Có trường hợp nào giáo viên THCS hạng II mới phải bổ nhiệm lại hạng II cũ không?

27/06/2023 06:42
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu xác định việc bổ nhiệm của bạn sang hạng II mới còn thiếu tiêu chuẩn, điều kiện thì bạn sẽ được bổ nhiệm lại hạng II cũ.

Vấn đề bổ nhiệm, chuyển xếp lương, giữ hạng, thăng hạng,…luôn được đông đảo giáo viên quan tâm.

Thực tế, trước khi ban hành được Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT các địa phương chuyển xếp lương mỗi nơi mỗi kiểu khiến giáo viên băn khoăn, liệu sau khi có Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT họ sẽ được bổ nhiệm, xếp lương mới ra sao.

Một bạn đọc có tên H.T có địa chỉ mail tran...@gmail.com gửi thư về Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thắc mắc về việc giữ hạng, chuyển xếp lương mới có nội dung như sau: “Tôi là giáo viên trung học cơ sở hiện công tác trong ngành giáo dục của thành phố… Trước tiên xin thay mặt các đồng nghiệp cảm ơn Tòa soạn về loạt bài thông tin thăng hạng cho giáo viên gần đây. Nhờ loạt bài này mà tôi và đồng nghiệp cả nước hiểu rõ hơn được một số vấn đề còn thắc mắc, nắm được nhiều thông tin chưa hiểu rõ.

Chúng tôi cùng có cột mốc thời gian trong quá trình công tác và bổ nhiệm chuyển xếp lương theo chức danh nghề nghiệp như sau:

Tôi tốt nghiệp đại học sư phạm và ra trường công tác tại trường trung học cơ sở vào tháng 03/2016 và hết tập sự từ tháng 12/2016.

Tôi nhận công tác năm 12/2016 ( đã tính tập sự), hưởng lương hạng II bậc 1 có hệ số lương 2,34, sau đó tôi học nâng chuẩn có bằng thạc sĩ từ năm 2019 đến nay.

Từ năm 12/2016 –03/2022 , tôi được hưởng lương đại học II cũ theo Thông tư 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) mã số V.07.04.11 hệ số lương 2,67. Đến tháng 04/2022 tôi đủ điều kiện được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II mới, mã số V.07.04.31 bậc 1/9; hệ số 4,0 theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.

Nay theo qui định mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư này có hiệu lực 30/5/2023 quy định như sau:

Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) có tổng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) và hạng II (mã số V.07.04.11) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự);

Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) nếu đã có bằng thạc sĩ đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học cơ sở hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm k khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

“k) Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Chúng tôi thắc mắc, chúng tôi có được coi là đã đủ thời gian giữ hạng II cũ để xét thăng hạng lên hạng II mới hay không hay vẫn giữ ở hạng II cũ, hoặc là chúng tôi đã đủ thời gian 6 năm ở hạng II và có bằng thạc sĩ thì có được xét, thi nâng lên hạng I hay không? Và nếu đủ điều kiện thi lên hạng I được thì chúng tôi cần những điều kiện gì về hồ sơ? Theo thông tư mới này thì chúng tôi sẽ được xét ở hạng nào và bậc lương nào là đúng?"

Đây cũng là thắc mắc của khá nhiều giáo viên thời gian vừa qua gửi về Tạp chí.

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Bằng hiểu biết cá nhân thông qua các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, xin được cung cấp các thông tin để bạn tham khảo như sau:

Câu hỏi 1: Tôi đã đủ thời gian giữ hạng II cũ để xét thăng hạng lên hạng II mới hay không hay vẫn giữ ở hạng II cũ?

Bạn nêu, từ năm 12/2016 –03/2022 , bạn được hưởng lương đại học II cũ theo Thông tư 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) mã số V.07.04.11 hệ số lương 2,67. Đến tháng 04/2022 bạn đủ điều kiện được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Giáo viên trung học cơ sở hạng II mới, mã số V.07.04.31 bậc 1/9; hệ số 4,0 theo Thông tư 03/2021/TTBGDĐT.

Theo thông tin bạn cung cấp, thời gian giữ hạng II cũ là 6 năm 4 tháng sau đó bổ nhiệm hạng II mới từ hệ số lương 2,67 sang hệ số lương 4,0.

Về vấn đề bạn hỏi bạn có đủ thời gian giữ hạng để được bổ nhiệm hạng II mới hay phải quay lại hạng II cũ, vấn đề này có thể có 2 trường hợp xảy ra như sau:

Trường hợp 1: Bạn đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm hạng II mới.

