Hội chùa Hương: Nhộn nhạo giá đò

28/03/2012 11:32
Mạc Phạm Ngọc Hà
(GDVN) - Dịch vụ đò từ bến Yến đến quãng đường thuộc địa phận Vân Đình trở vào chùa Hương có giá cả tăng chóng mặt vào 3 tháng đầu năm.
Theo biển chỉ dẫn đến chùa Hương chừng vài trăm mét, một người đàn ông nhấn ga bám theo xe chúng tôi, hỏi lớn: “Đi chùa Hương cho tôi dẫn đò nhé?”, rồi chìa một cái card visit ra bảo: “hai người, tổng vé vào là 170 ngàn, tôi lấy anh chị 400 ngàn thôi (?) Đến nơi đi ngay không phải chờ đợi”.
Thì ra, “bão giá thị trường” mấy năm qua đã “quét” đến cả lễ hội. Dịch vụ đò không chỉ giới hạn ở bến Yến, mà giăng khắp quãng đường từ địa phận Vân Đình trở vào, với giá cả tăng chóng mặt. 

Giá đò hoảng hồn!


Năm nay, giá vé vào tại chùa Hương đã tăng lên 85.000 đồng/người, bao gồm 50 ngàn phí tham quan và 35 ngàn tiền đò. Thường thì du khách đến chùa Hương chẳng phải tốn công đi… mua vé bao giờ. Chỉ cần xe vào đến bãi gửi, đã có một đám các bà các ông là lái đò kiêm “cò đò” bám theo ráo riết.

Một lái đò đang kì kèo “ngã giá”
Một lái đò đang kì kèo “ngã giá”

“Giá” chung mà họ đưa ra là 400 ngàn/2 người, 4 người là 600 ngàn, bao gồm: 85 ngàn tiền vé cho mỗi người, và khoảng 100 - 300 ngàn tiền “bo” cho nhà đò. Đi một đoàn hai chục người hay chỉ có hai người cũng vẫn bị đòi chừng ấy tiền “bo”. Khách xua tay bảo vào trong mua vé, thì ngay lập tức nhà đò mở túi rút ra cả xấp vé, nhanh nhẩu: “Không cần, dịch vụ đến tận răng đây rồi!”.
Đúng là phục vụ đến tận răng thật, bởi vì còn cách chùa Hương vài chục cây số (qua địa phận Vân Đình một đoạn), đã thấy xuất hiện một vài “cò đò”, thường là đàn ông, chỉ cần nhác thấy bóng các xe máy, ô tô, đoán chừng đi lễ hội chùa Hương là bám theo mời chào.
Đến ngã 5 Tế Tiêu, đoạn rẽ giữa chùa Hương và hồ Quan Sơn, cách chùa Hương 12km, có hẳn một đám người “trông giống” xe ôm (và cũng có nhiều người làm xe ôm thật) chạy ra chào khách. Và quãng đường 12km sau đó dẫn vào bến Yến có đến dăm bảy đám “cò đò” như thế, trực sẵn ven đường, chỉ cần thấy khách (đi xe máy hoặc ô tô, mang theo ba lô lỉnh kỉnh hoặc tiền vàng) là lập tức đi theo, “mời” sử dụng dịch vụ “đến tận răng”.

Trong đám người này có xe ôm “xịn” và xe ôm kiêm lái đò
Trong đám người này có xe ôm “xịn” và xe ôm kiêm lái đò

