các em đều làm tốt hơn, điểm số cải thiện. Điểm trung bình học kỳ chỉ có 4/34 em của lớp là đạt dưới trung bình.

Nhà trường đã phân công giáo viên khác dạy môn công nghệ các lớp 8 từ học kỳ 2 để tránh áp lực cho học sinh, đồng thời chuyển cô L.T.T.T. phụ trách phòng thiết bị thực hành của trường.[1]

Trường THCS Châu Đức, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu - nguồn baobariavungtau.com.vnTrường THCS Châu Đức, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu - nguồn baobariavungtau.com.vn

Giáo viên nói gì về việc chuyển giáo viên vào điểm thật sang phụ trách phòng thiết bị thực hành

Sau khi đọc bài “Kiểm điểm, chuyển việc cô giáo cho bài kiểm tra có nhiều học sinh bị điểm 0”, thông tin nhà trường đã phân công giáo viên khác dạy môn công nghệ các lớp 8 từ học kỳ 2, đồng thời chuyển cô L.T.T.T. phụ trách phòng thiết bị thực hành, cô giáo Nguyễn Thị Nga, giáo viên đang dạy môn Công Nghệ tại Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ:

“Môn Công nghệ thường bị coi là môn phụ, ngay cả lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Đức khi phát biểu với báo chí cũng khẳng định “Công nghệ là môn phụ”, chứ không phải chỉ học sinh, phụ huynh.

Đã coi Công nghệ là môn phụ, học sinh sẽ không học, phụ huynh cũng chẳng quan tâm, nhắc nhở các em học bài.

Thế nhưng, yêu cầu cần đạt của mỗi bài học, tiết học, đòi hỏi học sinh phải học thật mới thực hành thật được.

Vì thế, dạy môn Công nghệ thường rất áp lực, vì bị chính lãnh đạo nhà trường, học sinh, phụ huynh coi thường.

Tổng kết, đánh giá thật, thường là “giải pháp” của một số giáo viên vào đầu học kì 1, nhằm uốn nắn thái độ hành vi học tập của học sinh.

Giáo viên L.T.T.T. đã tạo điều kiện cho học sinh thay điểm xấu bằng điểm tốt, cuối kì 1 cả lớp chỉ có 04/34 học sinh dưới điểm trung bình, tức đạt 88.25%, vậy mà còn bị kỷ luật, chuyển công tác khác.

Nay thấy giáo viên ghi điểm thật bị kỉ luật, chuyển sang phụ trách phòng thiết bị thực hành, chắc không mấy giáo viên đủ “dũng khí” làm thật, chất lượng giáo dục “môn phụ” nói riêng, ngành giáo dục nói chung, sẽ đi về đâu?”.

Nhiều giáo viên khác mà người viết tham khảo cũng có ý kiến tương tự cô Nguyễn Thị Nga, họ đều rất bất ngờ và bất bình trước hình thức "kỉ luật" chuyển cô giáo cô L.T.T.T. sang phụ trách phòng thiết bị thực hành.

Vào điểm thật của học sinh giáo viên có phải bị kỉ luật không

Điểm b Khoản 1 Điều 31 Thông tư Số: 32/2020/TT-BGDĐT ghi rõ: Hành vi ứng xử, trang phục của giáo viên, nhân viên

1. Giáo viên, nhân viên không được làm những điều sau đây:

b) Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh; gian lận trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục.[3]

Ban Giám hiệu Trường trung học cơ sở Châu Đức, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho hay, qua thẩm định, nội dung đề của bài kiểm tra này nằm trong nội dung chương trình học sinh đã được học. Việc chấm điểm của cô L.T.T.T. đúng với thực tế bài làm của học sinh, không có tiêu cực.[2]

Như vậy, việc cô giáo L.T.T.T. vào điểm bài kiểm tra 15 phút trên hệ thống quản lý điểm của nhà trường là hợp pháp, hợp lý, nhưng chưa hợp tình vì học trò đạt điểm thấp, cô chưa tạo cơ hội cho các em được sửa sai.

