Tiếng nói nhỏ - ước mơ lớn

19/04/2012 22:21
Như Quỳnh (Báo In K31A1)
(GDVN) - Hơn 5000 trẻ em từ 10-12 tuổi tại 44 quốc gia là đối tượng của cuộc điều tra “Tiếng nói nhỏ - ước mơ lớn” của liên minh Child Fund năm 2011.
Một điều thật bất ngờ, học tập là sự lựa chọn hàng đầu của trẻ em Việt Nam vào thời gian rảnh rỗi.


Tự hào nhưng đáng suy ngẫm

Trả lời cho câu hỏi: “Nếu có một ngày rảnh rỗi để làm bất cứ việc gì mình muốn, em sẽ làm gì ?”, có 26% trẻ em Việt Nam trả lời sẽ học bài, chỉ 1% trẻ em lựa chọn sử dụng máy tính hoặc chơi trò chơi điện tử. Trong khi cũng câu hỏi đó, có khoảng 1/3 trẻ em thế giới lựa chọn vui chơi, tiếp theo mới đến học hoặc làm bài tập (13%).

“Sở dĩ phần đông trẻ em Việt Nam chọn học hành thay cho vui chơi vì đa phần các em lớn lên trong nghèo khó, nhận thức rõ hơn ai hết sức mạnh của giáo dục trong việc phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Các em muốn được học hành và hiểu rằng, phương tiện hữu ích nhất để đẩy lùi đói nghèo là thông qua giáo dục” – Ông Jim Emerson Tổng Thư kí Liên minh Child Fund nhận định.

Và thực tế…

Ngược lên vùng núi cao, chọn Hà Giang làm nơi dừng chân, vùng đất của nắng, gió và đá tai mèo xám ngắt. Mảnh đất địa đầu Tổ quốc, vẫn còn đó con đường quen thuộc từ Quản Bạ lên Yên Ninh, Đồng Văn sang Mèo Vạc. Cổng trời Quản Bạ hun hút gió, con dốc Tùng Đỉnh dựng ngược từ thị trấn Yên Tỉnh sang phố Cáo Đồng Văn. Thung lũng Sùng La đẹp tựa tranh vẽ. Đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng để thấy con sông Nho Quế mảnh như một sợi chỉ, đứng ở bãi đá cổ Xín Mần để nhìn mùa vàng Hoàng Sa Phì mới cảm nhận hết vẻ đẹp của Hà Giang.
Ấn tượng ban đầu về Hà Giang đẹp là thế. Tuy vậy, nơi đây vẫn còn là một tỉnh nghèo trong diện 135 của Chính phủ. Đời sống, dân trí của bà con còn thấp, một số hủ tục vẫn tồn tại. Những đứa trẻ sinh ra không được chăm sóc chu đáo, tội lắm! Một phần vì nghèo đói, một phần vì bố mẹ các em để mặc, không quan tâm. Đến bữa ăn, các em còn mải chơi, có gia đình cũng chẳng gọi về ăn, dù chúng vẫn chưa được ăn bữa trưa hôm đó. 

Mẹ và 3 đứa con ở vùng cao
Mẹ và 3 đứa con ở vùng cao

Người mẹ quê ở huyện Vị Xuyên, có 4 đứa con, đứa lớn nhất 13 tuổi, cuộc sống còn khá vất vả. Đứa con út mới có 1 tuổi được chị địu trên lưng, hễ đặt xuống là khóc thét ngay. Hai chị em ôm ấp, bồng bế nhau, có khi phơi nắng suốt cả ngày trên sườn đồi.
Đôi bàn chân đen xạm trên nền xám ngắt một màu của đá tai mèo, ai cũng xót xa. Quần áo em cũng không lành lặn, lại thêm những vết hoen ố, bám đầy bụi bẩn. Các em lúc đầu còn dè dặt, sợ sệt nhưng sau đó quên ngay tiếp tục trò chơi. Tuổi thơ không nhiều trò chơi lắm. Em ngồi bệt xuống đất bụi, chơi những viên đá nhỏ, một số khác thì nhảy dây mặc nắng nóng, bụi bẩn.
Cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn, các em chắc hẳn chưa từng được chơi những trò chơi như bạn bè đồng trang lứa ở những nơi khác. Có em còn ngơ ngác với máy ảnh đang hướng về phía mình. Các em cũng được đi học, song cơ sở vật chất còn thiếu lắm, giáo viên cũng ít. Có nhiều em phải bỏ học ở nhà địu em hay phụ giúp cha mẹ, đôi vai em bé nhỏ mà trĩu nặng mưu sinh. 

Các em nhỏ vùng cao
Các em nhỏ vùng cao

Khi được hỏi: “Các con có thích đi học không, các con thích làm gì nhất”. Có rất nhiều tâm trạng lúc đó, em thì bẽn lẽn gật gật, em thì lí nhí “Có ạ, cháu thích đọc truyện, và chơi trò chơi nữa”,… Có những em chỉ cười, mắt nhìn ra xa xăm. Nụ cười trẻ thơ lấp lánh, vút lên như âm thanh trong trẻo giữa vùng cao nguyên đá. Đằng sau tiếng nói nhỏ, ánh mắt ngây thơ và nụ cười hồn nhiên ấy của con trẻ chính là những ước mơ lớn, thật đáng trân trọng.

Báo chí với vấn đề về trẻ em

Nếu bạn có một ngôi nhà để ở, một chiếc xe để đi, một ít tiền trong ngân hàng thì bạn thuộc vào 1% những người giàu có trên thế giới. 99% còn lại, họ ở đâu, sống ra sao? Bạn đã là một người may mắn hơn bao nhiêu người khác. Điều đó khiến ta không khỏi suy ngẫm. Các em nhỏ nói chung và các em ở Hà Giang nói riêng sẽ khác đi nếu em được đi học và được quan tâm hơn…


Trong những năm qua, Nhà nước ta cũng đã trợ cấp, ưu tiên cho người nghèo, “Ở đâu có người nghèo, ở đó có chính sách xã hội”. Tuy vậy, cuộc sống người dân vùng núi cao vẫn còn lạc hậu, chưa thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Không phải do chính sách của Chính phủ ít mà còn phụ thuộc vào trình độ dân trí của vùng miền. 

Có gia đình khi được vay vốn với lãi suất thấp để làm ăn thì đem tiền về giắt lên xà nhà, hàng tháng vẫn nộp tiền lãi suất; lại có những hộ dù cho vay vốn không lấy lãi vẫn kiên quyết nhất định không vay. Gia đình nào cũng có vài con trâu, mấy quả đồi mà vẫn đói nghèo. Những hủ tục, và suy nghĩ lạc hậu ngấm ngầm bén rễ ăn sâu mấy nghìn năm trên mảnh đất này. Không thoát được cái nghèo, trẻ em là người chịu hậu quả rất nhiều. Thiết nghĩ, cần có thêm chính sách giáo dục qua báo chí địa phương.
Báo chí cần hướng tới nhóm đối tượng trẻ em. Những chuyên mục không chỉ viết về trẻ em cho người lớn đọc mà còn viết cho đối tượng trẻ em đọc. Chính phủ cần có thêm chính sách tài trợ sản xuất, phát hành các chuyên san đặc san để các em vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp nhận thông tin, đáp ứng nhu cầu học tập và giải trí cho các em. 
Bằng nhiều phương tiện, hình thức khác nhau , báo chí sẽ góp phần thực hiện sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Như Quỳnh (Báo In K31A1)