Vì thời điểm bạn bổ nhiệm hạng II mới là tháng 4/2022, việc bổ nhiệm được thực hiện theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.

Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trung học cơ sở: “1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư này.”

Để được bổ nhiệm hạng II mới theo Thông tư 03/2021, bạn vừa phải dựa vào vị trí việc làm đang đảm nhận và đảm bảo đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp hạng mới II tại Điều 4 (trừ quy định tiêu chuẩn về nhiệm vụ) gồm (trích lược):

“2. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở.

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II.

4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

…h) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao;

i) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;

k) Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.”

Tại khoản 1, 2 Điều 7 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở như sau:

“1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở như sau:

…b) Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31);…

2. Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32); giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 5 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31).

Lưu ý, tại điểm k chỉ quy định giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng mới cần phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng, việc bổ nhiệm từ hạng II cũ sang hạng II mới không có quy định phải có thời gian giữ hạng đủ 9 năm.

Từ những thông tin trên, nếu bạn đáp ứng tất cả tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp hạng II mới, bạn sẽ được tiếp tục giữ hạng II mới đến khi đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được thi, xét thăng hạng lên hạng I.

Trường hợp 2: Bạn thiếu một trong các tiêu chuẩn để bổ nhiệm hạng II mới

Đến thời điểm này, bạn đang hưởng lương hạng II mới.

Nhưng nếu bạn không đảm bảo đáp ứng tất cả tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp hạng II mới nhưng địa phương bạn vẫn bổ nhiệm hạng II mới thì tại khoản 7 Điều 5 điều khoản thi hành của Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định như sau:

“7. Trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông đã thực hiện việc bổ nhiệm từ các Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT khi thực hiện việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương theo các quy định sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này nếu có sự thay đổi về hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm thì cơ quan quản lý có thẩm quyền ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp thay thế và không thực hiện việc truy thu tiền lương, phụ cấp chênh lệch đã chi trả. Trường hợp khi thực hiện việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương theo các quy định sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này nếu không có sự thay đổi về hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm thì giữ nguyên hạng chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm và không cần ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp thay thế.”

Do đó, nếu xác định việc bổ nhiệm của bạn sang hạng II mới còn thiếu tiêu chuẩn, điều kiện thì bạn sẽ được bổ nhiệm lại hạng II cũ (không truy thu tiền lương, phụ cấp chênh lệch đã chi trả) đến khi đủ 9 năm giữ hạng thì bạn sẽ được bổ nhiệm sang hạng II mới mà không cần thi, xét thăng hạng.

Câu hỏi 2: Tôi đã đủ thời gian 6 năm ở hạng II và có bằng thạc sĩ thì có được xét, thi nâng lên hạng I hay không?

Tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định: “7. Sửa đổi điểm k khoản 4 Điều 5 như sau:

“k) Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.”

Việc bạn có bằng thạc sĩ chỉ được ưu tiên giảm số năm giữ hạng từ 9 năm xuống còn 6 năm trong việc dự thi, xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II như quy định tại khoản 10, Điều 3 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT: “Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) nếu đã có bằng thạc sĩ đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học cơ sở hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm k khoản 4 Điều 4 Thông tư này.”

Về quy định thời gian giữ hạng II được quy định như sau: “Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.”

Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) (hệ số lương 4,0-6,38) hoặc tương đương được xác định gồm: Thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) hoặc giữ ngạch giáo viên trung học cơ sở chính (mã số 15a.201) (hệ số lương 2,34-4,98) được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31).

Như vậy, nếu bạn đáp ứng về thời gian giữ hạng và các tiêu chuẩn của giáo viên trung học cơ sở hạng I, bạn sẽ được dự thi hoặc xét thăng hạng lên hạng I.

Câu hỏi 3: Nếu đủ điều kiện thi lên hạng I được thì chúng tôi cần những điều kiện gì về hồ sơ?

Giả sử bạn đã đủ tiêu chuẩn về điều kiện, việc thi, xét thăng hạng được thực hiện theo Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Tại Điều 3 quy định Tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

“1. Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

2. Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

3. Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận.

4. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trường hợp giáo viên đủ điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì được xác định là đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Về hồ sơ dự thi hoặc xét thăng hạng quy định tại Điều 36 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Một số thông tin cung cấp cho bạn và giáo viên quan tâm. Phần tư vấn có tính chất tham khảo, các trường hợp cụ thể độc giả có thể liên hệ cơ quan quản lý trực tiếp để được giải đáp chi tiết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam