Đây có phải là lần nâng chuẩn trình độ cuối cùng của giáo viên?

21/09/2019 07:38
NHẬT KHOA
(GDVN) - Hy vọng đây là quy định về chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn ngoại ngữ, tin học…lần cuối cùng của giáo viên, sau này giáo viên chỉ cần tập trung vào giảng dạy.

Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Trong đó có quy định về chuẩn trình độ nhà giáo đang giảng dạy ở tất cả các cấp học, bậc học từ mầm non đến phổ thông sẽ nâng lên theo Luật.

Việc chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên nâng lên là hợp lý (Ảnh minh họa: TTXVN).
Việc chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên nâng lên là hợp lý (Ảnh minh họa: TTXVN).

Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

“1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

2. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này”.

Theo chia sẻ của ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giáo viên hiện nay khoảng 1,3 triệu người tuy nhiên lực lượng cần phải đào tạo lại để nâng chuẩn của bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở là khoảng 400.000- 500.000 người.

Có khoảng 400.000 đến 500.000 giáo viên cần phải đào tạo lại, đây là một thách thức không nhỏ.

Bộ Giáo dục muốn nâng chuẩn trình độ giáo viên trung học cơ sở lên đại học
Bộ Giáo dục muốn nâng chuẩn trình độ giáo viên trung học cơ sở lên đại học

Nâng chuẩn là hợp lý

Việc chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên nâng lên như trên là hợp lý, phù hợp tuy nhiên có hơi chậm trễ.

Tôi nói chậm trễ vì việc nâng chuẩn này đáng lý ra đã thực hiện cách đây nhiều năm trước.

Bởi vì theo khảo sát về trình độ chuẩn đào tạo của các nước trên khu vực và trên thế giới thì trình độ của giáo viên chúng ta còn khá thấp, một số nước có nền giáo dục tiến bộ thì trình độ của giáo viên tiểu học đã là thạc sĩ, ít nhất cũng có trình độ đại học, giáo viên tiểu học mà trình độ chuẩn đào tạo chỉ yêu cầu có trình độ trung cấp tôi chỉ thấy ở nước ta.

Ở các nước có nền giáo dục phát triển như: Singapore, Na Uy, Phần Lan, Hàn Quốc,…chỉ có những người thật sự giỏi mới được vào sư phạm.

Một số nước, họ không có đào tạo trình độ sư phạm riêng mà lực lượng giáo viên được lựa chọn từ những sinh viên giỏi, ưu tú tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng,…sau đó đào tạo để trở thành giáo viên, không những thế để trở thành giáo viên, họ sẽ được phỏng vấn nghiêm ngặt, lựa chọn gắt gao, kỹ lưỡng…

Và đương nhiên họ sẽ trở thành giáo viên giỏi, đạt yêu cầu mà không phải thông qua các kỳ thi giáo viên giỏi như ở ta hiện nay.

Trình độ đào tạo của giáo viên sẽ thể hiện trình độ dân trí của một đất nước, nếu giáo viên mà trình độ thấp thì khó đòi hỏi nền giáo dục phát triển.

Do đó, việc nâng trình độ giáo viên như hiện nay trong dự thảo Luật là việc làm đúng đắn.

Việc đào tạo giáo viên sẽ như thế nào?

Tại Điều 73. Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo của Luật Giáo dục 2019 quy định:

“1. Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo; nhà giáo được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ.

Chất lượng giáo viên cần chuẩn trình độ hơn chuẩn bằng cấp
Chất lượng giáo viên cần chuẩn trình độ hơn chuẩn bằng cấp

2. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định của pháp luật”.

Do đó, giáo viên chưa đạt chuẩn cũng không nên quá lo lắng cho việc “chạy” bằng cấp, cũng không nên “mua” bằng kẻo tiền mất tật mang.

Việc học tập để nâng chuẩn sẽ được thực hiện theo lộ trình, dự kiến đến năm 2026 khi đó giáo viên chưa đạt chuẩn mới có thể sẽ phải tinh giản biên chế.

