Vì sao một số hiệu trưởng nhà trường chưa được lòng giáo viên?

08/12/2019 06:00
NHẬT DUY
(GDVN) - Ở các trường phổ thông hiện nay, có nhiều người được bổ nhiệm hiệu trưởng vì họ có tài năng thực sự, họ đi lên bằng năng lực và phẩm chất của mình.

Nhiều hiệu trưởng không được lòng giáo viên và phụ huynh đó là một thực tế mà chúng ta đã chứng kiến ở các nhà trường, đã thấy phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua.

Tất nhiên, chúng ta cũng không phủ nhận được còn nhiều hiệu trưởng liêm khiết, hòa đồng và luôn trăn trở cho sự phát triển của đơn vị, của ngành giáo dục.

Song, từ những hiệu trưởng đã vi phạm, bị tố cáo, bị xử lý, bị truy tố đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh người quản lý nhà trường và đôi làm cho giáo viên chán ngán về người đứng đầu đơn vị của mình.

Giáo viên đều mong muốn có một môi trường lành mạnh để công tác, cống hiến (Ảnh minh họa: TTXVN)
Giáo viên đều mong muốn có một môi trường lành mạnh để công tác, cống hiến (Ảnh minh họa: TTXVN)

Một số hiệu trưởng chưa thực sự là thủ lĩnh

Trong số hàng chục ngàn hiệu trưởng ở các trường phổ thông hiện nay, có những người được bổ nhiệm vì họ có tài năng thực sự, họ đi lên bằng năng lực và phẩm chất của mình.

Tuy nhiên, cũng có những hiệu trưởng “không hiểu vì sao” mà được bổ nhiệm bởi trình độ chuyên môn không giỏi, khả năng tập hợp, xây dựng mối đoàn kết không tốt, tố chất của một người thủ lĩnh không có.

Trong khi đó, chúng ta biết rằng ở trường phổ thông, hiệu trưởng là người đứng đầu đơn vị nên hiệu trưởng ban hành kế hoạch, ra mệnh lệnh thì tất nhiên giáo viên trong trường phải thực hiện, phải làm theo.

Những kế hoạch, mệnh lệnh của hiệu trưởng mà phù hợp, được nhiều người tán thành thì không nói làm gì, nhưng có những kế hoạch, mệnh lệnh của hiệu trưởng khiến nhiều người bất bình nhưng họ vẫn phải làm theo.

Chính vì thế, cho dù “khẩu phục” nhưng “tâm không phục” nên tính đoàn kết trong đơn vị không có mà những người hiệu trưởng đó khiến giáo viên chán ghét. Những giáo viên mà có những ý kiến phản biện lại thì bị xem là chống đối, bị tìm cách chèn ép, hạ uy tín.

Khi gặp những hiệu trưởng áp đặt, chủ quan và đối xử với giáo viên một cách hà khắc thì đơn vị không phát triển được mà môi trường làm việc bao giờ cũng nặng nề, căng thẳng, đề phòng lẫn nhau...

Vì sao một số hiệu trưởng nhà trường chưa được lòng giáo viên? ảnh 2
Hiệu trưởng quá nhiều quyền sẽ dẫn đến lạm quyền

Nhưng vì công việc, vì miếng cơm, manh áo mà một số giáo viên cũng phải lờ đi, im đi cho yên thân để làm việc bởi đa phần hiệu trưởng tại vị đến 2 nhiệm kỳ mà “vô tình” làm cho họ không vừa lòng thì chừng ấy thời gian giáo viên ấy khổ sở vô cùng.

Chính vì hiệu trưởng có nhiều quyền, có nhiều người cùng phe phái và là người chủ tài khoản trong đơn vị nên môi trường như vậy dễ khiến cho một số hiệu trưởng “lạc bước” mà làm những điều không phù hợp.

Giáo viên mong hiệu trưởng trường mình như thế nào?

Người hiệu trưởng điển hình, gương mẫu phải là người hiệu trưởng giỏi về quản lý, giỏi về chuyên môn, biết kiểm tra, đánh giá, biết động viên, khích lệ và cả những phê bình đúng nơi, đúng chỗ đối với những công việc mà mình đã phân công cho cấp dưới không hoàn thành.

Người hiệu trưởng ấy phải hài hòa giữa lý và tình, giữa những nội quy, quy chế của ngành với tình hình thực tế của đơn vị. Không cứng nhắc, giáo điều, không máy móc trong việc giao, đánh giá công việc.

Đặc biệt, phải đặt lợi ích, uy tín của nhà trường, của ngành lên trên hết. Không tham lam, ích kỷ, không độc đoán, áp đặt và không tạo phe cánh nhằm chia rẽ đoàn kết nội bộ.

Người hiệu trưởng ấy phải đặt quyền lợi, quyền lực hài hòa trước tập thể, không đưa, bổ nhiệm những người thân cận vào các chức vụ của nhà trường khi người đó không có uy tín trước tập thể. Không tham lam trong các khoản thu- chi về về kinh phí của nhà trương.

Người hiệu trưởng ấy không tham lam tiền xã hội hóa, không tham lam tiền phần trăm dạy thêm, không đặt lợi ích “hoa hồng” lên trên các sản phẩm, dịch vụ giáo dục.

Vì sao một số hiệu trưởng nhà trường chưa được lòng giáo viên? ảnh 3Khi hiệu trưởng là "chủ tài khoản"

Điều đặc biệt là trong quá trình lãnh, chỉ đạo tập thể giáo viên, nhân viên trong nhà trường cần linh hoạt, mềm dẻo nhưng cương quyết.

Biết vận dụng mọi khả năng của mình để thúc đẩy đơn vị đi lên và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Một trường học, ít cũng có vài chục giáo viên, nhân viên, nhiều lên đến hàng trăm con người. Chính vì tập thể đông thì những chuyện xích mích, va chạm, xung đột về quyền lợi với nhau trong công việc là điều khó tránh khỏi.

Chính vì thế, các thành viên trong Ban giám hiệu, đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường cần sống chan hòa với cấp dưới của mình và hài hòa được quyền lợi và công việc giữa các cá nhân trong tập thế để hóa giải mọi xung đột.

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi…cũng đi vào thực hiện.

Rất nhiều cái mới, rất nhiều kỳ vọng của xã hội đặt vào ngành giáo dục. Vì thế, các hiệu trưởng nhà trường phải thực sự là đầu tàu trong mỗi đơn vị để hình ảnh người đứng đầu đơn vị phải thực sự là thủ lĩnh trong các nhà trường.

NHẬT DUY