Có nhiều giá trị tốt đẹp của ngành giáo dục đang bị mai một dần

15/12/2019 06:26
THANH AN
(GDVN) - Điều đáng trách nhất là một số lãnh đạo ngành giáo dục, một số thầy cô giáo bây giờ đang đánh mất mình trước những cám dỗ của đồng tiền mà chà đạp lên tất cả.

Xã hội dù có thay đổi và phát triển như thế nào đi chăng nữa thì hình ảnh những thầy cô giáo, những lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục vẫn có một vai trò, vị thế rất riêng.

Chính vì thế, nhiều thầy cô giáo vẫn đang tận tụy với nghề nghiệp của mình. Nhiều thầy cô vẫn chấp nhận đến công tác ở những vùng khó khăn và làm đẹp cho hình ảnh người thầy. Nhiều lãnh đạo ngành giáo dục vẫn trăn trở với sự phát triển của ngành.

Nhiều em học trò vẫn mê say học tập, trong đó có những em phải vượt qua khó khăn để đến trường. Những con người như thế khiến chúng ta cảm phục và trân quý hơn bao giờ hết.

Nhiều thầy cô giáo vẫn đang vượt qua mọi khó khăn để làm đẹp cho hình ảnh người thầy (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Nhiều thầy cô giáo vẫn đang vượt qua mọi khó khăn để làm đẹp cho hình ảnh người thầy (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Thế nhưng, điều đáng trách nhất là một số lãnh đạo ngành giáo dục, một số thầy cô giáo đang đánh mất mình trước những cám dỗ của đồng tiền mà chà đạp lên tất cả.

Một số em học sinh đã nhiễm phải thói hư, tật xấu mà đối xử không tốt với bạn bè, với thầy cô của mình, xem thường học tập, thờ ơ với tương lai của mình. Những điều này khiến cho ngành giáo dục không có được những niềm vui trọn vẹn. Đôi lúc còn khiến xã hội hoài nghi, mai một niềm tin vào giáo dục nước nhà.

Có lẽ vì thế mà đôi lúc chúng tôi lại tiếc nuối giá như ngành giáo dục bây giờ làm được những điều giản đơn như ngày trước thôi, cái thời mà không có dạy thêm, đánh giá chất lượng học trò khách quan, không chạy theo thành tích.

Một số lãnh đạo nhà trường tham lam công quỹ, không hà khắc, độc đoán với cấp dưới như bây giờ. Những dịch vụ, những sản phẩm bán cho học trò không có giá đắt đỏ, không có phần trăm, hoa hồng.

Ngày ấy, tình cảm thầy trò, tình anh em đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới đồng lòng chứ không làm mất lòng nhau như bây giờ.

Cái ngày chưa xa ấy, đất nước còn nghèo, học sinh đi học không phải lo lắng tiền học thêm bằng tiền trăm, tiền triệu, những học sinh đậu được vào trường đại học là niềm vinh dự cho bản thân, gia đình và dòng họ.

Lúc ấy, học sinh thi đại học cũng không dễ như bây giờ, phải là những học sinh thực sự giỏi mới có cửa vào đại học. Sinh viên ra trường không phải thất nghiệp, không phải chạy vạy hết chỗ này đến chỗ khác để tìm việc làm.

Bây giờ, điều kiện kinh tế khá hơn, học sinh được đầu tư nhiều hơn, học sinh “được học thêm” từ khi chưa vào lớp 1. Tiền học thêm chiếm một phần lớn thu nhập của các gia đình nghèo.

Vậy mà học trò học hành vẫn lơ mơ, một số em học gần hết tiểu học vẫn chưa đọc thông, viết thạo. Thế nhưng, nhìn vào điểm tổng kết bậc tiểu học bây giờ được thầy cô đánh giá thì toàn là hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc, các cấp học cao hơn thì quá nhiều học sinh khá, giỏi!

Có nhiều giá trị tốt đẹp của ngành giáo dục đang bị mai một dần ảnh 2Vì sao một số hiệu trưởng nhà trường chưa được lòng giáo viên?

Ngày đó, đâu có nhiều khoản xã hội hóa giáo dục, đâu có nhiều khoản đóng góp “tự nguyện” như bây giờ. Phụ huynh gửi con cho nhà trường đóng một số tiền học phí rồi yên tâm học tập cả năm và không có họp phụ huynh nhiều như bây giờ.