Theo đó, những người khách đồng ý sử dụng dịch vụ của nhà đò sẽ phải trả tiền vé theo giá vé nhà nước, và thêm ít nhất là 100 ngàn “bo” (nếu khéo “mặc cả”). Mức giá này là… bắt buộc. Khách sẽ không phải chờ đợi đò, chỉ cần vào gửi xe ngay tại nhà đò (không mất tiền), có đò phục vụ ngay (kể cả chỉ chở 1 người) và trước khi quay ra chỉ cần gọi trước cho nhà đò một tiếng đồng hồ. Nếu không, việc tìm đò vào sẽ trở nên cực kì khó khăn, nếu không muốn nói là không nhà đò nào chịu chở.
Đặc biệt, có những du khách đến hành hương vào lúc trời đã về khuya, giá “bo” còn đẩy lên đến 500 ngàn/thuyền. Con số này không thống nhất giữa những người lái đò và các ngày trong tuần. Dường như ngày nghỉ đông khách, họ nói thách nhiều hơn và độ kiên quyết cũng… cao hơn.
Với hai khách đi đò đêm như chúng tôi, cô Xuyên – một lái đò (điện thoại: 0169 3701 xxx) ra giá: “Cô lấy các cháu 300 ngàn, bao gồm 170 ngàn tiền vé. Đêm nay vào, ở lại thuê nhà nghỉ trong đó, sáng mai thăm thú rồi gọi, cô vào cô đón ra!”. Lấy cớ còn bạn đang đợi ở ngoài, chúng tôi hẹn nói chuyện sau thì cô bảo thêm: “Nhớ dặn bạn các cháu đừng nhận đò bên ngoài. Bọn ấy hét giá cao lắm, bắt chẹt đấy. Cô lấy hữu nghị thôi”.
Có thể nói “văn hóa bo” được du nhập từ nước ngoài vào là một nét đẹp chúng ta cần học tập. Nhưng không phải biến tướng theo cách ra giá cho tiền “bo” như đã thấy ở trên.

Muốn lễ hội “sạch”, cần “hiểu” nhà đò

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khoản thu 35 ngàn tiền đò ghi trên vé đò, lái đò chỉ được nhận 25-30 ngàn, còn lại để trả tiền vệ sinh, thuê bến bãi... Vào những ngày thường, lái đò chỉ “xin” khách “bo” thêm khoảng 20-50 ngàn cho mỗi chuyến đi về. Nhưng vào dịp lễ hội, họ tăng lên gấp bốn năm lần. Giải thích cho việc tăng giá “bo” này, một lái đò cho biết, họ phải thuê đò của chủ đò với giá hơn triệu cho một mùa lễ hội (kéo dài hơn ba tháng), mà phần trăm từ bán vé trích ra trả cho họ là quá ít. “Chèo vào mất một tiếng đồng hồ, chèo ra cũng vậy, tổng là 10km, lại còn thời gian chờ đợi. Chúng tôi cũng phải kiếm ăn nữa chứ?” – một lái đò bức xúc.
Cô lái đò tên Xuyên bảo chúng tôi: “Bọn cô có ba tháng trong năm để mà kiếm thêm thôi, chứ cũng có ai muốn bắt chẹt khách du lịch đâu. Đò cô mua 8 triệu (chở được 16 người – PV), không kiếm thêm thì để nó mốc ra à?”
Đành rằng ai cũng muốn tranh thủ kiếm thêm tiền vào dịp lễ hội đông khách. Đành rằng ai đến chùa Hương cũng muốn có dịch vụ tốt mà giá rẻ, nhưng có lẽ, trước khi kết tội những nhà đò, “cò đò” làm cho hình ảnh một lễ hội mang tầm quốc gia trở nên xấu xí, chúng ta cũng cần hiểu cho họ.
Đến khi nào những người lái đò thôi không phải đòi thêm tiền “bo” mỗi lần chở khách mà vẫn cảm thấy mức tiền công mình nhận được là thỏa đáng? Đến bao giờ khách hành hương đến với lễ hội chùa Hương thực sự coi hành động “bo” thêm cho lái đò là một nét văn hóa đẹp mà không phải kì kèo, mặc cả? Vấn đề bất cập này có lẽ không chỉ xảy ra ở một lễ hội chùa Hương, mà còn rất nhiều lễ hội khác. Cho đến khi có cách thức giải quyết triệt để, du khách vẫn chỉ có thể tự hỏi: “Đến bao giờ…chùa Hương"?
Mạc Phạm Ngọc Hà