Lịch sử thi cử ở Việt Nam có tuổi đời 944 năm, kể từ khoa thi đầu tiên dưới thời vua Lý Nhân Tông (năm 1075 đến ngày nay). Đúng như nhận xét khái quát “gian lận thi cử thời nào cũng có”.
Hẳn cũng là lẽ tất yếu khi thi cử ở Việt Nam, đặc biệt thời phong kiến là bước nhảy tối quan trọng để ra làm quan, sử sách ghi chép các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức 185 kỳ thi cho “ra lò” khoảng 3.000 tiến sĩ Nho học.
Suốt quãng thời gian gần hơn 800 năm nhưng chỉ có 3.000 tiến sĩ được công nhận, quả thật ít ỏi, nhưng không vì thế mà chế độ phong kiến không tạo ra được những thành tựu quan trọng.
Thi cử thời phong kiến làm rất tốt nhiệm vụ “tuyển chọn nhân tài”, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Để làm được điều này, các triều đại phong kiến luôn có cái nhìn rất khắt khe với “gian lận thi cử”.
Tương truyền, Cao Bá Quát một lần chấm thi, có một bài tuyệt hay, nhưng bị “phạm húy”, Quát thấy tiếc cho thí sinh nên chỉnh lại một vài chỗ. Sự việc sau đó bị phát hiện, Quát bị bắt giam và suýt bị chém đầu.
Năm 1673 dưới triều vua Lê Gia Tông, quan Tham chính Vũ Cầu Hối cùng phủ doãn Ngô Sách Dụ nhận tiền bạc gửi gắm thí sinh đi thi.
Sự việc bị điều tra, cả hai ông bị cắt hết chức tước, bắt làm nô lệ.
Kỳ thi năm 1696, Lê Hi, một quan Tham tụng “gửi gắm” con mình đi thi, nhưng vẫn bị trượt, dùng quyền lực và tiền bạc Lê Hi đưa bài thi của con mình cho các quan chấm thi sửa những nơi bị sai. Sự việc bại lộ, có người bị xử giảo (treo cổ).
Năm 1775, trong kỳ thi “đệ tứ” dưới thời vua Lê Hiển Tông, một người thân của Lê Qúy Đôn đã đổi bài thi cho người khác, sự việc bị phát giác, cả người đổi bài và người được đổi bài bị đày biệt xứ.
Nhắc lại để thấy rằng, vì sao trải qua thời gian rất dài mà chế độ phong kiến có rất ít tiến sĩ, đó là vì thi cử ngặt nghèo, trọng chất lượng, trọng hiền tài, và quan niệm giáo dục và “bách niên chi kế”.
Dù rất không muốn, nhưng đã thấy và phải nói rằng, giáo dục hiện nay là “quốc sách hàng đầu” nhưng vẫn còn quá nhiều điểm “đen” về chất lượng, tiêu cực, mặc dù “công nghệ thi cử”, luật pháp hiện nay tiến bộ rất xa so với thời phong kiến.
Sau một kỳ thi, người ta từng thấy “trắng cả sân trường” vì tài liệu, phao thi, phải chăng ai cũng cho rằng đã “xong việc” thì không việc gì phải giấu.
Có một thời, người ta cấm tiệt những quầy photocopy in ấn tài liệu thu nhỏ liên quan đến thi cử. Tình hình có tiến triển, thí sinh không còn dở tài liệu theo cách truyền thống.
Chuyển sang dùng công nghệ, tai nghe từ xa, máy bộ đàm kết nối trong và ngoài phòng thi, sự việc rất nhức nhối nhiều năm trước…
Khi những chiêu thức đó bị ngăn chặn, gian lận thi cử lại biến hình qua một dạng thức khác nguy hiểm hơn, triệt để hơn và có vẻ…an toàn hơn!
Số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên của Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 chiếm 35% cả nước. Ảnh: vtc.vn |
Đó là sửa điểm thi, vụ việc gây bức xúc dư luận ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang mới đây đã rung lên hồi chuông báo động, chính những người “trong cuộc” đã tiếp tay phá hoại công cuộc tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Thử hỏi: Tội nặng hay nhẹ?
Nặng hay nhẹ dư luận xã hội hẳn đã có câu trả lời, nhưng rất không hay nếu những người chạy điểm không được công khai trước pháp luật.
Phải chăng nhờ “nhân thân” tốt nên rất nhiều thí sinh hiện nay vẫn đang “rèn luyện” ở đâu đó trong những ngôi trường giàu truyền thống, có ảnh hưởng đến lĩnh vực “nhạy cảm”.
Tuy nhiên, những thí sinh không có tội, tội là do những bàn tay sắp đặt của quý vị phụ huynh, quý vị được tin tưởng phó tác trọng trách điều hành kỳ thi cực kỳ quan trọng này.
Ai có thể tác động để “chạy điểm”? Người nghèo chăng? Hay là những ông bố bà mẹ suốt ngày lam lũ quần quật giữa ruộng đồng bùn đất? Hay là những phụ huynh có con em học lực giỏi, xuất sắc…?
Có nhiều thí sinh gian lận điểm thi ở Hòa Bình nhập học các trường công an |
Hệ thống quản lý, điều hàng kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia phải nói rất đồ sộ, bài bản, đầy quyền uy và đồng bộ từ trên xuống dưới, được giám sát chặt chẽ bằng nhiều công cụ.
Để có tác động đủ mạnh phá vỡ quy trình này không hề dễ dàng nếu người ta không có quyền lực và sức ảnh hưởng.
Vì thế, có thể mường tượng ra công thức “học lực yếu + quyền lực, tiền bạc = sửa điểm”.
Những gì cơ quan điều tra đã làm là lôi ra ánh sáng bản chất của sự việc, nhiều cá nhân bị truy tố, hé lộ số tiền không hề nhỏ để “chạy điểm”, có thể nói đã đi đến 99% quãng đường vụ án.
Nhưng có một điều làm thắc mắc dư luận, cũng là nguồn cơn của vài câu hỏi mà người viết đã nêu trên. Vì sao chưa thể rộng đường dư luận bằng cách công bố người chạy điểm.
Thiết nghĩ, nếu những người chạy điểm là cán bộ, công chức, đảng viên cần phải công khai, như Bác Hồ đã nói “không sợ sai lầm chỉ sợ không sửa”, đúng với chủ trương làm trong sạch bộ máy.
Vụ việc đã lùm xùm từ tháng 7, tháng 8 năm trước. Hàng chục thí sinh cũng đã được dư luận cảnh báo. Tuy nhiên, họ vẫn cố tình “đương đầu” với dư luận để nhập học vào các trường.
Có lẽ, họ nghĩ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng không xác định được bài thi vi phạm thì họ vẫn có cơ hội “thoát tội”? Thế nên, dù không công khai danh tính, những tác nhân này vẫn phải bị xử lý thật nghiêm.
Ăn cắp 2 ổ bánh mỳ, vài bịch kẹo bị xử hàng chục tháng tù; vận chuyển 2 thớt gỗ bé xíu vẫn không thoát lưới pháp luật; người buôn thúng bán bưng bị truy quét rốt ráo…
Có thể xem đó là sự nghiêm minh cần có của pháp luật, nhưng sẽ bất công nếu những vụ việc động trời, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội không được minh bạch, công khai.
Giáo dục đang chịu quá nhiều cay đắng từng búa rìu dư luận, làm lu mờ nhiều thành tích đạt được, đó là một nghịch lý, nhưng thiết nghĩ, nó có nguyên nhân từ những thứ còn dây dưa, mập mờ.