Có phải toàn bộ phần tập làm văn học kỳ II, lớp 7 nằm trong bài giảm tải?

02/06/2020 06:36
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trên tinh thần cầu thị, chúng tôi muốn làm rõ thêm vấn đề này một lần nữa về việc những nội dung đã tinh giản thì có nên ra bài kiểm tra cho học trò hay không?

Ngày 29/5/2020, chúng tôi đã có bài viết Một số phân môn Ngữ văn, cấp Trung học cơ sở đã bị tinh giản… quá đà đăng trên giaoduc.net.vn, bài viết này tính đến chiều ngày 31/5 đã có gần 17.000 lượt người xem và một số phản hồi của bạn đọc.

Tuy nhiên, có một số phản hồi của bạn đọc cho rằng người "viết không đúng sự thật", các nội dung về phân môn tập làm văn và tiếng Việt vẫn đang được giảng dạy bình thường nên không có chuyện giảm tải…

Chính vì thế, trên tinh thần cầu thị, chúng tôi muốn làm rõ thêm vấn đề này một lần nữa về việc những nội dung đã được tinh giản thì có nên ra bài kiểm tra cho học trò hay không?

Chương trình của phân môn tập làm văn lớp 7 đều là bài giảm tải (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Chương trình của phân môn tập làm văn lớp 7 đều là bài giảm tải

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Lâu nay, chúng ta vẫn biết tinh thần chỉ đạo của ngành là dạy và học cái nào (chương trình chính khóa) thì kiểm tra cái đó và nội dung kiểm tra hay thi phải bám sát vào nội dung sách giáo khoa.

Đối với môn Ngữ văn cũng vậy, những bài được hướng dẫn đọc thêm, tự học có hướng dẫn…thì lâu nay giáo viên không ra đề kiểm tra vào phần này mà chỉ hướng dẫn học sinh tự học mà thôi.

Bởi thực tế thì môn Ngữ văn ở lớp 7, học kỳ II hiện được biên chế 68 tiết dạy với rất nhiều bài học chính khóa thì ra vào phần tự học có hướng dẫn làm gì.

Thế nhưng, với đặc trưng môn Ngữ văn lâu nay thì đề kiểm tra môn Ngữ văn bao giờ phần tập làm văn cũng chiếm từ 6-7 điểm/ thang điểm10 của một bài kiểm tra.

Điều mà chúng tôi đề cập lớn nhất trong bài viết Một số phân môn Ngữ văn, cấp Trung học cơ sở đã bị tinh giản… quá đà là nội dung của phân môn tập làm văn lớp 7 đều nằm trong chương trình giảm tải.

Nếu ra đề vào phần này thì học sinh không làm được bài vì các bài học chỉ được giáo viên hướng dẫn tự học những nội dung cốt lõi của bài mà thôi.

Bởi, bản chất của từ “tự học” thì ai cũng đã hiểu rồi.

Đọc lại hướng dẫn nội dung tinh giản của môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở mà Bộ đã ban hành.

Trước khi nói về nội dung giảm tải, chúng tôi có đôi lời như sau: trước khi viết bài Một số phân môn Ngữ văn, cấp Trung học cơ sở đã bị tinh giản… quá đà thì bản thân người viết đã rất thận trọng và cân nhắc kỹ vấn đề mới viết.

Bởi đây là một vấn đề liên quan đến hàng chục ngàn giáo viên đang giảng dạy môn Ngữ văn Trung học cơ sở, hàng triệu học sinh lớp 7 trên cả nước sẽ chuẩn bị bước vào kiểm tra học kỳ II.

Nhất là những thầy cô chủ trì việc tinh giản môn Ngữ văn – họ đều là những người có học vị, học hàm cao, có người là tác giả sách giáo khoa hiện hành, là tác giả chương trình, sách giáo khoa mới.

Ngoài ra, còn có các thầy cô phụ trách môn Ngữ văn ở Bộ, ở 63 Sở Giáo dục trên cả nước nên không thể viết bài một cách cảm tính, chung chung được…

Quay lại với phần giảm tải phân môn tập làm văn lớp 7, chúng tôi xin trích lại nội dung yêu cầu của Bộ để các thầy cô tham khảo thêm:

Bài

Nội dung điều chỉnh

Hướng dẫn thực hiện

Tìm hiểu chung về văn nghị luận

Đặc điểm của văn bản nghị luận

II. Luyện tập

Khuyến khích học sinh tự làm

Cả 02 bài

Tích hợp thành một bài. Tự học có hướng dẫn (1 tiết): tập trung vào phần I của mỗi bài.

