Có học sinh cho rằng, chọn nhầm tổ hợp môn không cần chọn lại vì điểm vẫn "đẹp"

17/07/2023 06:40
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh cần phải cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn tổ hợp môn, cùng với đó phải xác định "học thật, thi thật" để thích ứng với các thay đổi về thi cử.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định ở bậc trung học phổ thông, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh tự chọn các môn học lựa chọn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Học sinh chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn.

Việc lựa chọn tổ hợp môn học là bài toán khó đối với phụ huynh, học sinh trong năm đầu triển khai ở lớp 10.

Chị Lê Thanh Thư có con năm nay vừa đỗ vào lớp 10 công lập ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thật lòng mà nói, tôi thấy việc lựa chọn tổ hợp môn và chuyên đề cho con học cứ như … ma trận.

Nói là học sinh tự do lựa chọn, nhưng các tổ hợp lại do nhà trường xây dựng trên cơ sở giáo viên hiện có của nhà trường.

Tổ hợp con mình muốn thì không có, cái có thì không muốn, nhưng cũng đành phải lựa chọn chứ biết làm sao.

Lựa chọn không theo ý muốn nên sở thích, hứng thú học tập không có, chất lượng học tập không thể tốt được, học sinh lại muốn chuyển đổi môn học lựa chọn là điều bình thường”.

Sau năm học 2022-2023, người viết bất ngờ với tâm sự của một học sinh trước đây muốn đổi tổ hợp môn học lựa chọn ngay học kì I.

Theo học sinh này, nếu xét học bạ để tuyển sinh đại học, học sinh lớp 10 không cần đổi tổ hợp môn

Em Nguyễn Thị A., học sinh một trường trung học phổ thông phía Nam chia sẻ lại câu chuyện lớp 10 của mình: “Sau khi học được 1 tháng, em nhận ra lựa chọn tổ hợp môn của mình đã sai. Em có hỏi cô chủ nhiệm, làm cách nào để được đổi tổ hợp môn phù hợp với mình.

Cô chủ nhiệm đã hỏi nhà trường, nhà trường bảo phải chờ đến khi có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, mới có thể cho em chuyển đổi.

Em vừa học cho có môn học đã lựa chọn, vừa tự học môn mình muốn chuyển đổi nên rất vất vả, các anh chị lớp trên "bật mí" cứ đi học thêm môn mình còn yếu, đừng lo lắng quá. Em và nhiều bạn cùng hoàn cảnh suốt ngày chỉ biết học và học.

Chờ mãi, đến khi hết kì I cũng chẳng thấy động tĩnh gì, em buồn lắm. Sau khi sơ kết kì I, chị gái em nhìn bảng điểm của em và hét lên vui sướng: “Đổi tổ hợp môn cũng mong có điểm đẹp hơn để xét tuyển đại học.

Với bảng điểm này, nếu các trường xét tuyển bằng học bạ như hiện nay thì không có gì phải lo cả”.

Chị còn giải thích: “Các trường xét học bạ để tuyển sinh đại học, mà trường chị em mình học thầy cô tổng kết thoáng, gần 100% học sinh nộp hồ sơ tuyển sinh đều đậu cao đẳng, đại học cả, đâu có đứa nào trượt đâu, chỉ trừ không muốn đi học.

Chị tưởng chương trình mới khó, điểm tổng kết thấp, nhưng thấy vẫn y như ngày trước, em khỏi phải lo lắng nữa, không cần chuyển đổi chi cho rối”.

Em thấy chị nói cũng có lý, nên cuối năm vừa rồi em không xin nhà trường chuyển đổi tổ hợp môn tự chọn nữa”.

Người viết trao đổi thêm một số học sinh trước đây có nhờ tư vấn đổi tổ hợp môn tự chọn, các em đều có chung suy nghĩ với em Nguyễn Thị A., có điểm học bạ đẹp rồi, không cần lo trượt đại học, đổi chi cho rắc rối nữa.

Thực tế, những học sinh nhận thấy mình chọn nhầm tổ hợp môn là tự biết phẩm chất năng lực của mình không phù hợp với các môn học tự chọn nên chất lượng bộ môn không cao, tại sao các em này vẫn có điểm "đẹp"?

Người viết trao đổi với một học sinh từng đạt giải Nhất học sinh giỏi cấp Tỉnh môn Toán, em này thành thật cho biết “Em nói thật, thầy đừng nói em xúc phạm thầy cô nha. Môn nào mình cảm thấy chưa tốt thì cứ đi học thêm chính thầy cô bộ môn của mình, vừa học ở trường, vừa học ở nhà, là có điểm đẹp thôi.

Bản thân em đã đầu tư từ trung học cơ sở các môn Toán, Ngữ văn, Anh văn, để xét tuyển đại học, nhưng năm nay em học thêm Lý, Hóa nên điểm vẫn “đẹp”, các bạn khác cũng vậy thôi.

Thầy cô giờ cũng “tâm lý” để học sinh có điểm học bạ đẹp, rộng cửa vào đại học hơn “vừa được tiếng vừa được miếng”, nên em nghĩ rằng các bạn có chọn nhầm môn lựa chọn cũng đừng quá lo lắng và không cần chuyển nữa”.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Có lẽ, các em học sinh có suy nghĩ như trên cũng không phải khó lý giải. Bởi nhiều năm qua, các trường đại học đa dạng phương thức tuyển sinh đại học. Trong đó, phương thức xét tuyển bằng học bạ đều được đa số các trường sử dụng. Chính điều này đã khiến câu chuyện học bạ trung học phổ thông "đẹp" lên gây nhiều băn khoăn thời gian qua.

Trong mùa tuyển sinh năm 2023, một số trường cũng đã công bố điểm chuẩn của phương thức này, đã có khoa, ngành điểm chuẩn của phương thức xét tuyển học bạ chạm gần ngưỡng 30 điểm.

Thực tế, thời gian qua, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở bậc trung học phổ thông thì việc thi cử, tuyển sinh đại học đều được nhấn mạnh là phải thay đổi. Chính vì thế, các em học sinh cần phải cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn tổ hợp môn, cùng với đó phải xác định "học thật, thi thật" để thích ứng với các thay đổi về thi cử, tuyển sinh đại học từ năm 2025.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh