Dôi dư giáo viên Khoa học tự nhiên, kiêm nhiệm chỉ nên là giải pháp tình thế

14/07/2022 06:45
Thiên Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xây dựng tổ hợp môn học theo nhu cầu của học sinh phải dựa trên tinh thần đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của nhà trường.

Tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, nhiều lãnh đạo Sở bày tỏ lo ngại việc quá nhiều học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội để học, thi và xét tuyển dẫn đến giáo viên khối ngành khoa học tự nhiên bị dôi dư.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung này, thầy Nguyễn Tiến Thạch - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập (Hà Tĩnh) cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 10, việc dôi dư giáo viên là điều khó tránh khỏi bởi học sinh được quyền lựa chọn tổ hợp môn.

Đối với Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập, trước khi học sinh lớp 10 nhập học, chúng tôi sẽ tổ chức lấy ý kiến, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng để nắm được xu hướng lựa chọn tổ hợp của các em.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc quá nhiều học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội để học, thi và xét tuyển dẫn đến giáo viên khối ngành khoa học tự nhiên bị dôi dư. (Ảnh minh họa: Dương Hà)

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc quá nhiều học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội để học, thi và xét tuyển dẫn đến giáo viên khối ngành khoa học tự nhiên bị dôi dư. (Ảnh minh họa: Dương Hà)

Trong trường hợp học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội nhiều hơn tổ hợp khoa học tự nhiên, trường cũng đã tính đến phương án trình Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ giáo viên biệt phái để trường có đủ số lượng giáo viên dạy theo nguyện vọng đăng ký của các em.

Còn nếu xảy ra tình trạng giáo viên môn thuộc tổ hợp khoa học tự nhiên bị dôi dư, nhà trường sẽ phân công những giáo viên này đảm nhận dạy một số môn khác như giáo dục hướng nghiệp, giáo dục địa phương hoặc kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm để hoàn thành định mức tiết dạy", vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Thầy Thạch cho rằng, năm đầu triển khai chương trình mới nên các trường sẽ rất khó lường trước được các tình huống xảy ra. Cũng có thể năm nay học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội nhiều hơn nhưng năm sau các em lại lựa chọn tổ hợp này ít, thay vào đó là tổ hợp khoa học tự nhiên.

"Theo tôi, giải pháp tốt nhất để giáo viên không bị dôi dư mà các em lại được học theo đúng nguyện vọng của mình là phải định hướng nguyện vọng, khối học cho học sinh ngay từ cấp trung học cơ sở. Từ đó, các trường trung học phổ thông cũng có căn cứ để chuẩn bị thật tốt cơ sở vật chất cùng đội ngũ giáo viên. Việc để giáo viên kiêm nhiệm chỉ nên là giải pháp tình thế, nếu đi đường dài thì cần phải có điều chỉnh sao cho hợp tình, hợp lý", thầy Nguyễn Tiến Thạch nói.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cho hay: "Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi cũng đã gửi văn bản hướng dẫn để các trường chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk (Ảnh: Báo Đắk Lắk).

Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk (Ảnh: Báo Đắk Lắk).

Hiện nay, Đắk Lắk đang trong quá trình tuyển sinh vào lớp 10, cho nên việc học sinh lựa chọn tổ hợp môn vẫn chưa có số liệu chính thức. Tuy nhiên, vấn đề dôi dư giáo viên chắc chắn sẽ diễn ra vì đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới đối với khối lớp 10.

Các trường trung học phổ thông cũng đã chuẩn bị một số giải pháp để đảm bảo số tiết theo quy định cho giáo viên. Ở bậc trung học phổ thông thì số tiết tiêu chuẩn 1 tuần phải đạt 17 tiết, nếu tổ hợp khoa học tự nhiên có ít học sinh lựa chọn thì giáo viên có thể kiêm nhiệm thêm công tác chủ nhiệm, công tác đoàn trường...

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham vấn ý kiến của các trường, phòng Giáo dục và Đào tạo để từ đó đưa ra các phương án giải quyết phù hợp nhất trong trường hợp giáo viên bị dôi dư".

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cũng thông tin thêm: "Hiện nay, khối trường trung học phổ thông trực thuộc Sở không diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Tuy nhiên, năm nay do chương trình học ở cấp trung học phổ thông có thêm môn mới là Âm nhạc và Mỹ thuật nên việc tuyển dụng, bố trí đội ngũ giáo viên cho 2 môn này vẫn là nỗi băn khoăn lớn đối với lãnh đạo các trường".

Trong khi đó, ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng cho rằng: "Để thực hiện tốt chương trình mới, các trường nên đặt vấn đề là mình có bao nhiêu giáo viên dạy môn Vật Lý, Hóa học, Lịch Sử, Địa lý... với chừng ấy giáo viên, trường có thể mở được bao nhiêu lớp. Hãy tính như vậy thay vì để học sinh lựa chọn tổ hợp rồi mới bố trí lớp học.

Các trường trung học phổ thông cũng nên lưu tâm việc xây dựng tổ hợp môn học theo nhu cầu của học sinh, nhưng phải trên tinh thần đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên của nhà trường.

Theo tôi, chương trình nào cũng sẽ có ưu, nhược điểm. Tôi cũng hy vọng sau năm đầu thực hiện chương trình phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có tính toán, điều chỉnh hợp lý và cùng các tỉnh tháo gỡ những khó khăn".

Thiên Nhi