Bố cục và phương pháp lập luận trong bài văn nghị luận

Cả bài

Khuyến khích học sinh tự đọc

Luyện tập về phương pháp lập luận trong văn nghị luận

Cả bài

Khuyến khích học sinh tự làm

Tìm hiểu chung về phép lập luận chứng minh

Cách làm bài văn lập luận chứng minh

II. Luyện tập

Khuyến khích học sinh tự làm

Cả 02 bài

Tích hợp thành một bài. Tự học có hướng dẫn (1 tiết): tập trung vào phần I của mỗi bài.

Luyện tập viết đoạn văn chứng minh

Cả bài

Khuyến khích học sinh tự làm

Ôn tập văn nghị luận

Cả bài

Khuyến khích học sinh tự làm

Tìm hiểu chung về phép lập luận giải thích

Cách làm bài văn lập luận giải thích

II. Luyện tập

Khuyến khích học sinh tự làm

Cả 02 bài

Tích hợp thành một bài. Tự học có hướng dẫn (1 tiết): tập trung vào phần I của mỗi bài.

Luyện tập lập luận giải thích

Cả bài

Khuyến khích học sinh tự làm

Luyện nói: Bài văn giải thích một vấn đề

Cả bài

Không dạy

Nhìn vào nội dung tinh giản của Bộ, đối chiếu với các bài học trong chương trình tập làm văn lớp 7 thì chúng ta sẽ thấy tất cả các bài tập làm văn đã được nằm trong nội dung giảm tải.

Có 6 bài học chủ yếu về văn nghị luận được tích hợp thành 3 bài “tự học có hướng dẫn” với thời lượng yêu cầu là 3 tiết dạy, các bài, các phần trong nhiều bài đã được yêu cầu học sinh “tự đọc, tự làm”.

Trong khi đó, tại Công văn 1113/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kì II năm học 2019-2020, do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký ngày 30 tháng 3 năm 2020 đã hướng dẫn như sau:

Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản theo Công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH ngày 01/9/2011 và các nội dung “Không dạy”; “Không làm"; “Không thực hiện”; “Khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện)".

Như vậy, chúng ta thấy chỉ còn 3 bài “tích hợp” thành “tự học có hướng dẫn” là chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể sau khi tinh giản chương trình.

Nhưng, ngay sau khi tinh giản thì một số lãnh đạo Bộ Giáo dục đã có những chia sẻ về các bài “tự học có hướng dẫn” một cách nước đôi.

Chẳng hạn, theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói: “Với học sinh trung học, các phần đưa về "tự học" có hai dạng.

Một dạng khuyến khích học sinh đọc, nghiên cứu, thực hiện nhưng không bắt buộc và không có trong nội dung kiểm tra và đề thi Trung học phổ thông.

Một dạng "tự học có hướng dẫn", có nghĩa giáo viên phải là người hướng dẫn học sinh tự học (tự đọc, tự nghiên cứu, thực hiện bài tập) và có biện pháp kiểm tra kết quả tự học.

Nội dung này sẽ có thể là nội dung được kiểm tra định kỳ hoặc thi tốt nghiệp Trung học phổ thông”. [1]

Như vậy, chúng ta thấy Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông chỉ chia sẻ là “có thể là nội dung kiểm tra” thôi chứ không khẳng định là “có” hoặc “không”.

Và, ở đây ông Thành cũng chỉ tập trung vào chương trình lớp 12 thôi còn đối với các lớp dưới thì yêu cầu còn thấp hơn nữa.

Vì vậy, thử hỏi đối với phân môn tập làm văn lớp 7 ở học kỳ II mà 2 bài được “tích hợp” thành 1 tiết "tự học có hướng dẫn" thì giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh được bao nhiêu kiến thức đây?

Trên thực tế, một số địa phương đã triển khai việc tổ chức kiểm tra học kỳ II cũng đã hướng dẫn không ra đề phần làm văn vào các kiểu bài nghị luận ở học kỳ II, lớp 7 mà chỉ tập trung vào phần đọc hiểu văn bản mà thôi.

Trước cách hiểu chưa đồng nhất của giáo viên, chúng tôi mong muốn có một chỉ đạo chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về những bài “tự học có hướng dẫn”.

Đặc biệt là phân môn tập làm văn lớp 7 có nên ra các kiểu bài giải thích và chứng minh trong bài kiểm tra học kỳ tới đây hay không bởi thời điểm kiểm tra học kỳ đã cận kề.

Tài liệu tham khảo:

[1]//tuoitre.vn/tinh-gian-chuong-trinh-hoc-sinh-lop-12-se-hoc-nhu-the-nao-20200406103257063.htm

KIM OANH