LTS: Vấn đề dạy thêm, học thêm đang ngày càng nở rộ tại nhiều địa phương với nhiều hình thức “lách quy định”.
Cô giáo Thuận Phương chỉ ra một số “chiêu” mà một số trung tâm tổ chức dạy thêm, dạy thêm áp dụng nhằm thu lợi khiến tình trạng này càng gây nhức nhối trong dư luận xã hội.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Hàng năm, trong các báo cáo của các trường, của ngành gửi cấp trên đều kết luận “Tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan không xảy ra”. Nghe thì thấy phấn khởi lạc quan biết nhường nào.
Nhưng hàng ngày, vẫn thấy các em học sinh đi học đến tối mịt mới về. Nhiều em mặc nguyên bộ đồ dài học hết ca này lại chạy xô ca khác tới hơn 10 giờ đêm chưa về đến nhà.
Dạy thêm học thêm tràn lan không có nhưng dạy học thêm trong trung tâm vẫn cứ sôi động, nhộn nhịp khác thường.
Một cái thị trấn nhỏ ở một tỉnh lị miền Nam Trung bộ nhưng có đến mấy chục cái trung tâm dạy thêm đồ sộ được quảng cáo, chào mời một cách tưng bừng.
Những trung tâm này chủ yếu của chính các thầy cô giáo dạy những môn học sinh đang phải học thêm như Toán, Lý, Hóa, Anh văn.
Phòng dạy thêm của một giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh được ghi nhận vào tối ngày 6/2 (ảnh của Phương Linh) |
Giáo viên dạy các môn ấy của các bậc học trung học phổ thông và trung học cơ sở ai ai cũng thi nhau mở trung tâm, trước là cho chính mình dạy thêm một cách hợp pháp sau là giúp đồng nghiệp và kiếm thêm được một khoản hoa hồng.
Bởi thế, người dạy vừa là chủ nhân, vừa là người trực tiếp chiêu sinh. Một số đồng nghiệp chưa có điều kiện mở trung tâm thường đăng kí và mang học sinh của mình đến đây để dạy.
Đối tượng học thêm chủ yếu là học sinh do chính thầy cô giáo dạy trên trường đưa về dạy tại trung tâm.
Thế là, sau các buổi học chính khóa, học sinh lại nườm nượp đến trung tâm học thêm một cách hợp pháp dù nhiều em không muốn.
Hàng tháng họ gửi lại trung tâm khoảng 20% giống như tiền thuê nhà.
Với cách hợp tác làm ăn thế này “đôi bên cùng có lợi” nên việc dạy thêm đã trở thành hợp pháp trước pháp luật. Vậy thì tình trạng dạy thêm, học thêm cũng đâu có chấm dứt?
Thành lập trung tâm dạy thêm vô cùng đơn giản
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 05 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm học thêm (Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT) thì:
Giám đốc Sở Giáo dục TP.Hồ Chí Minh nói về tình trạng giáo viên o ép học thêm |
Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm không do các cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm ngoại ngữ, tin học) tổ chức.
Điểm a) Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định: Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
Điều 9 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định những yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm bao gồm:
1. Có trình độ được đào tạo tối thiểu tương ứng với giáo viên dạy thêm (đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục);
2. Có đủ sức khỏe;
3. Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
Như vậy, căn cứ các quy định nói trên, một người có bằng sư phạm hay cụ thể là một giáo viên về hưu sẽ được cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường khi họ không phải là giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập và đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm như đã trích dẫn ở trên.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường được thực hiện theo quy định tại các Điều 12, Điều 13 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 05 năm 2012 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Chính quy định mở trung tâm dạy thêm, trung tâm bồi dưỡng văn hóa vô cùng đơn giản nên có rất nhiều các trung tâm được mở ra dưới tên của một thầy cô giáo về hưu nào đó nhưng thực chất là do chính giáo viên đang giảng dạy trong các nhà trường phổ thông làm chủ.
Giám đốc Trung tâm cho thuê phòng dạy thêm ở Quận 1 là Phó chủ tịch phường |
Điều này lý giải vì sao ngay ở thị trấn nơi tôi giảng dạy, cấp trung học phổ thông và trung học cơ sở đã có hàng chục cái trung tâm bồi dưỡng văn hóa mà chủ nhân thật sự là Phó hiệu trưởng nhiều trường học, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn…
Thi thoảng Sở, Phòng Giáo dục cũng tổ chức thanh kiểm tra nhưng chủ yếu kiểm tra trên giấy tờ xem có hợp lệ là kết luận “không sai phạm”; “dạy thêm học thêm đúng quy định”.
Còn sau đó thế nào chỉ có chủ nhân và người thanh tra mới biết.
Bởi thế thì làm gì có kiểu “vạch lá tìm sâu” như việc tìm hiểu “Em tên gì? Học lớp nào?”... xem có vi phạm vào quy định “không được dạy thêm học sinh của chính mình”.
Với cách làm như trên thì dạy thêm học thêm sẽ chẳng bao giờ chấm dứt.