Công khai bản thảo sách giáo khoa lên mạng Internet là rất cần thiết

31/10/2020 06:18
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc góp ý của dư luận có thể có nhiều ý kiến khác nhau nhưng từ đó các tác giả sách giáo khoa, các nhà xuất bản, lãnh đạo Bộ sẽ có một kênh tham khảo cần thiết.

Viết sách giáo khoa là một công việc vất vả, nhất là sách giáo khoa Tiểu học bởi đây là cấp học đặt nền móng cho học sinh ở các cấp học về sau. Hơn nữa, cấp học này cũng thường được phụ huynh quan tâm nhiều nhất về việc học tập hàng ngày của con em mình.

Chính vì thế, những hạn chế, sai sót ở sách giáo khoa Tiểu học thường được phát hiện sớm hơn so với các cấp học phổ thông khác và câu chuyện sách Tiếng Việt (Cánh Diều) lớp 1 năm nay là một ví dụ điển hình.

Những sai sót, hạn chế đã được nhiều người chỉ ra và cũng từ những hạn chế này thì Bộ Giáo dục đã có nhiều hướng đi mới cho các bộ sách giáo khoa còn lại.

Điều này đã được thể hiện rõ qua những chia sẻ của lãnh đạo Bộ trong buổi tọa đàm thực hiện Nghị quyết 88 về đổi mới giáo dục phổ thông do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 29/10 vừa qua.

Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trong buổi tọa đàm (Ảnh: Báo Nhân dân)

Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trong buổi tọa đàm

(Ảnh: Báo Nhân dân)

Bộ tính phương án công khai bản thảo sách giáo khoa lên mạng

Trong buổi tọa đàm ngày 29/10, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết sau những phản hồi về sách giáo khoa lớp 1, Bộ sẽ điều chỉnh ba điểm quan trọng trong công tác thẩm định sách giáo khoa các năm sau.

Trong ba điểm Bộ sẽ điều chỉnh mà Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ, chúng tôi đặc biệt chú ý ở điểm thứ ba, đó là: "Bộ cũng tính đến việc đăng lên mạng bản thảo dạng pdf của sách để xin ý kiến góp ý đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, nhà khoa học và người dân.

Trên cơ sở phản hồi nhận được, Bộ sẽ nghiên cứu và đề ra giải pháp phù hợp".

Thực ra, việc đưa bản thảo sách giáo khoa lên mạng Internet là việc làm rất hiệu quả mà ít tốn kém nhất trong bối cảnh hiện nay.

Việc góp ý của dư luận có thể có nhiều ý kiến khác nhau nhưng từ đó các tác giả sách giáo khoa, các nhà xuất bản và lãnh đạo Bộ sẽ có một kênh tham khảo cần thiết nhất.

Những lời góp ý hay, đúng của dư luận sẽ giúp cho các tác giả sách giáo khoa hoàn thiện hơn về bộ sách của mình và tất nhiên một khi sản phẩm đã được mọi người cùng chung tay “nhặt sạn” thì lợi ích sẽ đến với tất cả các bên liên quan.

Và, điều quan trọng hơn cả là tạo được sự yên tâm cho phụ huynh, giáo viên và mọi người quan tâm đến lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa lần này.

Nếu nhìn lại việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và đưa vào giảng dạy sách giáo khoa lớp 1 vừa rồi thì chúng ta thấy đó là một sự cố đáng tiếc và tốn kém rất nhiều.

Bởi, khi phát hiện ra những hạn chế của sách giáo khoa thì phạm vi điều chỉnh đã quá lớn và dẫn đến sự lãng phí về việc in ấn cho các nhà xuất bản và ảnh hưởng đến quá trình dạy và học ở các nhà trường.

Bộ cần khuyến khích giáo viên đứng lớp nêu chính kiến về sách giáo khoa

Chủ trương của Bộ là sẽ “đăng lên mạng bản thảo dạng pdf của sách để xin ý kiến góp ý đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, nhà khoa học và người dân”.

Trong các đối tượng mà Bộ hướng tới thì việc lấy ý kiến từ đội ngũ giáo viên cũng là một kênh rất quan trọng vì đây là những người trực tiếp giảng dạy mà đông đảo nhất.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Bộ đã thực hiện việc lấy ý kiến của giáo viên về dự thảo Chương trình tổng thể, Chương trình môn học nhưng gần như không mấy hiệu quả vì có thể là do cách làm chưa hay.

Đó là Bộ gửi email các file dạng pdf về các Sở, Sở chuyển tiếp về Phòng, Phòng chuyển về các đơn vị trường học yêu cầu góp ý nhưng gần như các ý kiến đóng góp của các giáo viên là họ “không có ý kiến” hoặc “đồng ý với dự thảo”…

Phần vì giáo viên họ bận bịu việc dạy, phần vì họ xem đó không phải là trách nhiệm của mình hoặc có góp ý thì cũng chẳng đi đến đâu.

Góp ý mà chỉ ra những bất cập, sai sót, những điều không phù hợp thì họ sợ nhà trường, sợ lãnh đạo để ý nên giáo viên họ ngại liên lụy khi nói thẳng, nói thật về hạn chế…

Hơn nữa, tất cả các ý kiến còn được chuyên viên Phòng, Sở tổng hợp mới gửi ngược về Bộ nên các ý kiến đều được sàng lọc kĩ càng. Bởi vậy, những ý kiến tổng hợp thường là những lời hay, ý đẹp và những hạn chế thì thường rất hiếm hoi.

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, những lời của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ trong buổi tọa đàm ngày 29/10 về việc “đăng lên mạng bản thảo dạng pdf của sách để xin ý kiến góp ý đa chiều” là rất cần thiết nhưng khâu quan trọng nhất là khuyến khích giáo viên nói thật.

Mà muốn giáo viên nói thật, nói hết thì phải thay đổi cách làm hiện nay, bớt đi các khâu trung gian để tiếng nói của giáo viên đến được với bộ phận chuyên môn của Bộ.

Con đường ngắn nhất là Bộ và các nhà xuất bản công khai email để giáo viên có thể đóng góp ý kiến, phản biện một các khoa học về nội dung kiến thức của sách giáo khoa một cách trực tiếp.

Hơn nữa, muốn có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện thì công tác truyền thông của Bộ Giáo dục phải tốt hơn, phải đến được với giáo viên.

Nếu cần thiết thì Bộ có thể mở một diễn đàn để các nhà khoa học, đội ngũ giáo viên và người dân có thể cùng chung tay cho các bộ sách giáo khoa tới đây được tốt nhất.

Một khi khuyến khích được mọi người am hiểu về chuyên môn, về giáo dục cùng nói thật, thậm chí là những lời khó nghe thì nó cũng rất cần thiết cho việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa lần này.

Tài liệu tham khảo:

https://vnexpress.net/du-kien-dang-ban-thao-sach-giao-khoa-len-mang-de-lay-y-kien-4184357.html

https://nhandan.com.vn/dien-dan-giao-duc/them-cac-kenh-lay-y-kien-gop-y-cho-sach-giao-khoa-lop-2-lop-6-622577/

NHẬT DUY