Như Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, phụ huynh Trường Tiểu học Cộng Hiền (huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng) kêu cứu Tòa soạn vì họ đang "oằn lưng" bởi ma trận các khoản thu nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận vì số tiền ngôi trường này kêu gọi đóng góp không hề ít.
Riêng khoản xã hội hóa năm học 2019-2020 do Hiệu trưởng Vũ Thị Ngân ký tên, đóng dấu có số tiền lên đến hơn 1.650.000 đồng. Đáng nói, trong đó có khoản học sinh phải đóng 450.000 đồng/học sinh mua bàn ghế mới.
Bên cạnh đó, khoản tiền thu theo thỏa thuận cũng hơn 1 triệu đồng gồm có tiền hỗ trợ tin học 216 ngàn đồng, tiền quản lý ngoài giờ 900 ngàn đồng.
Ngoài những khoản đóng góp trong danh mục tự nguyện nhưng thực tế lại áp đặt con số cụ thể, không ít phụ huynh Trường Tiểu học Cộng Hiền cũng bức xúc trước một số khoản thu hộ.
Cụ thể, khoản nhà trường thu hộ như học phí tiếng Anh liên kết đối với khối 1, khối 2 là 450.000 đồng/năm; các khối còn lại 540.000 đồng/năm. Học kỹ năng sống 315.000 đồng/năm. Sổ liên lạc điện tử 80.000 đồng/năm.
Theo một phụ huynh có con học lớp 1, việc học tiếng Anh liên kết, nhà trường nói là tự nguyện, nhưng nhà trường lại cho học vào các giờ chính khóa như thế khác nào gây khó cho phụ huynh?.
Trong khi đó, phụ huynh chủ yếu làm công nhân, cả ngày lao động tại công ty, nếu con em họ không đăng ký học tiếng Anh liên kết, các cháu sẽ phải về nhà giữa giờ, như thế phụ huynh làm sao đón con về nhà sau lại đưa đến trường học tiếp được?.
“Việc học tiếng Anh tôi thấy 3 cháu nhà tôi học không vào. Có thể nguyên nhân do cháu chưa chịu học, nhưng không loại trừ chất lượng giảng dạy chưa tốt.
Vì công việc tôi buộc phải cho con đăng ký học tiếng Anh tại trường vì không có ai đưa đón.
Tôi có hỏi cô giáo chủ nhiệm về việc nếu không đăng ký học tiếng Anh, học sinh sẽ ở đâu, cô giáo nói phụ huynh sẽ phải ke thời gian để đến đón con về nhà sau đó lại đến trường học các môn khác.
Đúng ra nhà trường phải sắp xếp thời khóa biểu môn tiếng Anh liên kết vào tiết cuối giờ để học sinh nào không học, phụ huynh đến đón con mới hợp lý”, một phụ huynh lớp 2 nói.
Tổng các khoản đóng đầu năm học của một lớp 2 Trường Tiểu học Cộng Hiền. Ảnh: NVCC. |
Nhiều phụ huynh cũng thắc mắc về số tiền 80.000 đồng/học sinh/năm học tiền sổ liên lạc điện tử. Một năm, theo phụ huynh tính số tin nhắn từ nhà trường đến phụ huynh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Sổ liên lạc điện tử triển khai rất lãng phí, một năm nhắn vài tin đến phụ huynh. Hơn nữa, các lớp đều có nhóm chát riêng nên giáo viên hoàn toàn có thể nhắn cho phụ huynh qua đó mà không mất phí”, một phụ huynh nói.
Nói thêm về khoản tiền quản lý ngoài giờ 900.000 đồng/năm học, một phụ huynh cho biết, một tuần có một số buổi các con tan học sớm vào khoảng 15h. Nhưng giờ đó quá sớm, phụ huynh khó có thể đón được nên phát sinh tiền quản lý ngoài giờ 900.000 đồng/năm học (100.000 đồng/tháng).
