Tôi vẫn còn nhớ như in buổi sáng đầu tháng năm hôm ấy, khi cả sân trường Phổ thông dân tộc Bán Trú Trung học cơ sở Cụm xã Chà Vàl - Zuôih rợp nắng sớm, học sinh xếp hàng ngay ngắn trong lễ chào cờ đầu tuần.
Cô bé ấy - trong bộ đồng phục truyền thống giản dị, ánh mắt sáng và nụ cười dịu dàng như sương núi - đứng trang trọng phía trước.
Em vừa được tuyên dương vì đã đạt giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn năm học 2024-2025.
Đây là một thành tích nhỏ với nhiều người, nhưng là cả bầu trời mơ ước của học trò vùng cao như em - Coor Thị Kim Tuyến, học sinh lớp 9/1, dân tộc Cơ Tu, đến từ thôn A Bát, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam - một vùng đất còn lắm gian truân giữa đại ngàn Trường Sơn.

Thiếu thốn đủ bề nhưng em chưa từng làm bài tập trễ lịch
Xã Chà Vàl là một trong những xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Nam Giang. Từ trung tâm huyện đi đến xã, phải vượt qua những đoạn đường rừng cheo leo, đất đá, mùa mưa trơn trượt, mùa nắng thì bụi cuốn mù trời. Nơi ấy, người dân chủ yếu sống bằng nương rẫy, quanh năm lam lũ.
Gia đình em Kim Tuyến cũng giống như bao gia đình khác trong thôn: nghèo khó và đông con. Em là con cả trong một gia đình có bốn người con. Bố mẹ em quanh năm làm rẫy, thu nhập bấp bênh, mùa được mùa mất. Em lớn lên trong sự thiếu thốn vật chất nhưng lại dạt dào tình yêu thương.
Ngay từ bé, Tuyến đã ý thức được vai trò của người chị cả. Em dậy sớm nấu cơm, giặt giũ, chăm các em nhỏ để bố mẹ yên tâm lên nương. Những ngày cuối tuần, em gùi gạo, gùi nước, lên rẫy phụ mẹ nhổ cỏ, cuốc đất, hái rau. Đôi vai em sớm quen với những gùi củi nặng, bàn tay chai sạn bởi cầm cuốc, cầm liềm. Nhưng tuyệt nhiên, em chẳng bao giờ than phiền. Em nói: “Giúp bố mẹ là vui rồi cô ạ!”.
Trong căn nhà gỗ đơn sơ không cửa sổ, mỗi đêm về, khi các em đã say giấc ngủ, Kim Tuyến lại mở vở học bài dưới ánh đèn leo lét. Có đêm mưa dột, em phải kê bàn học sát vào vách, mặc áo mưa để tiếp tục ôn bài. Mỗi con chữ là một nỗ lực bền bỉ, là quyết tâm vượt lên hoàn cảnh.
Dù thiếu thốn đủ bề nhưng em chưa từng vắng học một buổi, chưa từng để bài tập về nhà trễ hạn. Thầy giáo chủ nhiệm nói: “Tôi từng giảng dạy ở vùng cao hơn mười năm, nhưng hiếm thấy một học sinh nào kiên trì như Tuyến. Em học đều tất cả các môn, nhưng đặc biệt say mê Ngữ văn. Mỗi bài viết của em đều sâu sắc, chứa chan cảm xúc và có lối tư duy rất giàu hình ảnh.”
Tuyến kể, em yêu văn từ khi còn học lớp 5, khi lần đầu tiên được nghe thầy giáo đọc bài thơ “Người đi tìm hình của nước”. Giọng đọc trầm ấm của thầy, cùng hình ảnh Bác Hồ vượt ngàn gian khó đã gieo vào tâm hồn cô bé nhỏ nhắn một khát khao: “Em cũng muốn được viết nên những điều đẹp đẽ, về cuộc sống, về con người quê em, về những hy vọng không tắt.”
