Chợ Tây – niềm vui của người nước ngoài tại Hà Nội

31/03/2012 15:18
Đỗ Thùy Linh
(GDVN) - Chợ Tây không chỉ đơn thuần là nơi mua bán mà nó còn là đểm gặp gỡ của những con người xa quê hương.
Lần đầu đặt chân đến khu chợ Tây (số 4, ngõ 67/12 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà  Nội), nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh của những phiên chợ cuối tuần ở châu Âu ngay trên đất Hà Thành. Toàn bộ khu chợ được bao trùm trong tiếng nhạc nhẹ du dương và bầu không khí thân thiện. Không chỉ đơn thuần là nơi mua bán, chợ còn là nơi gặp gỡ của những con người xa quê hương.

Yên tâm với sản phẩm chất lượng
“Chợ phiên cuối tuần Tây Hồ” được thành lập vào năm 2009, bởi ông Patrice Gautier, giám đốc công ty Cổ phần dịch vụ Chăn nuôi Thú y châu Á. Chợ được mở đều đặn vào thứ bảy hàng tuần từ 9h đến 12h30. Hiện chợ có khoảng 20 gian hàng với đa dạng các loại thực phẩm như rượu vang, bánh ngọt, mật ong, nước hoa quả, trứng gà, gạo.

Không đơn thuần là nơi mua bán, chợ Tây còn là nơi gặp gỡ của những người con xa quê hương (ảnh: Đỗ Thùy Linh)
Không đơn thuần là nơi mua bán, chợ Tây còn là nơi gặp gỡ của những người con xa quê hương (ảnh: Đỗ Thùy Linh)

Ngoài ra, chợ cũng thu hút khách nước ngoài với các gian hàng sách, mỹ phẩm, áo quần cũ, đồ lưu niệm thủ công mỹ nghệ. Điều đáng chú ý là những sản phẩm được phép kinh doanh ở đây đều có nguồn gốc tự nhiên, có kiểm định của các cơ quan chức năng.
Anh Quentin, một thanh niên gốc Pháp, hào hứng giới thiệu món nước ép trái cây ưa thích của mình: “Món này rất ngon! Nó được làm từ trái cây tươi của Việt Nam, không chất bảo quản và được thanh trùng bằng nhiệt. Tôi rất thích!”. Nhiều khách hàng cũng tỏ ra rất yên tâm khi mua sản phẩm ở đây dù một số mặt hàng thực phẩm có giá khá cao so với thị trường bên ngoài: rau củ quả có giá từ 30.000-70.000/kg, mật ong có giá 290.000/0.5 lít,…

Một trong những sản phẩm rất độc đáo của phiên chợ Tây được nhiều khách hàng yêu thích là là trà gừng. Trà gừng làm từ gừng tươi được cô đọng, mỗi lần uống chỉ cần lấy một thìa nhỏ cho vào cốc, pha thêm nước là đủ. Gian hàng túi xách thủ công cũng khá “hút” khách với cách bày trí bắt mắt. Tất cả túi đều được làm từ chất liệu tự nhiên, thân thiện với người dùng nên giá cả khá cao, chừng 50USD/cái.

Niềm vui phiên chợ Tây
Khách mua hàng cũng như người bán hàng của chợ phiên cuối tuần Tây Hồ chủ yếu là người nước ngoài định cư tại Việt Nam, đặc biệt là những người sống quanh khu vực Hồ Tây. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Canada, Australia, Pháp... Qua những cuốn sách, truyện hay những món ăn mang phong vị ẩm thực phương Tây, họ có thể cảm nhận được những nét thân quen của quê hương mình nơi đất khách.
 Ông David Barna Cohen, chủ một gian hàng bánh kếp tỏ ra rất thích không khí nơi đây: “Công việc chính của tôi là làm việc tại Công ty Vietnam International Products, tuy nhiên cuối tuần nào tôi cũng dành thời gian đến chợ để thưởng thức âm nhạc tuyệt vời, làm bánh kếp và gặp gỡ bạn bè, đồng hương”.  Điệu cười phóng khoáng, những câu tiếng Việt hài hước và cách mà David “nhào nặn” món bánh kếp là lý do khiến gian hàng của ông luôn thu hút không ít khách hàng.

Những mặt hàng được bày bán tại khu chợ này tuy có giá cao hơn so với giá thị trường, nhưng chất lượng lại luôn được đảm bảo ( Ảnh: Đỗ Thùy Linh)
Những mặt hàng được bày bán tại khu chợ này tuy có giá cao hơn so với giá thị trường, nhưng chất lượng lại luôn được đảm bảo ( Ảnh: Đỗ Thùy Linh)

Tại một quầy hàng khác, những bộ quần áo cũ được bán để phát triển Quỹ từ thiện cho những trẻ em khuyết tật và mồ côi Việt Nam... Chị Janine - người Đức, một thành viên của nhóm bán hàng từ thiện ở chợ phiên Hồ Tây chia sẻ: “Tuần nào tôi cùng con trai cũng đến đây để trao đổi sản phẩm. Việc này đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của tôi”. Gian hàng này có lẽ đã làm phiên chợ Tây thêm một niềm vui ý nghĩa".

Chợ Tây không chỉ dành cho Tây
Nếu như trước đây khách hàng chủ yếu của Chợ phiên cuối tuần Tây Hồ là người nước ngoài định cư tại Việt Nam, thì nay, phiên chợ ngày càng nhận được sự quan tâm của cả người dân Hà thành. Chị Trần Thị Hà – người bán sản phẩm massage tại đây cho biết: “Người Việt Nam đến với chợ ngày càng nhiều, một số ít là khách hàng ‘ruột’ của chợ, còn phần lớn mọi người đến để tham quan chứ không phải để mua sắm”. Nhiều bạn trẻ sống tại Hà Nội cũng đến đây với sự thích thú giao lưu hay đơn giản chỉ là để ngắm nhìn và cảm nhận sự thú vị mà khu chợ này đem lại. Với bạn Ngọc Khánh – sinh viên trường CĐ Sư phạm, điều khiến bạn thích thú nhất là mọi người đều rất thân thiện. “Mình đã làm quen được nhiều người bạn nước ngoài mới, vốn tiếng anh cũng nhờ thế mà tốt hẳn lên.”, Khánh vui vẻ chia sẻ.

Ông David Barna Cohen vui vẻ với công việc làm bánh kếp (ảnh: Đỗ Thùy Linh)
Ông David Barna Cohen vui vẻ với công việc làm bánh kếp (ảnh: Đỗ Thùy Linh)

Chị Hà cũng hào hứng nói: “Khi người Việt Nam đến với chợ Tây cũng làm thay đổi phần nào không khí của chợ, khiến cho chợ không chỉ đậm chất châu Âu mà còn mang hơi hướng chợ Việt”. Có thể nói, khu chợ ngày càng thể hiện rõ sự giao thoa văn hóa giữa hai nền văn hóa châu Âu và châu Á, tạo ra một nét độc đáo và thu hút giữa thủ đô nghìn năm tuổi.
Đỗ Thùy Linh