Thanh Oai: Dân nghèo thành tỷ phú – mừng lắm, lo nhiều

21/04/2012 20:36
Phạm Đăng Đức (Báo in 29A2)
(GDVN) - Ba năm trở về trước, một xóm nghèo tại xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội bỗng chốc “lột xác”, được “thay da đổi thịt” thành… “làng tỉ phú”.
Đổi đất lấy tiền
Xóm Thượng, thôn Khê Tang, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội ba năm trước vẫn còn nghèo khó với hình ảnh những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn. Thế nhưng bây giờ, xóm nhỏ  ấy bỗng chốc “lột xác”, được “thay da đổi thịt”, và người ta quen gọi là… “làng tỉ phú”.
Nguyên do cũng bởi chuyện “Tấc đất, tấc vàng”, tiền đền bù đất đã khiến nông dân nghèo hóa thành… tỷ phú. Nhưng đời sống của những nông dân hậu đền bù đất có thật sự sung sướng?

Câu chuyện đổi đời bắt đầu từ khi người dân xóm Thượng, xã Cự Khê nhận quyết định thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ cho dự án xây dựng tuyến đường mới nối từ quận Hà Đông xuyên qua các huyện phía nam Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Tuyến đường này được dự kiến sẽ trở thành tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ phía nam của Thủ đô và nằm gọn trong dự án khu đô thị Thanh Hà – CIENCO 5. 

Sau khi nhận được số tiền khổng lồ từ đền bù đất nông nghiệp, nhiều hộ gia đình đã xây nhà cao tầng, biệt thự (ảnh: Đăng Đức)
Sau khi nhận được số tiền khổng lồ từ đền bù đất nông nghiệp, nhiều hộ gia đình đã xây nhà cao tầng, biệt thự (ảnh: Đăng Đức)


Chính vì thế, mức đền bù mà chủ đầu tư đưa ra đối với mỗi hộ dân có đất canh tác nông nghiệp “dính” vào dự án quả là con số đáng mơ ước: 352 triệu đồng/1 sào Bắc Bộ. Nếu là đất thổ cư thì số tiền đền bù còn cao hơn nữa. Cả xóm chỉ vỏn vẹn khoảng 300 hộ nhưng số tiền đền bù lên tới hơn 800 tỷ. Dân làng rủ nhau “may túi ba gang” kéo lên ủy ban xã lĩnh tiền đền bù đất.

Nhàn cư vi bất thiện?

Trước đây, đa phần người dân xóm Thượng, xã Cự Khê đều làm nghề nông, một số nhà duy trì nghề gia truyền là làm miến và làm tương. Làm việc đầu tắt mặt tối quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Thế mà giờ đây, diện mạo làng quê đã hoàn toàn thay đổi. Những ngôi nhà cấp 4 xập xệ hay những thửa ruộng thẳng cánh cò bay dần biến mất, thay vào đó là nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. 

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”,  người dân đua nhau xây nhà, mua xe, thậm chí đầu tư vào bất động sản “theo phong trào”. Nhưng trong khi đất nông nghiệp đã bị thu hồi, vấn đề bố trí giải quyết việc làm cho người dân vẫn chưa đâu vào đâu thì nhiều nông dân đang loay hoay chưa biết xoay xở ra sao với số tiền bạc tỷ. 

Đây chính là nguyên nhân làm nảy sinh một số tệ nạn xã hội đáng báo động. Một số người dân, chủ yếu là thanh niên do chưa có việc làm ổn định, nhàn rỗi sinh ra chuyện rượu chè, cờ bạc, lô đề với số tiền lớn.

Tuyến đường nối từ quận Hà Đông xuyên qua các huyện phía nam Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) sẽ trở thành tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ phía nam của Thủ đô
Tuyến đường nối từ quận Hà Đông xuyên qua các huyện phía nam Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) sẽ trở thành tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ phía nam của Thủ đô


Ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê chia sẻ: “Lãnh đạo xã đã có cuộc họp với đại diện các hộ dân được hưởng tiền đền bù đất để kêu gọi tinh thần tiết kiệm và khuyên họ sử dụng số tiền đó sao cho hợp lý. Tuy nhiên, một số người có tiền trong tay, xây nhà, mua xe xong chẳng biết làm gì bỗng nảy sinh tâm lý: tiêu tiền cho bõ những ngày cực khổ. Thế là bập vào cờ bạc, lô đề lúc nào không hay.

Như nhà ông Đ.T.H ở xóm Thượng ấy, từ ngày có khoảng 8-9 tỷ tiền đền bù, hai đứa con trai từ chỗ ngoan hiền đã thành kẻ hư hỏng: một đứa thì nghiện ma túy, đứa kia thì dính vào cá độ bóng đá, lô đề thua phải cắm cả sổ đỏ của nhà. Thế mới biết người giàu cũng khóc, anh ạ!”

 
Cần giải quyết việc làm cho người dân


Ông Vũ Anh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết: “Trong cam kết của Nhà nước và chủ đầu tư có nhắc đến vấn đề cấp thẻ học nghề và bố trí công ăn việc làm cho những người trong độ tuổi lao động. Thế mà đã gần 3 năm nay, con cháu chúng tôi vẫn chưa được hỗ trợ gì về việc làm sau khi giải tỏa đất nông nghiệp. Thanh niên là thành phần lao động chính, nếu không có việc làm ổn định sẽ dễ sa chân vào tệ nạn”.
Những người dân nghèo xóm Thượng đã thực sự hóa thành… những tỷ phú từ ngày nhận tiền đền bù đất. Thế nhưng vấn đề giải quyết việc làm, chuyển hướng sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân đang đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải đặc biệt chú ý và giải quyết triệt để. Người dân sẽ biết quý trọng hơn giá trị của đồng tiền mà họ tự mình lao động kiếm ra được chứ không phải là nhờ tiền đền bù từ mảnh đất cha ông để lại.                                                     
Phạm Đăng Đức (Báo in 29A2)