Có nên công bố danh sách thí sinh trong vụ tiêu cực thi cử ở Hòa Bình hay không?

17/03/2019 08:12
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - . Đừng “sợ tổn thương” các thí sinh vi phạm bởi chính vụ việc tiêu cực này đã làm “tổn thương” ngành giáo dục nước nhà, làm xói mòn niềm tin của xã hội.

Sau sự việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia ở Hòa Bình có kết quả của cơ quan điều tra.

Trong số 64 thí sinh đã được xác định là có dính líu đến với việc tiêu cực thì có 63 thí sinh của kỳ thi năm 2018 và 1 thí sinh của kỳ thi năm 2017. 

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là có công bố công khai danh sách 64 thí sinh này hay không?

Đây là vấn đề nhạy cảm của xã hội nên đại diện ngành giáo dục địa phương, chính quyền và các trường đại học còn đắn đo bởi sợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các thí sinh khi các em đang còn quá trẻ và sự việc này chưa hẳn là các em được biết.

Song, có lẽ việc công khai danh sách là cần thiết bởi các thí sinh này đã qua tuổi 18- cái tuổi đủ để chịu mọi trách nhiệm có liên quan đến mình trước pháp luật.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình- nơi phát hiện ra 64 thí sinh được nâng điểm thi (Ảnh: giaddinh.net.vn)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình- nơi phát hiện ra 64 thí sinh được nâng điểm thi

(Ảnh: giaddinh.net.vn)

Trước sự việc này, bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Hòa Bình đã cho biết là Sở sẽ không công bố danh sách gian lận thi cử vì “sợ tổn thương” thí sinh.

Lý do không công bố được bà Hường lý giải như sau: “Vì tuổi của các thí sinh hiện đang 17, 18, độ tuổi tuy có những suy nghĩ chín chắn nhưng cũng có những suy nghĩ bồng bột.

Việc người lớn làm, các em phải chịu đã là một tổn thất lớn cho các em. Nhưng chúng tôi muốn làm sao để tâm lý các em không bị đột ngột, không bị xáo trộn”.

Chúng tôi cho rằng ý kiến của bà Phó Giám đốc Sở rất... nhân văn nhưng có lẽ sẽ không phù hợp trong những trường hợp này.

Nếu làm không đến nơi, đến chốn thì có thể “làm gương” cho những sự việc tương tự xảy ra trong thời gian tới.

Nhất là trong bối cảnh không phải chỉ có Hòa Bình mà còn nhiều địa phương khác cũng đang được điều tra, làm rõ trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Hơn nữa, đây càng không phải là trường hợp cá biệt bởi cơ quan chức năng đã phát hiện tới 64 trường hợp và có cả thí sinh của năm học trước.

Nếu “sợ tổn thương” thí sinh thì sẽ tạo nên một tiền lệ vô cùng đáng lo ngại cho các tỉnh cũng đang được điều tra và thậm chí là rồi đây nếu các kiểu vi phạm tương tự như thế này, chúng ta cũng sẽ rất khó công bố trước dư luận.

Có nên công bố danh sách thí sinh trong vụ tiêu cực thi cử ở Hòa Bình hay không? ảnh 2Bố mẹ chạy điểm mà đem tên thí sinh bêu lên là một sai lầm!

Đây có phải là việc làm của phụ huynh mà các thí sinh chỉ là “nạn nhân” của cha mẹ hay không?

Chúng tôi hoàn toàn cho rằng các thí sinh này thừa biết việc làm của cha mẹ mình.

Khi làm một việc lớn như vậy lẽ nào lại không có những trao đổi giữa cha mẹ với con cái?

Phụ huynh thừa hiểu là nếu con em mình mà học giỏi thì chẳng có ai lại bỏ tiền ra chạy điểm để làm gì.

Vừa mất tiền, vừa mất uy tín trước mọi người bởi thường thì việc “chạy” hay “nhờ vả” cũng đều phải qua nhiều khâu trung gian khác nhau.

Và, nếu thí sinh khi thi không làm được bài nhưng khi công bố điểm thì cao chót vót để trở thành thủ khoa, á khoa của một số trường đại học lại không thấy điều bất thường hay sao?

Vì thế, chỉ khi con em mình học dở nhưng “mục tiêu” của cha mẹ, của thí sinh lớn thì họ mới chạy điểm. Nên, nói cha mẹ chạy mà thí sinh không biết là điều hoàn toàn không hợp lý.

Nếu Bộ và Sở Giáo dục- Đào tạo Hòa Bình chỉ công bố danh sách đến các trường đại học rồi các trường xử lý theo quy chế và cao nhất là đuổi học, các sinh viên này âm thầm trở về nhà thì đây là chuyện hoàn toàn vô lý.

Chúng ta không chỉ xử lý hình sự những cán bộ, giáo viên trong Hội đồng thi ở Hòa Bình tham gia sửa điểm.

Điều dư luận cũng đang mong chờ là cả những thí sinh trong vụ tiêu cực này- ít nhất cũng phải được công bố danh sách trước dư luận.

Có nên công bố danh sách thí sinh trong vụ tiêu cực thi cử ở Hòa Bình hay không? ảnh 3Bài học đắt giá ở vụ tiêu cực thi quốc gia tại Hòa Bình

Nếu chỉ âm thầm xử lý các thí sinh, không cho dư luận biết có khác nào anh lấy trộm, lấy cắp của ai đó những đồ vật quý giá nhưng bị phát hiện thì trả lại tang vật… rồi thôi.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều thanh thiếu niên phạm pháp và họ bị công khai danh tính và tất nhiên cũng chẳng ai “sợ tổn thương” bao giờ.

Mọi người cần bình đẳng trước pháp luật như nhau.

Khi con người ta đã đủ 18 tuổi là đủ tuổi để chịu trách nhiệm trước luật pháp khi mình vi phạm hoặc liên quan đến sai phạm.

Chính vì vậy, dù có đau, thậm chí có "tổn thương" cho 64 thí sinh này thì việc công bố danh sách công khai cũng là điều cần thiết. Trước pháp luật, dù có nhân văn đến đâu thì người vi phạm cũng cần được đối xử bình đẳng như nhau.

Gian lận 1-2 điểm thì đã cướp mất cơ hội của người khác.

Đằng này, có thí sinh được nâng 1 môn đến 9.25 điểm, có trường hợp nâng 3 môn là 26,45 điểm thì không chỉ cướp mất suất của các thí sinh khác mà còn cướp mất cả vị trí thủ khoa của các trường đại học, học viện.

Cho dù một số thí sinh không nhập học nhưng phần lớn đã nhập học ở các trường đại học, học viện.

Vì thế, các cơ quan chức năng cần minh bạch, bình đẳng giữa những người học hành đàng hoàng, cầu tiến và những người học hành gian dối, học hình thức, học cầu danh lợi.

Muốn đất nước giàu mạnh, công bằng thì việc nhỏ nhất phải xử lý người vi phạm bình đẳng như bao nhiêu những người khác.

Đừng “sợ tổn thương” các thí sinh vi phạm bởi chính vụ việc tiêu cực này đã làm “tổn thương” ngành giáo dục nước nhà, làm xói mòn niềm tin của xã hội.

Tài liệu tham khảo:

-http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-me-chay-diem-ma-dem-ten-thi-sinh-beu-len-la-mot-sai-lam-post196547.gd

-https://vtc.vn/pho-gddt-hoa-binh-khong-cong-bo-danh-sach-gian-lan-thi-cu-vi-so-ton-thuong-thi-sinh-d463117.html

NGUYỄN NGUYÊN