Con đạt 9,10 điểm nhưng không được giấy khen, phụ huynh "bất đồng" với GV

08/06/2024 07:37
Phan tuyết
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Những tranh cãi không hồi kết về việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 27 khiến nhiều gia đình trở nên "bất đồng" với giáo viên và nhà trường.

Dù năm học 2023-2024 đã kết thúc được cả tuần nhưng những ngày qua, đường dây nóng của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên tục nhận được các ý kiến thắc mắc của phụ huynh liên quan đến việc đánh giá, khen thưởng cuối năm của học sinh tiểu học. Đa phần phụ huynh đều có chung thắc mắc, "con tôi điểm toàn 9-10 nhưng không được giấy khen. Còn bạn khác 7-8 điểm lại có giấy khen". Con được điểm 9, 10 bị giáo viên đánh giá mức “hoàn thành” trong khi điểm 7, 8 có em lại được ghi ở mức “hoàn thành tốt”.

Những tranh cãi không hồi kết liên quan việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 27/2020 vẫn đang khiến nhiều gia đình trở nên "bất đồng" với giáo viên và nhà trường.

gdvn-điểm TT27.jpg
Đánh giá xếp loại học sinh không căn cứ vào điểm số (Ảnh chụp phần mềm vnendu)

Giáo viên nói gì khi học sinh điểm 7,8 lại được xếp loại cao hơn em điểm 9, 10?

Khi nói đến những trường hợp học sinh đạt điểm 7, 8 được đánh giá “Hoàn thành tốt”, học sinh đạt 9 điểm (thậm chí 10 điểm) nhưng có khi bị đánh giá là “Hoàn thành”, nhiều thầy cô giáo giải thích lý do như sau: “Học sinh đạt 7, 8 điểm kiểm tra nhưng trong quá trình học tập nắm chắc kiến thức, hợp tác tốt với bạn, với cô trong các hoạt động học tập”. “Bình thường ở lớp, em ấy học tốt kiến thức, chỉ là sơ sót trong lần kiểm tra thôi”… Với học sinh đạt 9 hoặc 10 nhưng bị đánh giá là “Hoàn thành”, giáo viên có thể nêu lý do: “Hằng ngày, em học hành không nghiêm túc, làm bài sai cơ bản nhiều".

Một số giáo viên cho rằng: "Đạt điểm kiểm tra cao có thể là do ôn đề trúng tủ hoặc giáo viên coi thi đã không kiểm soát tốt để học sinh copy bài bạn nên đạt điểm cao. Hằng ngày, em học sinh này học tập rất bình thường. Thế nên, đánh giá học sinh phải căn cứ vào cả một quá trình nên không thể chỉ nhìn vào nguyên điểm kiểm tra để xếp loại tốt”.

Theo cách hiểu của giáo viên, việc đánh giá sẽ không chỉ căn cứ vào điểm số mà vào cả quá trình học tập, rèn luyện.

Thông tư 27/2020 quy định thế nào về việc đánh giá nhận xét học sinh?

Điều 4, Thông tư 27 quy định về yêu cầu đánh giá như sau: "Đánh giá học sinh thông qua đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

Đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh".

Cùng với đó, tại Điều 7 của Thông tư 27 quy định rất rõ về Đánh giá định kỳ.

Điểm a, Khoản 1, Điều 7 Đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục quy định:

“Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau:

- Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Rõ ràng, Thông tư 27/2020 quy định về việc đánh giá học sinh là cả một quá trình, không chỉ căn cứ vào điểm số học sinh đạt được ở bài kiểm tra (những môn đánh giá bằng điểm số).

Theo người viết, việc có thầy cô đánh giá điểm 7, 8 “Hoàn thành tốt” và điểm 9, 10 “Hoàn thành” căn cứ vào quá trình học tập, phấn đấu của học sinh là đang thực hiện đúng tinh thần của Thông tư 27/2020.

Thắc mắc về khen thưởng cuối năm

Việc đánh giá cuối năm của học sinh tiểu học được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 9, Thông tư 27 quy định rõ: Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;

- Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;

- Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;

Theo nhiều ý kiến phụ huynh thì phần đánh giá kết quả giáo dục có nêu điểm số cụ thể nên họ chỉ căn cứ vào điểm và cho rằng giáo viên đánh giá không đúng.

Thực tế, qua các ý kiến của độc giả gửi về, người viết nhận thấy, đa số phụ huynh bức xúc vì cho rằng, con họ điểm toàn 9,10 nhưng không được khen thưởng cuối năm.

Theo Điểm a, Điều 13, Thông tư 27 quy định về khen thưởng cuối năm: "Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;

Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận".

Như vậy, hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh cuối năm với các em đạt được đánh giá cuối năm Hoàn thành xuất sắc và học sinh Tiêu biểu.

Rõ ràng, tinh thần chung của Thông tư 27 là đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh, đánh giá cả quá trình học tập mà không chỉ căn cứ vào điểm số đạt được ở 2 lần kiểm tra cuối kỳ (khối 4, 5 có thêm bài kiểm tra đánh giá bằng điểm số giữa kỳ). Vì vậy, giáo viên đánh giá kết quả cuối năm học căn cứ vào cả tất cả các yêu cầu đánh giá, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ để cho ra đánh giá kết quả giáo dục cuối năm học là phù hợp yêu cầu Thông tư 27.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan tuyết