Ngày 22/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư quy định sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.
Khoản 2, khoản 3, Điều 3 của của dự thảo có ghi:
2.Giáo viên trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề với năm Thông tư này có hiệu lực thi hành có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có một năm được phân loại, đánh giá viên chức xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ thì không bố trí giảng dạy và được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.
3. Giáo viên không đủ sức khỏe, có nguyện vọng nghỉ hưu, đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo quy định.
Tôi xin góp ý cho dự thảo như sau:
2. Giáo viên trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề với năm Thông tư này có hiệu lực thi hành và sau khi thông tư có hiệu lực; có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có một năm được phân loại, đánh giá viên chức xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ thì không bố trí giảng dạy và được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.
Cơ sở giáo dục không bố trí được vị trí việc làm cho giáo viên thuộc đối tượng xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có một năm được phân loại, đánh giá viên chức xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ;
Giáo viên xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp có nguyện vọng nghỉ hưu, đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo đối tượng tinh giản biên chế.
3. Giáo viên không đủ sức khỏe, có nguyện vọng nghỉ hưu, đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo đối tượng tinh giản biên chế.
(Ảnh minh họa: Báo Chính phủ) |
Tại sao lại thay đổi như vậy?
Lý do thứ nhất: Hiện nay có 257.506 giáo viên chưa đạt chuẩn, các vị trí việc làm nhân viên trong trường học hiện nay đã đủ biên chế, vì vậy việc đào tạo và bố trí vị trí việc làm khác trong trường học cho đối tượng giáo viên này sẽ rất khó khả thi.
Lý do thứ hai: Đại đa số giáo viên xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp có độ tuổi từ 50 trở lên, không hoàn thành nhiệm vụ nên cho nghỉ tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường có việc làm, giáo dục tuyển được giáo viên trẻ, đạt chuẩn, nâng cao chất lượng dạy học.
Lý do thứ ba: Đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ, là cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác.
Như vậy giáo viên thuộc đối tượng xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có một năm được phân loại, đánh giá viên chức xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ;
Giáo viên xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp có nguyện vọng nghỉ hưu thuộc đối tượng tinh giản biên chế là phù hợp.
Lý do thứ tư: Chính sách cho giáo viên nghỉ hưu trước tuổi do xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp, không hoàn thành nhiệm theo chế độ tinh giản biên chế là thể hiện tính nhân văn của chế độ với người thầy.
Lý do thứ năm: Giúp giáo viên tự xác định, đánh giá bản thân, chủ động nghỉ hưu, nhường vị trí việc làm cho thế hệ trẻ.
Nếu được nghỉ hưu theo chế độ tinh giản biên chế sẽ có nhiều giáo viên xin nghỉ hưu, giảm kinh phí đào tạo nâng chuẩn, tạo điều kiện cho sinh viên các trường sư phạm có cơ hội việc làm.
Những giáo viên thuộc đối tượng xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp đã cống hiến tuổi thanh xuân cho giáo dục, đồng cam cộng khổ với đất nước trong những năm gian khó;
Có chế độ hưu trí an sinh xã hội phù hợp cho giáo viên tinh giản biên chế là thể hiện xã hội có văn hóa, có giáo dục.