Nỗi lo nước sinh hoạt của sinh viên

03/07/2012 16:09
Vũ Thanh Nga, Báo in k30a1
(GDVN) - Khi sinh viên nhăn nhó: “Tháng này lại tăng tiền nước sao bác?” thì nhận được câu trả lời từ chủ cho thuê nhà: “Giá cả leo thang cái gì mà chẳng tăng”.
Nước sinh hoạt luôn là vấn đề nhức nhối trong đời sống sinh viên hiện nay. Giá “cắt cổ” nhưng họ chỉ biết kêu trời.

Chủ nhà cũng buôn nước

Giá nước trung bình của khu vực phường Dịch Vọng Hậu – Cầu giấy là 70.000đ/1 người, khu vực Cổ Nhuế - Từ Liêm là 50.000đ/1 người, khu vực Định Công – Hoàng Mai là 80.000đ/1 người, khu vực Thanh Xuân là 60.000đ/ 1 người. Trong khi đó, mức giá bán ra của công ty TNHH 1 thành viên nước sạch Hà Nội ứng với 16 khối đầu là 3.475,26đ/1 khối; 4 khối tiếp theo là 4.055,96đ/1 khối; 15 khối kế tiếp là 4.956,52đ/1 khối và 135 khối tiếp theo là 8.173,91đ/1 khối.
Do vậy, việc các chủ nhà trọ bán nước cho sinh viên đang dần trở thành một dịch vụ. Bà Mai, chủ một nhà trọ khu vực Dịch Vọng Hậu, còn đưa ra quy định ngặt nghèo: mỗi ngày chỉ được tắm tối đa 2 lần, hạn chế  rửa tay chân, giặt quần áo, không tổ chức liên hoan tránh dùng nhiều nước. 
Cũng gần đó bà Na lại định mức chỉ bơm nước 1 lần mỗi ngày, nếu dùng hết cũng đành ngậm ngùi. Một số chủ nhà trọ lại bán nước giếng tính tiền nước máy cho sinh viên. Khi được hỏi tới giá nước thì các chủ cho thuê trọ đều cho rằng đó là “giá chung”. 
Chỉ có điều, cái giá chung ấy không được cơ quan chức năng nào quy định và kiểm soát. Cô bạn Nguyễn Thị Thanh Xuân (sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền) thở dài: “Tiền nước định mức là 70 nghìn đồng một người nhưng dùng không được thoải mái, nhất là vào mùa hè , hết nước cũng đành chịu vì theo quy định chủ nhà chỉ bơm nước một lần trong ngày. Nhiều khi ức muốn khóc mà chẳng biết kêu ai”. 

Nỗi lo nước bẩn

Bên cạnh vấn đề giá nước, chuyện nước sạch cũng trở thành nỗi lo và tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Nước máy được một số chủ nhà trọ chứa vào các bể xi măng hạ thổ hoặc các thùng phi, việc dọn rửa là do “tình nguyện”.
Chỉ có một bể nước duy nhất gồm cả nước ăn, rửa rau, nước tắm, nước giặt quần áo,… và chuyện sắt rỉ, gián, bàn chải đánh răng hay đủ thứ có thể rơi vào bể nước là thường tình. Bạn Nguyễn Văn Hoàng, sinh viên trường ĐH sư phạm Hà Nội, tâm sự: “Cứ trời mưa là nước bẩn dâng lên gần miệng bể, có khi mặt bể lại là sân chơi của chó mèo, biết như vậy là mất vệ sinh nhưng cũng chẳng biết làm sao. Hết bốn năm sinh viên, không biết mình có mắc bệnh gì hay không?”. 

Không ai có thể dám chắc, nước trong những chiếc bể này là nước sạch
Không ai có thể dám chắc, nước trong những chiếc bể này là nước sạch

Vì gia đình không có điều kiện nên hầu hết sinh viên phải thuê trọ ở những xóm trọ “vệ sinh chung”. Bởi vậy, vẫn biết nước sinh hoạt còn nhiều trở ngại nhưng họ vẫn phải “cố chịu”. Trung Quân (Học viện Quản lí Giáo dục) bộc bạch: “ Dù rất bức xúc về vấn đề điện nước nhưng đó là tình trạng  chung ở hầu hết các khu trọ. Hình như chủ nhà trọ chỉ quan tâm tới tiền phòng, điện nước hàng tháng chứ không hề biết tới vấn đề nước sạch cho sinh viên. Giờ chỉ còn biết trông cậy vào “lương tâm” của các chủ nhà trọ mà thôi”. 
Không có luật nào quy định giá nước bán cho sinh viên, cũng không có quy định nào về việc xây bể chứa nước hay làm sao để sinh viên được dùng nước sạch. Vì vậy, vấn đề nước của sinh viên vẫn chỉ là những câu chuyện nhỏ trong thời đại ngày nay. 
Vũ Thanh Nga, Báo in k30a1