Còn việc học tập nâng chuẩn trong thời gian sắp tới có thể được tạo điều kiện về cả thời gian, vật chất, tinh thần trong quá trình học nâng chuẩn.

Khó có hiệu quả đối với giáo viên đang giảng dạy

Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là việc làm đúng đắn, yêu cầu đầu vào sư phạm phải được nâng lên một cách tích cực, hiệu quả.

Sinh viên sư phạm học từ 4 – 5 năm tại trường sư phạm, bên cạnh đó với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có điểm sàn riêng cho sư phạm thì tôi tin lực lượng trên sẽ đáp ứng tốt, thay thế tốt cho lực lượng giáo viên hiện nay.

Nên tôi tin trong thời gian tới giáo dục sẽ phát triển một cách tích cực, mạnh mẽ khi lực lượng giáo viên được nâng cao trình độ một cách khoa học, phù hợp.

Khó nhất vẫn là giáo viên đang đứng lớp chưa đạt chuẩn, như đã nói ở trên có khoảng 400.000 đến 500.000 giáo viên phải đào tạo lại để đạt chuẩn.

Nếu để cần có văn bằng chứng chỉ để đạt chuẩn thì tôi cho rằng sau vài năm nữa tất cả đều có bằng hết.

Nhưng hỏi về giá trị thật của tấm bằng cấp hay giá trị của giáo viên có nâng lên theo bằng cấp ấy không thì câu trả lời là không.

Hiện nay, với vô số các quy định mới như tiêu chuẩn ngoại ngữ, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp… hay các hình thức đào tạo, bồi dưỡng khi giáo viên vừa công tác, vừa đi học đã không mang lại hiệu quả hay nói cách khác nó phản tác dụng.

Sẽ không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp, cao đẳng
Sẽ không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp, cao đẳng

Bởi vì giáo viên vừa đi dạy, vừa làm những công tác khác, vừa đi học…sẽ không tập trung vào học hay dạy nên hiệu quả cả việc học tập nâng chuẩn là không cao mà việc dạy cũng lơ là không hiệu quả, nên tôi nói phản tác dụng là vậy.

Phải nói việc giáo viên hôm nay đạt chuẩn, mai lại không đạt chuẩn hay trình độ dân trí của giáo viên không cao cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau, không hẳn là lỗi của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì khi đó điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, giáo viên thiếu nghiêm trọng, nên để giải quyết công việc tức thời thì việc ban hành các tiêu chuẩn, trình độ  thấp cho giáo viên cũng có thể chấp nhận được.

Việc nâng chuẩn là phù hợp nhưng thiết nghĩ có nên quy định độ tuổi nào cần phải được đào tạo để đạt chuẩn, độ tuổi nào có thể chỉ cần bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu giảng dạy mà không cần phải học tập để có văn bằng cho đạt chuẩn.

Theo tôi nghĩ cả giáo viên nam và nữ từ 50 tuổi trở lên nếu chưa đạt chuẩn thì có thể không yêu cầu đạt chuẩn về trình độ, bởi vì nếu có đi học thêm thì chủ yếu tốn tiền, thời gian mà không mang lại hiệu quả.

Nếu được thông qua thì theo lộ trình giáo viên có thể nghỉ hưu ở 62 đối với nam, 60 với nữ, khi đó những giáo viên trên cũng đã nghỉ hưu, chương trình mới đã hoàn thiện, giáo viên mới đã dần dần thay thế, đáp ứng thì mọi việc có thể vận hành một cách liên tục, hiệu quả.

Hy vọng đây là quy định về chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn ngoại ngữ, tin học…lần cuối cùng của giáo viên, sau này giáo viên chỉ tập trung vào nghiên cứu giảng dạy, cập nhật kiến thức mới mà không phải chạy theo các tiêu chuẩn bổ sung như hiện nay nay.

Chỉ có như vậy, giáo viên mới có thể yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho nền giáo dục hiện đại, tiến bộ.

NHẬT KHOA