Phụ huynh này cũng phân tích về con số 900.000 đồng/năm tiền quản lý ngoài giờ. Giả định giáo viên nhận 50.000 đồng/giờ quản lý ngoài giờ. Như vậy một tuần giáo viên nhận 5 giờ quản lý ngoài giờ được 250.000 đồng, một tháng nhận 1 triệu đồng.
Trong khi đó, lớp con tôi có 33 học sinh, mỗi tháng 3,3 triệu đồng vậy số tiền còn lại hơn 2 triệu đồng một lớp, một tháng đi đâu?. Trong khi đó cả trường có 15 lớp, số tiền hàng tháng không phải là ít. Câu hỏi đặt ra liệu số tiền thu ngoài giờ như vậy có quá cao không?.
Phụ huynh trường Tiểu học Cộng Hiền phản ánh năm nào họ cũng phải đóng tiền mua bàn ghế cho con em, ảnh NVCC. |
Còn một phụ huynh có con học lớp 4 năm vừa rồi đóng trên 5 triệu đồng bức xúc cho rằng:
“Nếu thực sự việc đóng góp của phụ huynh chúng tôi được công khai, minh bạch rõ ràng, đóng góp để các con được học tập trong môi trường tốt hơn và phù hợp với điều kiện kinh tế thì chúng tôi không ngại.
Nhưng nhiều năm nay phụ huynh đóng góp nhiều khoản xã hội hóa, ủng hộ cơ sở vật chất bao nhiêu, chi tiêu như thế nào không được nhà trường công khai minh bạch.
Từ việc đóng góp đến chi tiêu tiền của phụ huynh tại ngôi trường này rất mập mờ. Nhà tôi đóng trên 5 triệu cho con mà không biết đóng những khoản gì, hỏi cô giáo thì chỉ biết tổng số tiền như vậy.
Đáng nói, năm nào cũng đóng góp tiền bàn ghế, nhưng con tôi vẫn phải ngồi bàn ghế cũ, không còn chắc chắn. Không hiểu phụ huynh đóng tiền mua bàn ghế có được sử dụng đúng mục đích hay không?".
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự khó hiểu đối với những khoản thu như tiền vệ sinh, tiền điện nước. Theo họ, lẽ ra những khoản này nhà trường không được thu, nhưng nhiều năm nay nhà trường vẫn thu.
Để khẳng định nhiều khoản tiền phụ huynh cho là vô lý nhà trường đã thu từ đầu năm học, chỉ một số trường hợp chưa đóng đủ đầu năm cuối năm học mới đóng nốt, phụ huynh gửi cho phóng viên hình ảnh chụp lại từ cuốn sổ đóng góp của phụ huynh khối 2 của giáo viên chủ nhiệm.
Phụ huynh có ý kiến phản ánh về những khoản thu của nhà trường bị mời lên làm việc với nhà trường vào nhiều thời điểm khác nhau, thậm chí vào 20 giờ tối (mũi tên đỏ). Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Văn Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Bảo cho biết:
“Phòng đã nắm được thông tin phản ánh về một số khoản thu tại Trường Tiểu học Cộng Hiền.
Phòng sẽ cử cán bộ xuống trường làm rõ”.
Cũng theo ông Đoàn Văn Thành, thực tế ngân sách địa phương còn hạn hẹp, nhiều hạng mục sửa chữa, mua sắm, nhà trường cần sự ủng hộ từ phụ huynh.
Tuy nhiên, ông Thành khẳng định: “Việc nhà trường huy động xã hội hóa thông báo đến phụ huynh phải trên tinh thần tự nguyện. Tức việc ủng hộ, đóng góp phải tùy tâm”.
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khơi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo cho biết, đã nắm được thông tin cơ quan báo chí phản ánh về một số khoản thu tại Trường Tiểu học Cộng Hiền.
Ông Nguyễn Văn Khơi cũng cho biết đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Bảo xác minh làm rõ, đồng thời sẽ thông tin đến cơ quan báo chí sau.