Có SV ngành Hệ thống nhúng và IoT được hỗ trợ lương khi làm đồ án tốt nghiệp

10/01/2024 06:35
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sinh viên theo học ngành Hệ thống nhúng và IoT ngoài việc nắm chắc kiến thức chuyên môn còn phải trau dồi kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.

Hiện nay, có nhiều trường đại học đào tạo ngành Hệ thống nhúng và IoT. Đây là ngành học có điểm đầu vào khá cao, đồng thời, cũng đòi hỏi sinh viên phải trau dồi nhiều kiến thức, kỹ năng và có tinh thần chủ động học tập, cập nhật kiến thức từng ngày theo sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ.

Cập nhật xu hướng công nghệ mới vào chương trình đào tạo

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh mở đào tạo ngành Hệ thống nhúng và IoT từ năm 2020.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm - Trưởng Khoa Điện - Điện tử cho biết, chương trình đào tạo cung cấp các kiến thức nền tảng về toán; khoa học tự nhiên; các nguyên lý kỹ thuật liên quan đến việc phân tích và thiết kế các hệ thống nhúng từ đơn giản đến phức tạp tại hầu hết các lĩnh vực như hàng không, quốc phòng, tự động hóa công nghiệp, y tế, chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải, điện tử tiêu dùng,…

Người học được trang bị kỹ thuật lập trình và ngôn ngữ máy tính, phương pháp xây dựng và phát triển phần mềm cho hệ thống nhúng và IoT. Theo đó, sinh viên được tiếp cận các tiêu chuẩn công nghiệp để phát triển phần mềm ứng dụng, phần mềm giao tiếp cũng như các kỹ năng giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, các công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường, công nghệ chuỗi khối, máy học, phân tích dữ liệu lớn,… cũng được trang bị cho người học để thích ứng với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Sinh viên còn được trang bị kiến thức về điện tử, bộ xử lý, vi mạch bán dẫn phức tạp, các phương pháp và công cụ phân tích thiết kế hiện đại để tham gia vào các vị trí khác nhau của quá trình thiết kế và chế tạo một hệ thống nhúng hoàn chỉnh, từ thiết kế hệ thống, thiết kế chi tiết, tích hợp và kiểm thử hệ thống.

Chương trình giảng dạy của Khoa Điện - Điện tử bao gồm nội dung về thiết kế và phân tích hệ thống số, hệ thống vi điều khiển, kỹ thuật vi xử lý, hệ thống số, hệ thống vi điều khiển, kỹ thuật vi xử lý, hệ thống nhúng, thiết kế vi mạch bán dẫn,…

Khoa cũng tập trung phát triển năng lực về thiết kế hệ thống phần cứng, phát triển phần mềm, cùng với việc trang bị một nền tảng vững chắc về toán học, khoa học tự nhiên và kỹ năng mềm. Điều này giúp người học có một hành trang đầy đủ để trở thành một kỹ sư thiết kế trong lĩnh vực công nghệ cao hay theo đuổi chương trình học tập và nghiên cứu sau đại học.

Tiến sĩ Nguyễn Lê Hòa - Trưởng khoa Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Lê Hòa - Trưởng khoa Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về ngành học này, Tiến sĩ Nguyễn Lê Hòa - Trưởng khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) cho hay, chương trình tiên tiến Việt - Mỹ ngành Hệ thống nhúng và IoT của trường được hình thành trên cơ sở Đề án quốc gia về "Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008 - 2015" của Chính phủ.

Chương trình đào tạo ngành này được phát triển từ chương trình đào tạo ngành Hệ thống nhúng của Trường Kỹ thuật và Khoa học máy tính (Đại học bang Portland, Mỹ), vì vậy, đa số các môn học đều sử dụng giáo trình nước ngoài.

Khi học tập tại ngành này, người học được giảng dạy bằng tiếng Anh, đồng thời, trường có lộ trình đào tạo nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên trong suốt quá trình học.

Chương trình đào tạo giúp sinh viên nâng cao năng lực cần có của một kỹ sư trong tương lai như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp,…

"Đồng hành với đội ngũ giảng viên giỏi của Đại học Đà Nẵng là sự tham gia của các chuyên gia đến từ doanh nghiệp, giáo sư đến từ nhiều trường đại học nước ngoài trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Nhà trường đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó, triển khai ký kết các thỏa thuận hợp tác (MoA/MoU) với nhiều trường đại học trên thế giới, tạo điều kiện cho sinh viên trong việc học chuyển tiếp cũng như học sau đại học ở nước ngoài.

Nhà trường cũng cập nhật xu hướng công nghệ mới vào chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên, rèn luyện kỹ năng mềm, tăng thời gian thực hành, thí nghiệm và thực tập cũng như tăng cường năng lực nghiên cứu, triển khai các dự án thực tế", Tiến sĩ Nguyễn Lê Hòa thông tin.

Sinh viên Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng) tham gia chương trình giáo dục trải nghiệm tại Đài Loan. Ảnh: NVCC.

Sinh viên Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng) tham gia chương trình giáo dục trải nghiệm tại Đài Loan. Ảnh: NVCC.

Doanh nghiệp đồng hành cùng trường trong công tác đào tạo sinh viên

Về chương trình tiên tiến ngành Hệ thống nhúng và IoT, thầy Hòa chia sẻ rằng, hoạt động thực hành, thí nghiệm của sinh viên là nội dung đào tạo quan trọng được nhà trường quan tâm.

Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) luôn chú trọng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phục vụ thực hành, thí nghiệm cho sinh viên. Bên cạnh đó, Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến cũng nhận được tài trợ trang thiết bị, công cụ mô phỏng, tính toán đến từ các doanh nghiệp như tập đoàn Cadence, Intel, Texas Instrusment, Synopsys, EPCSolar,…

Hàng năm, gần 100% sinh viên năm cuối được doanh nghiệp tuyển dụng, hỗ trợ hướng dẫn thực tập và làm đồ án tốt nghiệp, thậm chí được hỗ trợ tiền lương trong quá trình thực hiện đồ án tốt nghiệp tại doanh nghiệp.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm chia sẻ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận được nhiều hỗ trợ từ doanh nghiệp lớn trong việc tiếp nhận sinh viên đến thực tập. Chưa kể, Khoa Điện - Điện tử kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo cho sinh viên thông qua hoạt động hội thảo, chia sẻ kỹ năng, kiến thức chuyên môn,…

“Cơ hội việc làm của sinh viên học ngành Hệ thống nhúng và IoT là rất rộng mở, hiện nay các tập đoàn như FPT, BOSCH, TMA Solutions,… đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực ngành này.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các công ty chuyên về thiết kế hệ thống nhúng; công ty lập trình nhúng; thiết kế vi mạch; cơ quan nhà nước ứng dụng IoT; tập đoàn nghiên cứu sản xuất hoặc tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Đồng thời, sinh viên có thể làm việc tại công ty sản xuất vi mạch bán dẫn.

Năm 2023, khoa đạt chỉ tiêu được phê duyệt, công tác tuyển sinh ngành này có nhiều thuận lợi, điểm đầu vào khá cao”, thầy Tâm thông tin thêm.

Điểm chuẩn ngành Hệ thống Nhúng và IoT Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Biểu đồ: Thảo Ly.

Điểm chuẩn ngành Hệ thống Nhúng và IoT Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Biểu đồ: Thảo Ly.

Đối với Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng), theo kết quả khảo sát vào tháng 11 năm 2023, 100% sinh viên tốt nghiệp chương trình tiên tiến ngành Hệ thống Nhúng và IoT có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp với mức lương trung bình là 13,7 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh cơ hội việc làm rộng mở, sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội học sau đại học tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Thực tế, rất nhiều sinh viên của khoa đã và đang theo học thạc sĩ, tiến sĩ tại các nước Mỹ, Phần Lan, Pháp, Úc, Nhật Bản, Singapore,…

Tại các trường đại học quốc tế, số lượng sinh viên chương trình tiên tiến ngành này tiếp tục học sau đại học cũng nhiều.

Số lượng sinh viên chương trình tiên tiến ngành Hệ thống Nhúng và IoT (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng) học sau đại học ở các trường quốc tế. (Nguồn: NTCC)

Số lượng sinh viên chương trình tiên tiến ngành Hệ thống Nhúng và IoT (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng) học sau đại học ở các trường quốc tế. (Nguồn: NTCC)

Chia sẻ về định hướng, mục tiêu về công tác đào tạo ngành Hệ thống nhúng và IoT trong thời gian tới, thầy Hoà thông tin: “Chúng tôi tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo, trong đó, chú trọng cập nhật kiến thức, công nghệ, xu hướng phát triển mới của ngành vào chương trình đào tạo; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong công tác đào tạo cũng như việc tài trợ trang thiết bị phục vụ thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh và hiện thực hóa các chương trình hợp tác ký kết với các trường đại học trên thế giới để triển khai chương trình chuyển tiếp sinh viên, chương trình đào tạo song bằng,… nhằm mục đích đa dạng hóa cơ hội nghề nghiệp của sinh viên”.

Công nghệ thay đổi nhanh chóng là thách thức đối với sinh viên

Ông Đặng Lê Trọng Anh (Kỹ sư Công ty Trách nhiệm hữu hạn Synapse Design Việt Nam), cựu sinh viên chương trình tiên tiến ngành Hệ thống nhúng và IoT (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng) nhận định, các công ty lớn đang đầu tư và phát triển mạnh tại Đà Nẵng, vì vậy nhu cầu nguồn nhân lực tại địa phương này rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực cũng rất tiềm năng tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Sinh viên ngành Hệ thống nhúng và IoT ngoài việc nắm chắc kiến thức liên quan đến kỹ năng chuyên môn như toán, khoa học tự nhiên, còn phải trau dồi kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.

Để theo đuổi và làm việc tại ngành này, ông Trọng Anh chia sẻ rằng, điều quan trọng là sinh viên phải có đam mê và yêu thích lĩnh vực kỹ thuật, sau đó là rèn luyện và trau dồi kiến thức chuyên môn mỗi ngày, bởi công nghệ luôn luôn cập nhật và thay đổi liên tục.

Khi bắt đầu đi làm, sinh viên sẽ gặp một vài khó khăn, bởi, các bạn luôn nghĩ rằng với vốn kiến thức được học tập ở trường đủ để làm việc tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, kiến thức là đại dương rộng lớn, do vậy, sinh viên cần có sự cân bằng giữa việc học tập tại trường và tại các doanh nghiệp. Đây là thách thức đầu tiên mà sinh viên sau khi tốt nghiệp phải đối mặt.

Thảo Ly