Những bước chân không mỏi
Tuyến không chỉ học giỏi mà còn là liên đội trưởng mẫu mực, là cây văn nghệ của trường. Em từng đạt nhiều giải thưởng cao trong các hội thi cấp trường, cấp huyện, tham gia Hội diễn văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam với vai trò múa chính, và không ít lần được tuyên dương là “Học sinh tiêu biểu” của trường.

Năm lớp 9, Tuyến được giáo viên bộ môn lựa chọn tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn.
Em đã cố gắng hết mình, và thành quả đầu tiên đến như một phần thưởng ngọt ngào: em đạt giải khuyến khích. Không ngủ quên trên thành tích đó, em lại tiếp tục nỗ lực gấp bội khi được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đó là niềm vinh dự, là giấc mơ mà em ấp ủ từ lâu.
Em miệt mài luyện viết, học thêm từng đêm, đọc sách mượn từ thư viện trường, rồi ghi chép cẩn thận những điều hay.
Cô giáo A Rất Thị Quế - người dìu dắt em, không giấu nổi xúc động khi thấy người học trò nhỏ gầy gò nhưng đôi mắt sáng rực niềm tin, từng nét chữ viết ra đều thấm đẫm tâm hồn trong trẻo và nghị lực mạnh mẽ.
Và rồi, niềm vui vỡ òa khi em tiếp tục đạt giải khuyến khích môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đối với người khác, đó có thể là phần thưởng nhỏ, nhưng với em - với cô bé vùng cao chưa từng một lần rời khỏi huyện mình - đó là một điều ngoài sức tưởng tượng. Đó là kết tinh của bao ngày đêm miệt mài, của giấc mơ đẹp nơi mái nhà sàn lộng gió và con chữ đã thành hình từ ánh sáng của nghị lực.

Một trái tim biết sống vì người khác
Dù học giỏi và năng động, Kim Tuyến vẫn giữ nét khiêm tốn, giản dị. Em hay giúp bạn học yếu trong lớp, thường xuyên dạy em trai học chữ vào buổi tối, tham gia dọn dẹp lớp học, làm công trình măng non, giữ gìn cảnh quan trường lớp sạch đẹp. Trong mắt bạn bè, em là người “chăm chỉ, sống đẹp và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác”.
Khi được hỏi: “Vì sao em luôn cười, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn?”, Tuyến trả lời: “Vì em nghĩ cười sẽ khiến người khác thấy vui, và chính mình cũng thấy nhẹ lòng hơn. Mỗi ngày được đi học, được sống, được viết văn là một món quà rồi.”
Nụ cười của em không phải sự vô lo, mà là biểu hiện của bản lĩnh. Đó là nụ cười của một tâm hồn trong trẻo, biết chắt chiu hạnh phúc từ điều nhỏ bé nhất: một trang sách mới, một lời khen từ thầy cô, một thành tích dù nhỏ nhưng là kết tinh của bao đêm không ngủ.
Thầy Trần Đức - Hiệu trưởng nhà trường từng nói: “Kim Tuyến là niềm tự hào của trường. Em không chỉ học giỏi mà còn có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm với cộng đồng. Em là minh chứng cho khát vọng vươn lên không ngừng của những đứa trẻ nơi vùng cao này.”
Từ hành trình của Kim Tuyến, có thể rút ra nhiều bài học quý giá trong công tác giáo dục học sinh miền núi - nơi còn không ít rào cản nhưng cũng đầy tiềm năng.
Thứ nhất, học sinh nghèo vùng cao không thiếu khát vọng, điều các em cần là sự quan tâm đúng lúc và sự dẫn dắt bền bỉ. Cô giáo bộ môn Ngữ văn của Tuyến là người đã không ngừng đồng hành, động viên và tìm cách khơi dậy ngọn lửa trong em. Vai trò của người thầy - người cô không chỉ là người truyền thụ, mà còn là người truyền cảm hứng.
Thứ hai, những câu chuyện như của Tuyến nên được kể lại, đưa vào các hoạt động trải nghiệm, tuyên truyền, để làm gương sáng cho bạn bè đồng trang lứa. Một hình mẫu thật, gần gũi, luôn có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn lý thuyết.
