Một trong những mục tiêu trong Quyết định số 1705/QĐ-TTg của Chính phủ về Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nâng cao tỷ lệ đào tạo các ngành STEM. Cụ thể, Chiến lược đặt mục tiêu đối với giáo dục đại học đến năm 2030 là dịch chuyển cơ cấu trình độ và ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%.
Việc tăng tỷ trọng, quy mô đào tạo các ngành STEM được các cơ sở giáo dục đại học đánh giá đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Tăng tỷ trọng đào tạo các ngành STEM khẳng định quyết tâm trong việc hội nhập
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về mục tiêu tăng tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành STEM, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, khối ngành STEM không chỉ là nền tảng để phát triển khoa học và công nghệ mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, từ đó giúp giải quyết những thách thức lớn của xã hội.
Việc phát triển các ngành STEM tạo ra nhiều cơ hội việc làm chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập, giảm bất bình đẳng xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Do đó, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đào tạo khối ngành STEM đạt 35% vào năm 2030 không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế, tạo nền móng vững chắc để phát triển thành một quốc gia sáng tạo, thịnh vượng.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho hay, việc tăng tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành STEM đạt 35% trong giáo dục đại học đến năm 2030 có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội theo nhiều khía cạnh. Giáo dục STEM được coi là động lực chính cho sự phát triển kinh tế trong xã hội hiện nay. Nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào sự tiến bộ trong khoa học và công nghệ, và các quốc gia cần một nguồn nhân lực có khả năng đổi mới và sáng tạo để đáp ứng nhu cầu này. Việc đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực STEM sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Tùng, giáo dục STEM không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn mà còn phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Những kỹ năng này rất cần thiết cho thế hệ trẻ để các em có thể thích ứng với môi trường làm việc hiện đại, nơi mà khả năng giao tiếp và hợp tác giữa các lĩnh vực là rất quan trọng.
Chương trình giáo dục STEM cũng góp phần nâng cao nhận thức xã hội cho người học, giúp họ trở thành những công dân tích cực có trách nhiệm với cộng đồng. Thông qua các dự án thực tiễn, người học sẽ hiểu rõ hơn về các vấn đề xã hội và môi trường, từ đó hình thành ý thức trách nhiệm trong việc đóng góp cho xã hội.
Việc tăng cường đào tạo STEM cũng giúp học sinh xác định rõ hơn về nghề nghiệp tương lai. Với sự phát triển nhanh chóng của các ngành nghề liên quan đến STEM, học sinh sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn và có khả năng kiếm được thu nhập cao hơn so với những lĩnh vực khác. Điều này không chỉ giúp cá nhân phát triển mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
“Tăng tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành STEM sẽ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội, tạo ra một thế hệ công dân có kiến thức vững vàng, kỹ năng đa dạng và ý thức trách nhiệm với cộng đồng, từ đó góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ hơn”, thầy Tùng nhấn mạnh.
Thách thức trong việc tăng tỷ trọng đào tạo ngành STEM
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Tùng thông tin, quy mô đào tạo các ngành STEM hiện nay còn thấp. Tỷ lệ sinh viên theo học các lĩnh vực STEM hiện chỉ đạt khoảng 27-30% tổng số sinh viên đại học, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Điều này cho thấy sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán, đòi hỏi các trường cần phải mở rộng quy mô tuyển sinh và đào tạo. Để thực hiện mục tiêu tăng tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành STEM đạt 35% vào năm 2030, các trường đại học tại Việt Nam sẽ phải giải quyết với một số thách thức lớn.
Về chất lượng chương trình đào tạo, nhiều chương trình đào tạo STEM hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển công nghệ. Cần có sự đổi mới trong nội dung và phương pháp giảng dạy để thu hút sinh viên và đảm bảo chất lượng đào tạo.
Về chi phí đào tạo cao, các ngành STEM thường yêu cầu chi phí lớn, đặc biệt là ở trình độ sau đại học. Nếu không có hỗ trợ từ nhà nước hoặc doanh nghiệp, các trường sẽ khó khăn trong việc duy trì và phát triển chương trình đào tạo.
Ngoài ra, tỷ lệ đầu tư của nhà nước cho khoa học và công nghệ vẫn ở mức thấp (khoảng 3,7%), chưa đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục STEM. Điều này cần được cải thiện để có thể thu hút thêm nguồn lực cho các chương trình đào tạo.
Thầy Lê Minh Tùng chỉ ra thêm, việc thiếu định hướng cho học sinh phổ thông và thiếu sự kết nối với thị trường lao động cũng khiến tỷ lệ sinh viên theo học các lĩnh vực STEM thấp.
Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh trước khi vào đại học còn hạn chế, dẫn đến tình trạng ít học sinh lựa chọn theo học các ngành STEM. Cần có cơ chế tư vấn nghề nghiệp hiệu quả hơn để khuyến khích học sinh quan tâm đến các lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, các trường đại học cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để đảm bảo rằng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Sự kết nối này sẽ giúp sinh viên có cơ hội thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp.