Nhà trường lúc ấy cũng không có vận động phụ huynh đóng góp, cũng không gửi thư ngỏ nhiều lần như bây giờ. Cuối năm, mỗi lớp được vài học sinh tiên tiến, được thưởng vài cuốn tập là học trò mừng vui cả tháng.

Bây giờ, trong lớp rất ít học sinh tiên tiến bởi đa phần là học sinh giỏi nên nhà trường phải vận động nhiều tiền từ phụ huynh để thưởng cho học trò vào dịp cuối năm.

Tiền vận động xã hội hóa bây giờ nhiều quá, năm nào cũng vận động, năm nào cũng mua sắm mới. Những chiếc ti vi để làm màn hình cho giáo viên giảng dạy cứ mua được một vài năm là hư hỏng, lại vận động tiền phụ huynh để mua mới.

Mỗi khi có lãnh đạo mới thay đổi, nhiều hạng mục trong nhà trường lại phá đi để xây lại mới. Những nhà xe, những hàng rào, những cột cờ... đang đẹp cũng được đập đi làm lại. Tất nhiên, trường có đẹp hơn nhưng phụ huynh cũng phải đóng tiền nhiều hơn.

Ngày xưa, giáo viên trong trường thường rất tôn trọng hiệu trưởng của mình vì hiệu trưởng không tham lam, kinh phí nhà trường lúc đó cũng không nhiều như bây giờ. Mối quan hệ thủ trưởng với giáo viên, nhân viên trong nhà trường bây giờ ngày càng xa cách.

Hiệu trưởng thời xưa chỉ lo chuyên môn, lo quản lý nhà trường được tốt nhất, một số hiệu trưởng bây giờ còn lo nhiều cho “ngoại giao”, lo “chạy việc” cho giáo viên, lo vận động xã hội hóa và nghĩ nhiều về “hoa hồng” trên mỗi sản phẩm được bán trong nhà trường.

Bây giờ, có những hiệu trưởng nhà trường còn tạo phe phái, chia rẽ đoàn kết khi có những người không cùng ê kíp, không cùng chính kiến và không biết nịnh bợ, thăm hỏi mình…

Có nhiều giá trị tốt đẹp của ngành giáo dục đang bị mai một dần ảnh 3Minh bạch trong việc phát hành, tiêu thụ sách giáo khoa là điều rất khó!

Những cuốn sách giáo khoa ngày ấy được cấp về trường, hàng năm nhà trường cho học trò mượn. Sách dù rách mà thầy trò trân trọng, giữ gìn từ năm này đến năm khác.

Không giống như bây giờ, nhiều loại sách giáo khoa được bán qua đường nội bộ, sách được tuồn vào nhà trường để bán cho học sinh với giá cao ngất ngưởng.

Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa thực hiện mà đã có Nhà xuất bản đã “đi đêm” với một số lãnh đạo giáo dục địa phương….Những dự án giáo dục khi trước cũng không nhiều, những tiêu cực về thi cử cũng không động trời giống như bây giờ.

Có đời thuở nào mà kỳ thi quốc gia lại có những quan chức ngành giáo dục địa phương đứng ra nâng điểm cho con quan chức ở địa phương mình. Nhiều con quan chức được nâng khống điểm, nhiều lãnh đạo giáo dục đứng trước tòa vẫn trâng tráo chối tội.

Hơn 50 thí sinh trong vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vẫn đang theo học tại các trường đại học trên cả nước. Sự công bằng trong giáo dục bị đánh cắp ở một số nơi và cán cân công lý không phải bao giờ cũng được thực thi một cách triệt để đối với tất cả mọi người.

Bao giờ tất cả lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo của ngành thực sự là tấm gương cho giáo viên? Thầy cô là tấm gương sáng cho học trò về trách nhiệm, tình yêu thương, sự trung thực? Bao giờ học trò kính trọng những người thầy đang dạy mình như xưa?

Bây giờ, trò không sợ thầy, nhiều học trò không kính thầy, người thầy đi dạy mà đôi khi còn sợ ngược lại học trò vì trò hỗn láo mà thầy chẳng có thể làm gì được. Rất nhiều vấn đề trong giáo dục cần được giải quyết, cần sự chung tay của nhiều người, nhiều ngành.

THANH AN