Cục trưởng Cục CNTT: Học bạ điện tử giúp hạn chế tiêu cực trong giáo dục

07/10/2023 06:35
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Kiểm soát và đảm bảo tính minh bạch ngay từ bước đầu tiên triển khai học bạ điện tử giúp hạn chế tiêu cực cho ngành giáo dục.

Tại chương trình: Chia sẻ các thông tin về công tác chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo được tổ chức ngày 05/10, Tiến sĩ Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin chia sẻ một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện công tác chuyển đổi số, những khó khăn thách thức trong quá trình triển khai. Đồng thời nêu ra những định hướng cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới, với mong muốn làm tốt chuyển đổi số trong giáo dục góp phần thúc đẩy, tác động đến Chính phủ số và xã hội số.

Thảo luận tại chương trình, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đã có dịp trao đổi, đặt ra những câu hỏi nhằm giải đáp thắc mắc về công tác chuyển đổi số trong giáo dục gửi tới Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin.

Về định hướng triển khai học bạ điện tử, đại diện cơ quan thông tấn báo chí đã đặt ra câu hỏi là làm thế nào để kiểm soát, đảm bảo sự minh bạch trong quá trình nhập liệu thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Sơn Hải lý giải, về cơ sở dữ liệu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều hướng tới sự minh bạch, tin cậy, tuy nhiên để đảm bảo tuyệt đối sẽ rất khó. Về phía quản lý cơ sở dữ liệu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định cho các sở, phòng và nhà trường về Quy chế Quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu.

Đơn cử, khi sử dụng sổ điểm điện tử để nhập điểm, ứng dụng chưa biết giáo viên nhập thông tin đúng hay sai nhưng sau khi nhập, thông tin sẽ bị khóa và không thể sửa. Do vậy, sổ điểm điện tử sẽ hạn chế tiêu cực trong giáo dục. Tương tự với học bạ điện tử, khi được nhà trường phát hành, toàn bộ nội dung thông tin trong học bạ sẽ không thể sửa.

Đặt câu hỏi cho Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, có phóng viên nêu vấn đề, học bạ điện tử được triển khai tại Lạng Sơn sau hơn 1 năm nhưng chưa có sự thống nhất trong phần mềm khi hiện nay có 2 đơn vị cung cấp phần mềm học bạ điện tử.

Tiến sĩ Nguyễn Sơn Hải giải đáp thắc mắc của đại diện cơ quan thông tấn báo chí về chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Ảnh: P.M

Tiến sĩ Nguyễn Sơn Hải giải đáp thắc mắc của đại diện cơ quan thông tấn báo chí về chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Ảnh: P.M

Tiến sĩ Nguyễn Sơn Hải giải đáp, các phần mềm quốc gia đã được thống nhất, tuy nhiên với phần mềm dùng tại trường và giáo viên sử dụng để thống nhất được thì rất khó.

Bởi, việc quyết định sử dụng phần mềm phụ thuộc vào lựa chọn của hiệu trưởng các trường. Và với vai trò và chức năng của mình, Nhà nước cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án can thiệp bằng cách ban hành các văn bản quy chuẩn về chuẩn dữ liệu và chuẩn kết nối. Từ đó, các phần mềm của đơn vị cung cấp đều phải xây dựng dựa trên quy chuẩn này.

Trước câu hỏi: “Học bạ điện tử sẽ được kiểm soát và đảm bảo tính minh bạch như thế nào”, Tiến sĩ Hải thông tin, triển khai học bạ điện tử có 3 quá trình: tạo lập học bạ (nhấn mạnh trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường); quản lý hoạt động học bạ điện tử (nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý như vai trò của Bộ và địa phương,…); sử dụng học bạ điện tử (bao gồm học bạ giấy và học bạ điện tử). Và hiện học bạ điện tử đang được nghiên cứu để hoàn thiện trước khi đưa vào triển khai thực tế tại các địa phương.

Tại chương trình, có một số ý kiến đề xuất triển khai ứng dụng miễn phí cho học sinh và phụ huynh thay vì sử dụng ứng dụng trả tiền nhưng không mang lại hiệu quả cao. Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Sơn Hải nhấn mạnh: “Nói về việc đề xuất triển khai ứng dụng cho học sinh, điều này chúng tôi hoàn toàn tán thành và không chỉ dừng lại ứng dụng cho học sinh mà còn là ứng dụng cho giáo viên, nhà trường.

Điều này đặt ra trăn trở, nếu làm ứng dụng cho học sinh, cho giáo viên thì mình phải mang lại lợi ích cho người dùng, có như vậy ứng dụng mới tồn tại được. Còn nếu làm ứng dụng chỉ phục vụ được mục đích công việc của cơ quan quản lý thì sẽ rất khó. Nhưng làm thế nào để mang lại lợi ích thì lại là câu chuyện cần phải nghiên cứu”.

Đề cập đến kho bài giảng trực tuyến được xây dựng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Tiến sĩ Nguyễn Sơn Hải cho hay, cuộc thi giáo viên thiết kế bài giảng E-learning do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, thu được 42.000 bài giảng do giáo viên soạn theo chuẩn bài giảng E-learning. Kết quả này đã ghi nhận đóng góp tích cực của giáo viên trong bối cảnh khó khăn của đất nước và toàn ngành giáo dục.

Để đảm bảo chất lượng trước khi số hóa, bài giảng đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá và thẩm định. Bên cạnh đó, một số bài giảng được thẩm định tại cở sở trước khi chuyển lên kho bài giảng của Bộ.

Là đơn vị được đánh giá cao trong công tác thực hiện kho bài giảng trực tuyến, Tiến sĩ Lê Đức Thuận – Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: “Năng lực công nghệ thông tin của đội ngũ giáo viên được nâng cao, linh hoạt trong việc khai thác sử dụng kho bài giảng trực tuyến. Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm, tham mưu về vấn đề năng lực công nghệ thông tin cho giáo viên, hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống phần mềm.

Ngoài phần mềm do Bộ Giáo dục và Đào và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai, quận Ba Đình cũng tiến hành triển khai phần mềm cho giáo dục. Các phần mềm cần phải chọn lọc đồng bộ liên thông và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hiện giáo viên cảm thấy hào hứng và nhận thấy rằng, công nghệ thông tin và chuyển đối số không phải là nhiệm vụ cấp trên giao xuống mà đó là quyền lợi của giáo viên”.

Giai đoạn kết nối cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục với cơ sở dữ liệu ngoài ngành như cơ sở dữ liệu dân cư, bảo hiểm xã hội và cơ sở dữ liệu công chức viên chức còn gặp nhiều khó khăn. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin bày tỏ kỳ vọng trong thời gian tới, kết nối hạ tầng quốc gia sẽ được cải thiện, đảm bảo kết nối ngoài ngành vì mục tiêu kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số.

Thảo Ly