Còn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh chỉ ra một trong những khó khăn chính là sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên và chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực STEM. Đây là rào cản lớn khi nhu cầu đào tạo tăng lên nhưng nguồn lực giảng dạy chưa theo kịp.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu ở các ngành STEM tại nhiều trường đại học còn hạn chế, đòi hỏi nguồn đầu tư lớn và sự hỗ trợ từ các bên liên quan.
Bên cạnh đó, việc thu hút sinh viên theo học các ngành STEM vẫn còn gặp trở ngại do sự thiếu nhận thức từ học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng và tiềm năng của các ngành này, dẫn đến tình trạng nhiều người vẫn chọn các ngành học truyền thống hơn.
Ngoài ra, sự cạnh tranh trong việc đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ngày càng cao về kỹ năng chuyên môn và khả năng ứng dụng thực tế đòi hỏi các trường đại học không chỉ đào tạo lý thuyết mà còn phải đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp, phát triển các chương trình thực hành, nghiên cứu và khởi nghiệp sáng tạo để tạo ra giá trị thực tiễn cho người học.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Tùng nhận định, để vượt qua những thách thức này, các trường đại học cần có chiến lược rõ ràng, bao gồm việc đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường đầu tư từ cả nhà nước lẫn xã hội, cũng như xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp. Chỉ khi giải quyết được những vấn đề này, mục tiêu tăng tỷ trọng quy mô đào tạo STEM mới có thể đạt được.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục STEM
Tại Trường Đại học Tiền Giang, để tăng tỷ trọng quy mô đào tạo và phát triển nhóm ngành STEM, nhà trường đang thực hiện một số giải pháp quan trọng nhằm tăng cường đào tạo các ngành này trong thời gian tới.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Tùng cho biết, nhà trường sẽ đổi mới nội dung chương trình để phù hợp với yêu cầu thị trường lao động và xu hướng công nghệ mới. Chương trình đào tạo sẽ được cấu trúc theo tiêu chuẩn quốc tế, gia tăng thời lượng thực hành, thực tập và dự án thực tế.
Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để đảm bảo rằng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Điều này bao gồm việc tổ chức các khóa thực tập và dự án hợp tác giữa sinh viên và doanh nghiệp.
Đề xuất các chính sách đầu tư từ nhà nước cho các trường đại học nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM, bao gồm việc cung cấp học bổng, tín dụng cho sinh viên và ưu đãi cho các cơ sở giáo dục. Khuyến khích sinh viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, từ đó hình thành tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.
Về kế hoạch đào tạo trong thời gian tới, bên cạnh việc mở rộng quy mô đào tạo các ngành STEM, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, nhà trường sẽ tăng cường quốc tế hóa. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục STEM thông qua việc mời giảng viên nước ngoài, trao đổi sinh viên và tham gia vào các chương trình nghiên cứu chung. Đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển đổi từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang phương pháp học tập tích cực, trong đó sinh viên là trung tâm của quá trình học tập, thông qua các dự án thực tiễn và nghiên cứu nhóm.
Thầy Tùng kỳ vọng những giải pháp này sẽ giúp tăng tỷ trọng quy mô đào tạo ngành STEM và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Còn tại Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác, thầy Nguyễn Trường Thịnh cho biết, hiện nay Viện đang triển khai đào tạo các ngành STEM tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh như ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu, Điều khiển thông minh và Tự động hóa, Công nghệ logistics, Sản xuất thông minh cùng với chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị Công nghệ.
Viện triển khai giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như tăng dần số lượng sinh viên học các ngành tại Viện thông qua các giải pháp như đổi mới chương trình giảng dạy; tăng cường hợp tác với các Viện nghiên cứu và trường đại học trong và ngoài nước; đầu tư phát triển nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu.
Về chương trình giảng dạy, Viện đã xây dựng các nội dung đào tạo tiên tiến, tích hợp các lĩnh vực công nghệ mới và hiện đại vào các ngành nghề truyền thống nhằm nâng cao tính thực tiễn và tính ứng dụng cao.
Về hợp tác chiến lược, Viện sẽ đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp công nghệ, Viện nghiên cứu và các trường đại học trong và ngoài nước để phát triển và điều chỉnh chương trình đào tạo, triển khai thực tập và kiến tập trong và ngoài nước cho sinh viên, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Những hợp tác này không chỉ giúp giảng viên và sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tiễn mà còn đảm bảo chương trình đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động.
Thầy Thịnh chia sẻ, với đội ngũ giảng viên trình độ cao, nhiều kinh nghiệm thực tế, bên cạnh đó, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh còn đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất với các phòng thí nghiệm hiện đại và không gian sáng tạo để hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu. Trong thời gian tới, Viện dự kiến mở thêm các ngành đào tạo liên ngành, kết hợp STEM với kinh tế và đổi mới sáng tạo, qua đó tạo ra nguồn nhân lực đa năng, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế số. Viện sẽ không ngừng đổi mới và đảm bảo quy mô đào tạo, góp phần xây dựng hệ sinh thái giáo dục tiên tiến, đáp ứng mục tiêu chiến lược của đất nước.