Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở bậc trung học cơ sở xuất hiện 2 bộ môn mới, gọi là môn tích hợp là môn Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), môn Lịch sử và Địa lý (tích hợp 2 môn Lịch sử, Địa lý) đã thực hiện được 2 năm.
Theo tôi, đối tượng được ưu tiên, nòng cốt để thực hiện chương trình mới 2 môn tích hợp chính là lực lượng sinh viên sư phạm 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ thay thế những giáo viên hiện tại để đủ kiến thức giảng dạy cả 2, 3 phân môn.
Khó có thể mong những giáo viên đơn môn hiện tại trên 40 tuổi vừa dạy phải vừa bồi dưỡng cộng với việc lớn tuổi, sức khỏe yếu sau bồi dưỡng đủ khả năng giảng dạy được cả 2,3 phân môn.
Ảnh minh họa giaoduc.net.vn |
Cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm môn Khoa học tự nhiên sẽ ra sao?
Môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là môn học mới, lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019-2020 có 150.465 lớp trung học cơ sở công lập.
Số liệu số lớp các năm gần đây thay đổi không nhiều đến năm 2024-2025 khi toàn bộ lớp bậc trung học cơ sở sẽ học chương trình mới có thể tăng lên đôi chút.
Người viết tạm tính số liệu đến năm 2024-2025 sẽ là 160.000 lớp bậc trung học cơ sở công lập học theo chương trình mới.
Vì môn Khoa học tự nhiên là môn học mới, về lý thuyết cả nước, sẽ cần đến rất nhiều giáo viên Khoa học tự nhiên để giảng dạy môn trên.
Với giả sử bậc trung học cơ sở có 160.000 lớp, với môn Khoa học tự nhiên, tương ứng mỗi tuần 4 tiết (140 tiết/năm với 35 tuần thực học), số tiết một tuần của môn Khoa học tự nhiên cả nước là 640.000 tiết.
Định mức làm việc của giáo viên trung học cơ sở theo văn bản hợp nhất 03 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 19 tiết/tuần.
Nếu lấy 640.000 chia cho 19 thì sẽ cần hơn 40.000 giáo viên khoa học tự nhiên (tính luôn kiêm nhiệm), con số khá lớn.
Có nghĩa là cơ hội nghề nghiệp của sinh viên sư phạm môn Khoa học tự nhiên rất rộng mở.
Tuy nhiên, thực tế lại là điều rất khác, theo tính toán sơ bộ của người viết, cả nước hiện nay giáo viên đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học vào khoảng 80.000 người.
Với 80.000 người này sau khi đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ Khoa học tự nhiên, cộng với giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc,…thì đến năm 2024-2025 có thể còn 70.000 người có chứng chỉ, đủ điều kiện giảng dạy môn Khoa học tự nhiên.
Cả nước cần khoảng 40.000 giáo viên Khoa học tự nhiên nhưng sau khi đào tạo, bồi dưỡng có khoảng 70.000 giáo viên, như vậy với lực lượng hiện tại sẽ thừa một số giáo viên để giảng dạy môn trên.
Như vậy, theo người viết sẽ rất khó có cơ hội cho sinh viên sư phạm môn Khoa học tự nhiên trong thời gian hiện nay và thời gian tới vì sau khi gom 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành 1 môn học thì sẽ thừa một số lượng không nhỏ giáo viên.
Đối với môn Lịch sử và Địa lý cũng tương tự, trong tương lai gần không có việc thiếu giáo viên.
Như vậy, dù là môn học mới, dù rất cần lực lượng sinh viên sư phạm môn Khoa học tự nhiên được đào tạo bài bản để thay thế lực lượng giáo viên hiện tại nhưng với những số liệu phân tích trên cơ hội nghề nghiệp của sinh viên sư phạm môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý lại khó khả quan.
Ngành sư phạm môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý rất khó, tích hợp 2,3 phân môn nhưng sinh viên ra trường khó tìm việc làm do không có chỉ tiêu từ các trường trung học cơ sở sẽ rất thiệt thòi cho các em.
Bên cạnh đó, các em học các ngành này cũng không thể giảng dạy ở bậc trung học phổ thông do cấp trung học phổ thông chỉ có môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý mà không có môn tích hợp.
Theo quan điểm người viết, nên có những chính sách đặc thù để khuyến khích giáo viên đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý được nghỉ hưu trước tuổi, tinh giản biên chế nếu không đáp ứng yêu cầu của chương trình mới với việc giảng dạy 2,3 phân môn.
Nếu không có có những giải pháp quyết liệt, phù hợp thì lực lượng sinh viên sư phạm môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ khó có cơ hội được giảng dạy trong các trường, hao phí nguồn nhân lực rất quan trọng để thực hiện thành công chương trình mới.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.