Việc điều chuyển giáo viên khác sang dạy môn Công nghệ lớp 8A6, cô giáo L.T.T.T. chuyển sang phụ trách phòng thiết bị thực hành của trường, có phải là hình thức kỉ luật?

Nếu vì vào đúng điểm đánh giá của học sinh, tổng kết đánh giá đúng sự thật mà bị kỉ luật, các cấp quản lý giáo dục đã làm đúng, đã hợp lý, hợp tình?

Hiện nay, chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định cấm giáo viên tổng kết, đánh giá học sinh đúng sự thật, mà ngược lại, học thật, thi thật, tổng kết đánh giá thật đang được khuyến khích thực hiện.

Điểm kiểm tra thường xuyên thường được giáo viên xử lý như thế nào

Điểm a Khoản 3 Điều 1 Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT ghi rõ:

1.Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

"Điều 7. Các loại kiểm tra, đánh giá; hệ số điểm kiểm tra, đánh giá1. Các loại kiểm tra, đánh giáa)

Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:- Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học và giáo dục, nhằm kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;- Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập;- Số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này".[4]

Với điểm kiểm tra thường xuyên, giáo viên thường ghi vào sổ cá nhân, chỉ nhập lên hệ thống quản lý điểm của nhà trường vào cuối học kì.

Ví dụ, quy định môn học có 3 điểm kiểm tra thường xuyên, giáo viên có thể đánh giá học sinh 3, 4, … lần, nhưng khi nhập điểm kiểm tra thường xuyên vào hệ thống quản lý, giáo viên chọn 3 điểm cao nhất của học sinh, đây chính là “giải pháp” nâng cao chất lượng của giáo viên.

Thực tế, tổng kết cuối năm, môn Công nghệ nói riêng, môn "phụ" nói chung, chất lượng thường đảm bảo gần 100% học sinh đạt yêu cầu.

Vì thế, đầu năm học, học sinh lại mang “tư tưởng” năm học cũ, mình học vậy mà cũng đạt yêu cầu, nên không thèm học bài, không thèm làm bài, kiểm tra thường bị điểm liệt, "lỗi" cũng có phần của giáo viên bộ môn.

Phân biệt môn chính, môn phụ, trong giáo dục là quan niệm cực kì sai lầm của xã hội. Để người khác tôn trọng mình, đầu tiên mình phải tự trọng, giáo viên các môn thường bị coi “môn phụ” cũng vậy, phải tự tôn trọng môn mình dạy.

Để học sinh tôn trọng “môn phụ”, giáo viên phải thực hiện dạy tốt, có phương pháp phù hợp, liên hệ với thực tế, tạo hứng thú học tập cho các em.

Trong đánh giá thường xuyên, không nên cứng nhắc, với học sinh “khen thưởng là một hình thức kỉ luật”, hãy cho các em có cơ hội sửa sai, đó cũng là hình thức khuyến khích học sinh học tốt, đảm bảo hôm nay các em tốt hơn hôm qua.

Chúng ta đang hướng đến tổng kết đánh giá không so sánh học sinh này với học sinh khác, giáo viên không nên đưa thông tin nói chung, kết quả học tập của học sinh nói riêng, lên mạng xã hội.

Giáo viên cũng cần có kĩ năng, kiến thức, khi tham gia mạng xã hội, góp phần giáo dục học sinh trong việc hội nhập trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/kiem-diem-chuyen-viec-co-giao-cho-bai-kiem-tra-co-nhieu-hoc-sinh-bi-diem-0-185230209190826883.htm

[2]https://baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202302/ve-viec-21-hoc-sinh-dat-diem-0-mon-cong-nghe-khong-co-tieu-cuc-971173/

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2020-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-truong-trung-hoc-pho-thong-443627.aspx

[4]https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-26-2020-tt-bgddt-sua-doi-quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-190228-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến