Con đường nào cho giáo viên chưa đạt chuẩn sau ngày 1/7?

04/06/2020 06:20
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực tế cho thấy không phải người đủ chuẩn trình độ là dạy dở, những người đủ chuẩn trình độ là dạy hay, dạy giỏi.

Luật Giáo dục (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 tới đây với rất nhiều thay đổi đối với toàn ngành giáo dục. Trong đó, có quy định về chuẩn trình độ của giáo viên ở các cấp học.

Giáo viên mầm non trước đây yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo là trung cấp, nay là cao đẳng; giáo viên tiểu học từ trung cấp nâng lên đại học; giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng lên đại học.

Như vậy, sau ngày 1/7/2020 thì chuẩn trình độ của toàn bộ hệ thống giáo viên phổ thông đều có chuẩn trình độ đào tạo là đại học trở lên.

Bài toán cho đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ thì Bộ đã có nhiều dự kiến nhưng làm thế nào để những người thầy vừa đáp ứng được công việc, nâng cao được trình độ mà vẫn thể hiện được tính nhân văn là cả một vấn đề lớn.

Theo Luật giáo dục (sửa đổi) thì hàng trăm ngàn giáo viên phải nâng chuẩn trình độ (Ảnh minh họa: Báo Gia Lai)

Theo Luật giáo dục (sửa đổi) thì hàng trăm ngàn giáo viên phải nâng chuẩn trình độ

(Ảnh minh họa: Báo Gia Lai)

Có bao nhiêu giáo viên sẽ phải đào tạo lại?

Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chia sẻ với báo chí thì đội ngũ giáo viên cả nước hiện nay có khoảng 1,3 triệu người.

Tuy nhiên lực lượng cần phải đào tạo lại để nâng chuẩn của bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở là khoảng 400 – 500 ngàn người.

Có những việc nâng chuẩn rất nặng, như tiểu học từ chuẩn trung cấp vọt lên đại học, đó là một khoảng lớn.

Ở bậc trung học cơ sở còn đến 40% đội ngũ chưa đạt trình độ đại học. Nếu tính trung bình tất cả các cấp thì tổng khoảng 25% đội ngũ cần đào tạo lại.

Thực ra, nhìn vào thực tế của các nhà trường hiện nay, chúng ta có thể thấy con số 400-500 ngàn giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục (sửa đổi) có lẽ chưa chính xác.

Bởi, thực tế thì hàng chục năm trước giáo viên đã vượt chuẩn (theo luật hiện hành) khi mà các trường đại học đổ xô đi mở lớp đào tạo từ xa, tại chức ở tất cả các địa phương.

Vì thế, gần như giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở hiện nay đã có bằng đại học. Nhất là cấp trung học cơ sở mỗi trường chỉ sót lại một vài người có trình độ cao đẳng mà thôi.

Đối với giáo viên tiểu học cũng vậy, những giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng đa phần rơi vào những trường hợp đã gần về hưu. Bởi những giáo viên còn trẻ thì họ đều đã hoàn thiện các văn bằng cho mình.

Hơn nữa, lâu nay các trường cao đẳng sư phạm cũng không tuyển sinh được, một số em học cao đẳng xong thì ra trường cũng rất khó xin việc.

Vì thế, con số mà lãnh đạo Bộ đưa ra có lẽ chưa thể hiện được tính chính xác bởi cứ nhìn vào đơn vị mình, địa phương mình thì chúng ta sẽ thấy con số 25% là chưa đáng tin cậy.

Đối với cấp mầm non thì khi Luật giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực sẽ được nâng lên trình độ cao đẳng nhưng phần nhiều giáo viên ở các trường công lập cũng đã học đại học.

Nhưng có một điều trớ trêu là nhiều giáo viên mầm non, tiểu học hiện nay đã có bằng đại học nhưng không được chuyển ngạch, thành ra họ vẫn nhận mức lương theo “chuẩn” hiện hành là lương trung cấp.

Có lẽ vì thế, con số 25% giáo viên phải đào tạo lại là lấy từ những số liệu này?

Tới đây, ngành giáo dục sẽ sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo như thế nào?

Ngày 22/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư quy định sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.

Trong đó, tại các khoản 2, và 3 của Điều 3. Sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo đã hướng dẫn:

2.Giáo viên trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề với năm Thông tư này có hiệu lực thi hành có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có một năm được phân loại, đánh giá viên chức xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ thì không bố trí giảng dạy và được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.

3. Giáo viên không đủ sức khỏe, có nguyện vọng nghỉ hưu, đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo quy định.

Thực tế cho thấy không phải người đủ chuẩn trình độ là dạy dở, những người đủ chuẩn trình độ là dạy hay, dạy giỏi.

Bởi “cái chuẩn” mà nhiều giáo viên đã “nâng” trong thời gian qua cũng có năm bảy đường. Có người học thật, thi thật, có người đi học nhưng nhờ người khác làm bài mà học từ xa, tại chức thì có mấy người không tốt nghiệp đâu.

Vì thế, bằng cấp có thể đủ chuẩn nhưng chưa hẳn đã là người thầy hay, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy thực tế- điều này trường nào mà chẳng có.

Việc đánh giá viên chức hàng năm hiện nay cũng chưa đi vào thực chất, chỉ có những người vi phạm nghiêm trọng mới bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đa phần là hoàn thành tốt nhiệm vụ hết.

Nhiều người còn xếp loại xuất sắc- nếu có thêm cái sáng kiến kinh nghiệm đạt giải.

Vì thế, chúng tôi cho rằng đối với những thầy cô còn chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục (sửa đổi) vào ngày 1/7/2020 tới đây thay vì bắt buộc nâng chuẩn trình độ thì ngành giáo dục nên có nhiều hướng đi khác nhau.

Những thầy cô không có nguyện vọng học nâng cao chuyên môn mà gần đến tuổi hưu thì cho về hưu sớm. Thầy cô nào không muốn công tác trong ngành thì giải quyết chế độ thôi việc một lần- nếu có nguyện vọng.

Đối với những thầy cô mà chưa đạt theo chuẩn trình độ mới, muốn gắn bó tiếp với ngành thì có thể không nhất thiết cứ phải nâng chuẩn trình độ bằng bằng cấp.

Ngành giáo dục nên có chủ trương bồi dưỡng chuyên môn (môn đang dạy) của giáo viên chưa đủ chuẩn sẽ hiệu quả hơn vì nó thực tế và đi vào chuyên sâu, thiết thực cho công việc.

Chỉ những giáo viên được tuyển dụng sau ngày 1/7/2020 thì mới bắt buộc theo chuẩn của Luật Giáo dục (sửa đổi) bởi thực tế có nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn tới đây đã từng là những người đạt chuẩn từ hàng chục năm trước thì họ mới được tuyển dụng.

Nếu cứ cứng nhắc về chuẩn trình độ với một số rất ít giáo viên hiện nay chưa đủ chuẩn vào ngày 1/7 tới đây e rằng ngành Giáo dục sẽ phủ nhận nhiều chính sách đào tạo giáo viên trước đây của ngành.

NGUYỄN NGUYÊN