Thứ ba, cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng trường học, thư viện, mạng internet cho các điểm trường vùng cao. Em Kim Tuyến từng chia sẻ: “Em mơ được lên thư viện tỉnh một lần, để xem có bao nhiêu cuốn sách văn học.” - chỉ một ước mơ nhỏ như thế, cũng đủ khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Thứ tư, phải đưa kỹ năng sống và giáo dục giá trị sống vào từng tiết học, từng tiết dạy để các em biết yêu thương, biết sống có trách nhiệm, biết ước mơ và không ngại thay đổi. Với học sinh miền núi, đây không chỉ là điều cần thiết, mà là “chìa khóa” để các em bước ra khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói, tự ti.
Ngày được tuyên dương học sinh giỏi cấp tỉnh, em Kim Tuyến nói với cô giáo của mình: “Em muốn làm cô giáo, như cô, để về dạy ở trường làng mình. Em muốn các em nhỏ sau này cũng được học, được viết văn, được sống đẹp như em từng mơ.”
Ước mơ giản dị mà đầy ý nghĩa ấy khiến không ít người xúc động. Em không mơ về thành phố xa hoa, không ao ước rời bỏ bản làng nghèo khó, mà chỉ mong được góp sức mình vun đắp cho nơi đã nuôi dưỡng em từ bé. Có lẽ, đó mới chính là vẻ đẹp sâu lắng nhất - vẻ đẹp của một tâm hồn biết tri ân và sống vì cộng đồng.
“Sống đẹp là sống biết vươn lên và lan tỏa”
Câu chuyện của Coor Thị Kim Tuyến không phải cổ tích. Đó là một lát cắt chân thực trong cuộc sống muôn màu của giáo dục vùng cao - nơi mà mỗi ước mơ được nhen lên từ gian khổ, mỗi thành công là kết quả của cả một hành trình vươn lên không mỏi.
Tuyến vẫn cười mỗi ngày. Trên con đường mòn lắt léo dẫn từ nhà đến trường, em vẫn là cô học trò nhỏ với chiếc cặp cũ, dáng người gầy, mắt sáng, tóc cột gọn gàng và lòng chan chứa hy vọng. Em đang viết tiếp câu chuyện sống đẹp của mình bằng từng bước chân, từng bài học, từng nghĩa cử thầm lặng.
Sống đẹp - không chỉ là làm điều lớn lao. Sống đẹp - là khi một cô học trò nhỏ nơi núi rừng biết san sẻ yêu thương, giữ vững nụ cười trong hoàn cảnh gian nan, và không ngừng phấn đấu để mang ánh sáng tri thức về bản làng mình. Và chính em, trong sự lặng thầm ấy, đang là ngọn lửa sưởi ấm và có thể truyền cảm hứng cho bao bạn nhỏ khác khắp mọi miền đất nước...
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát động cuộc thi viết "Sống Đẹp - Sống Xanh" với 1 giải Nhất là 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. 2 giải Nhì: mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt. 3 giải Ba, mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 2 triệu đồng tiền mặt. Giải đồng hạng: 600 Voucher Sống đẹp - Sống xanh – trị giá 1 triệu đồng/ voucher để mua bất kỳ dòng xe máy điện nào của VinFast (Thời hạn sử dụng voucher: Từ 01/02/2025 - 30/9/2025) dành cho 600 tác giả có bài viết đạt chất lượng do Ban tổ chức xét qua vòng sơ loại.
Đối tượng tham gia cuộc thi viết là công dân, ưu tiên học sinh Việt Nam có tác phẩm phù hợp với nội dung cuộc thi.
Nội dung bài viết hướng tới lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn, tích cực nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam văn minh, đủ tố chất là công dân toàn cầu, giữ gìn bản sắc Việt Nam; Chia sẻ những câu chuyện, những tấm gương trong việc bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững của trái đất; Đưa các ý kiến, giải pháp, góp ý trong việc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam về Sống Đẹp - Sống Xanh, đón chào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Thời gian nhận bài: đến hết ngày 31/05/2025.
Bài viết gửi về hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc songdep@giaoduc.net.vn.