Tiến sĩ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý có thể không được dạy HS THPT?

02/04/2023 06:42
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên, sinh viên ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trình độ thạc sĩ, tiến sĩ không đủ chuẩn để dạy học sinh bậc trung học phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở bậc trung học cơ sở xuất hiện 2 bộ môn mới, gọi là môn tích hợp là môn Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), môn Lịch sử và Địa lý (tích hợp 2 môn Lịch sử, Địa lý) đã thực hiện được 2 năm nhưng lại xuất hiện nhiều tồn tại, bất cập.

Hiện nay, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giám sát "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 52/ 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" đang tiếp tục làm việc với các ban ngành, địa phương về việc thực hiện đổi mới, chương trình sách giáo khoa.

Trong báo cáo, các địa phương đều nhận định chương trình mới có những tiến bộ, đổi mới nhưng còn tồn tại nhiều hạn chế như cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, tình hình bồi dưỡng giáo viên chương trình mới còn chậm,…

Và, trong báo cáo của nhiều địa phương đều nêu khó khăn trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý với thực trạng 2, 3 giáo viên dạy 1 môn và khó khăn trong việc bồi dưỡng chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý,…

Trong bài viết, người viết xin được bàn thêm 1 vấn đề bất cập trong thời gian tới đó chính là việc đào tạo chuyên ngành sau đại học với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Ảnh minh họa vtv.vn

Ảnh minh họa vtv.vn

Liệu có đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý?

Cùng với sự xuất hiện môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, các trường đại học sư phạm cả nước đã có những sinh viên sư phạm môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ra trường.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đáp ứng chương trình mới.

Như vậy, đã có một số ít giáo viên đủ điều kiện giảng dạy được môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, dù vẫn còn nhiều băn khoăn, ái ngại về chất lượng thật sự của giáo viên này khi “ôm” cả 2, 3 phân môn rất khó Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Lịch sử, Địa lý.

Có thể trong thời gian tới, sẽ xuất hiện chương trình sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) ngành sư phạm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ đào tạo của giáo viên để đạt trên chuẩn và có thể là tiêu chuẩn để xếp hạng cao hơn.

Tương tự, giáo viên, sinh viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý nếu không có chứng chỉ "tích hợp" cũng không được phân công giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý bậc trung học cơ sở.

Bởi, tại Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT (đang được dự thảo sửa đổi, bổ sung), tại điểm a khoản 3 Điều 5 quy định về Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số V.07.04.30 như sau: “a) Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên;…”

Như vậy, với quy định hiện hành, giáo viên trung học cơ sở theo văn bản quy định hiện hành điều kiện để được xếp hạng I phải có trình độ tối thiểu thạc sĩ.

Giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý phải có trình độ thạc sĩ đúng chuyên ngành trở lên thì mới được bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở hạng I.

Và tất nhiên, sẽ có những giáo viên có trình độ thạc sĩ tiếp tục nâng cao trình độ lên tiến sĩ chẳng hạn.

Điều đó là tất yếu, giáo viên học trên chuẩn là việc hết sức bình thường nhưng người viết băn khoăn với việc đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ do ai đảm nhận giảng dạy vì đó là đào tạo chuyên sâu, có yêu cầu rất cao.

Giảng viên đơn môn nhưng đào tạo giảng dạy thạc sĩ, tiến sĩ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là khiên cưỡng.

Tiến sĩ môn Khoa học tự nhiên lại không dạy được học sinh trung học phổ thông?

Tại Việt Nam và các nước trên thế giới, tiến sĩ khoa học sẽ là chức danh học vị cao nhất. Để đạt được học vị này, trước tiên người học cần đáp ứng được tất cả các tiêu chí của những cấp bậc trước đó và thông thạo lĩnh vực mà mình học, nghiên cứu.

Giả sử, có một vài người rất giỏi học và đạt đến học vị tiến sĩ môn Khoa học tự nhiên, chắc chắn là người rất giỏi, thậm chí thế giới cũng có rất ít người có học vị tiến sĩ Khoa học tự nhiên.

Tuy nhiên, bất cập là người đạt học vị thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ rất giỏi này lại có thể không được giảng dạy ở bậc trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12).

Vì, hiện nay tại bậc trung học phổ thông không có môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý mà chỉ có môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Như vậy, giáo viên có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ không đủ điều kiện giảng dạy ở bậc trung học phổ thông, vì dù có bằng cấp nhưng không đúng chuyên ngành giảng dạy.

Bên cạnh đó, tại Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định để được xếp lương giáo viên trung học phổ thông hạng III, II, I về tiêu chuẩn trình độ đào tạo ít nhất phải “có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học phổ thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.”

Như vậy, nếu trường đại học đào tạo chuyên ngành sư phạm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thì giáo viên đó chỉ có thể giảng dạy ở bậc trung học cơ sở trở xuống, không thể dạy ở bậc trung học phổ thông vì không đủ điều kiện về tiêu chuẩn.

Nhưng, nghịch lý là nếu giáo viên, sinh viên ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý có học nâng chuẩn trình độ lên thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ vẫn không đủ chuẩn để dạy học sinh bậc trung học phổ thông.

Thực tế, việc xuất hiện môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở bậc trung học cơ sở, xuất hiện quá nhiều bất cập, rắc rối phát sinh từ khi manh nha đến khi triển khai, kể cả đào tạo bồi dưỡng chứng chỉ, đại học, sau đại học,…còn rất nhiều điều chưa hợp lý, bất cập, cần phải được nghiên cứu, xem xét thấu đáo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam